Ngày 10 tháng 10 hàng năm, được Liên Hợp Quốc chọn làm World Mental Health Day (tạm dịch: Ngày của thế giới về Sức khỏe Tinh thần). Trải qua đại dịch Covid-19 và những bất an về chính trị, xã hội, môi trường… đang diễn ra, bình an tinh thần của con người đang được nhắc đến như một trong những giải pháp sống còn của nhân loại.
Nói trong thông điệp nhân ngày này, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh rằng điều cuối cùng mà con người khao khát, đặc biệt khi các nhu cầu vật chất có thể không còn thiếu thốn nữa, là sự thanh thản trong tâm hồn: thứ không thể mua được bằng tiền, không thể có được bằng chiếm đoạt được bằng bạo lực, đó là sự an lạc nội tâm. Tài sản đó tuyệt đối quý giá khi nhận thức đủ, và thật đau đớn khi bị mất đi.
Người Việt Nam, có bao nhiêu người tìm thấy được món quà an lạc quý giá đó trong tâm trí của mình?
Chắc là không nhiều, tôi nghĩ vậy, hoặc luôn luôn bị xáo trộn với cuộc đời trên đất nước này. Vì bởi mỗi sáng thức dậy, bất kỳ người Việt Nam cũng dễ dàng nhìn thấy một câu chuyện hành động chà đạp lên pháp luật, sự ngang ngược của nhân viên hay bộ máy hành chính công quyền, oan khiên, tàn phá môi trường, tham nhũng ngang nhiên… và sự chịu đựng vô cùng của con người trong một thế giới sống đang chủ trương vật chất vô thần lớn hơn tinh thần.
Chưa bao giờ người Việt có thể ngưng nghỉ cho sự an lạc đúng nghĩa, nếu như bạn là người tử tế. Chỉ mới hôm qua là một trí thức bị bắt cóc và ghép tội chỉ vì tố cáo một quan chức trung ương đạo văn lấy bằng tiến sĩ. Rồi chuyện giáo dục nhầy nhụa với những lần cải cách, hứa hẹn sẽ lại cải cách tốn kém vào năm sau như một loại đặt bẫy ngân sách… Vô số những câu chuyện như vậy từng ngày đang giày xéo tâm hồn Việt, dù bạn muốn ngó lơ cũng không thể.
Rất dễ nhìn thấy cuộc sống đã tác động như thế nào với tâm hồn người Việt hôm nay. Tranh cãi về giáo dục, chính trị, xã hội, kinh tế… trên các trang mạng xã hội, người Việt sẳn sàng gây hấn bằng ngôn ngữ, mạt sát và coi nhau như kẻ thù không đội trời chung nhanh chóng qua vài lời. Dĩ nhiên, phải nói rõ rằng việc tạo dựng nên các nhóm AK47 và Dư luận viên để tạo nên những làn sóng tư duy và ngôn từ mạt hạng ở mọi nơi, cũng là một tội ác của nhà cầm quyền đang làm tan nát tinh thần người Việt, ở phía sử dụng cũng như phía bị tấn công.
Bạn nghĩ xem, ngó lơ, quên và mặc kệ mọi thứ có giải thoát được không?
Trong thông điệp của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc đến Bồ đề tâm giữa thế giới hỗn loạn này, như một giải pháp. Tức khi biết vận dụng sự ủi an kẻ khác, thương yêu và san sẻ gánh nặng với con người, kính trọng những người tử tế… bản thân đã tìm thấy sự an lạc bằng cách tự mình đứng dậy, lớn hơn mọi nghịch cảnh hỗn mang đang diễn ra, gửi đi những sức mạnh tinh thần cho người khác và cộng hưởng trong thế giới sống của mình.
Vì cuối cùng, sự thanh thản lớn nhất, không phải là khi chúng ta nhắm mắt có đủ nhung lụa và của cải thế gian chung quanh. Mà là trên đường đi vào thế giới khác, ít nhất ta cũng nhẹ lòng trong cuộc sống đã không bỏ quên đồng loại, đã từ chối yêu thương, chia sẻ vì sự ích kỷ hay hèn nhát trước bạo quyền.
Ít nhất, chúng ta đã sống và sống đúng trong thế giới tàn bạo hôm nay. Sống như một Con người và thanh thản vì không cần phải tìm kiếm ngôn ngữ ngụy biện nào để bào chữa cho sự tồn tại của mình.
—–
“Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục”, được cho là câu nói của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Đối diện với cuộc sống không bằng sự yên thân tạm bợ, hy vọng trong sợ hãi, thì chính sức mạnh từ bi và hành động với tâm Bồ đề, là cách để giải trừ sự mê muội đó.
“Ðịa ngục vị không, thệ bất thành Phật,
Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề”. Cả Phật cũng không thể mũ ni che tai, quên sự đời mà tận hưởng sự an lạc của mình. Thấy nỗi đau của con người mà tự cho đó là điều không nên can dự, là tội ác. Phật không thể thành Phật – nếu không dám xông vào địa ngục để cứu độ chúng sinh.
#ĐạtLaiLạtMa
Leave a Comment