Quảng Cáo

Chung quanh bộ sách Tiếng Việt Lớp 1

Quảng Cáo

Phạm Nhật Bình -Việttân|

Thông thường trong một đất nước, giáo dục – y tế – giao thông là ba lãnh vực trọng yếu làm nền tảng phát triển của xã hội, vì nó liên quan đến đời sống con người. Giáo dục đảm nhiệm phần phát triển tri thức người dân trong mọi lứa tuổi; y tế lo về sức khoẻ thể chất; giao thông lo về sự đi lại thuận tiện cho mọi người.

Ba nền tảng này bất cứ chính phủ nào cũng phải lo cho dân, không quốc gia nào dù nghèo dù giàu đều không thể từ chối trách nhiệm của mình. Tuy nhiên  chính phủ có lo đầy đủ và đáp ứng được nhu cầu đúng với sự mong đợi của người dân hay không mới là chuyện cần nói.

Nói riêng về giáo dục, các nhà hoạch định giáo dục Việt Nam trước đây thường noi theo một triết lý giáo dục đặt trên ba trụ cột quan trọng: nhân bản, dân tộc và khai phóng. Triết lý giáo dục này lấy con người làm mục đích; tôn trọng và bảo vệ các giá trị truyền thống dân tộc trong khi mở rộng và tiếp nhận kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới. Đây cũng không phải là một chính sách giáo dục quá cao siêu, nhưng đã chứng tỏ được sự thành công khi đã đào tạo được một lớp người có khả năng kiến thiết và bảo vệ đất nước.

Ngày nay, sau 45 năm cầm quyền trên cả nước, với biết bao lần “cải cách giáo dục” nhưng phải thành thật nhìn nhận rằng sự thất bại nhiều hơn thành công. Năm nay Bộ Giáo Dục cho xử dụng bộ sách Tiếng Việt lớp 1 của nhà xuất bản Cánh Diều do nhà xuất bản trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội và Đại Học TP.HCM tổ chức biên soạn. Được bộ phê duyệt đồng ý 100% nên việc đem áp dụng cho các trường học trên toàn quốc cũng là điều dễ hiểu. Nhưng tại Sài Gòn, tập sách này làm các phụ huynh từ băn khoăn tới bất bình vì nội dung của nó.

Người ta có thể dễ dàng tìm thấy vô số những khuyết điểm về từ ngữ, ý tứ diễn đạt không phù hợp chút nào với trẻ tiểu học. Và ngay trên mạng xã hội Facebook nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự thất vọng, cũng như nêu lên rất nhiều ví dụ cho thấy bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 đang được đem ra dạy quả thật là một thảm họa cho nền giáo dục nước nhà.

– Dạy một đứa trẻ 6 tuổi trở nên thiếu tôn kính, vô giáo dục khi trả lời mẹ một cách cộc lốc: “Chả sợ gì!” sau khi em học được từ “chả” trong sách.

– Đem ngôn từ Miền Bắc áp dụng cho trẻ em lớp 1 Miền Nam. “chén hết,” “dăm hôm,” “giá đỗ,” “giò,” “gà nhép,” “gà nhí,” “lừa thở hít hóp.” Những từ ngữ ấy quả thật vượt sự hiểu biết của trẻ lớp 1 dù thầy cô giáo có giải thích.

– Dạy cách ghép vần vô tội vạ: u ghép với đ thành đu và dạy trẻ ghép thêm 5 dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng… Chữ đầu là chữ đú, ngay cả nhiều phụ huynh cũng cảm thấy khó khăn để hiểu; đến chữ thứ năm thì thầy cô giáo biết giải thích ra sao với các em?

– Những ví dụ mang áp dụng trong bài học không mang tính giáo dục trẻ em tinh thần văn hóa dân tộc mà nhiều người nói sách chỉ dạy trẻ tính láu cá, biếng nhác như chuyện “Hai con ngựa,” “Chuyện cua, cò và đàn cá.” Những người soạn sách lại hoàn toàn dùng loại chữ nghĩa của những người bao nhiêu năm bị nhồi sọ trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên cũng cần thừa nhận vấn đề ngôn ngữ vùng miền là vấn đề tồn tại trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam, xuất phát từ Đồng Bằng Sông Hồng mở rộng đất nước đến tận vùng Châu Thổ Sông Cửu Long. Do đó cách nói, cách hiểu, cách diễn tả ngôn ngữ không còn thuần nhất mà đã biến đổi rất nhiều. Một ví dụ rất cụ thể là khoai mì của Miền Nam và sắn của Miền Bắc chỉ là một.

Tiếng Bắc hay tiếng Nam đều là tiếng Việt Nam, nhưng sách Tiếng Việt lớp 1 đem ngôn từ Miền Bắc áp dụng cho trẻ em Miền Nam là chuyện không cần thiết và bất hợp lý. Có thể nhắc lại để thấy trước năm 1975 không ai dạy vần ơi và chữ xơi, mà trẻ bậc tiểu học Miền Nam chỉ biết chữ ăn. Hoàn toàn không có sự áp đặt hay cưỡng bách ngôn ngữ vùng miền trong giáo dục tiểu học thời bấy giờ.

Nhưng khi lên bậc trung học, có dịp tiến xúc với văn chương Tự Lực Văn Đoàn và sách các tác giả thời tiền chiến Miền Bắc, nhất là sau năm 1954 tiếng Miền Bắc hay tiếng Miền Nam không phải là vấn đề đáng bàn cãi. Chẳng những vậy, Tiếng Việt ngày càng hoàn thiện hơn, phát triển hơn và đem lại sự hòa hợp hiếm có trong giao tiếp xã hội.

Ngày nay không biết vì lý do gì ông Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên bộ sách Cánh Diều và Bộ Giáo Dục – Đào Tạo chủ trương phải thống nhất dạy trẻ em Việt Nam theo phương ngữ Miền Bắc. Nhưng làm sao được khi họ quên rằng ngôn ngữ chính là sức sống đồng thời là linh hồn của mỗi địa phương. Chủ trương sai lầm ấy xuất phát từ tình trạng duy ý chí và độc quyền chính trị mà đảng Cộng Sản Việt Nam là người cầm cương cho con ngựa giáo dục cứ đi theo con đường mòn.

Sách Tiếng Việt lớp 1 thất bại vì không dựa trên nền tảng triết lý giáo dục thích hợp với hoàn cảnh đất nước mà cứ khư khư thống nhất theo chiêu bài đảng và nhà nước với nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đã vô cùng lạc hậu. Hệ quả của nó là mang đến một thảm họa cho dân tộc, nếu tiếp tục dùng sách này dạy trẻ em mới bước vào trường học để được khai tâm.

Thiết tưởng câu nói của cựu Tổng Thống Nelson Mandela (1918-2013) của Cộng Hòa Nam Phi “Để hủy diệt một quốc gia, chỉ cần hạ thấp phẩm chất giáo dục và cho phép gian lận trong thi cử” cần được coi như một lời cảnh cáo không được phép quên đối với các nhà làm giáo dục Việt Nam.

Nhưng so với thực tế hiện nay, giáo dục Việt Nam đang có đủ hai điều kiện nguy hiểm này!

Phạm Nhật Bình

#giáodụcvn #bộsáchtiếngviệtlớp1

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux