Theo báo Vietnamnet Online ra ngày 22/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thông báo có một doanh nghiệp đủ điều kiện để vay gói hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19, nhưng doanh nghiệp này cũng đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động. Như vậy, gói hỗ trợ 16 ngàn tỷ đồng trong chương trình cho vay lãi suất 0% đối với doanh nghiệp sử dụng lao động để trả lương ngừng việc do đại dịch theo nghị quyết 42 của chính phủ và quyết định 15 của Thủ tướng chính phủ đã không có một doanh nghiệp nào tiếp cận được. Đây là một vấn đề lạ, nghịch lý vì các doanh nghiệp đang rất khó khăn trong đại dịch nhưng đã không vay được, không được vay gói hỗ trợ của chính phủ cho chính các doanh nghiệp này. Chúng ta cần tìm hiểu xem đầu đuôi, thực hư và bản chất vụ việc này là như thế nào?
Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, do việc hạn chế tiếp xúc, đi lại nên ảnh hưởng nặng nề tới tất cả các nền kinh tế các nước, và nền kinh tế thế giới nói chung. Các quốc gia trên thế giới đều có các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để giúp hạn chế các tổn thất mà người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu. Nhưng các quốc gia này, với nguồn lực dồi dào, họ đã hỗ trợ theo cách giúp tiền cho thẳng, cho đứt người dân và các doanh nghiệp một khoản tùy theo hoàn cảnh thực tế và nguồn lực nhà nước. Đối với Việt Nam, khoản tiền hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng cho người dân hộ nghèo và cận nghèo cũng thực hiện cho thẳng, cho đứt mỗi khẩu được 350.000 đồng/người/tháng, tổng số là 3 tháng tất cả. Như vậy mỗi nhân khẩu hộ nghèo và cận nghèo được tất cả là 1.050.000 đồng, tính ra đô la khoảng gần 50$/người. Tuy nhiên, việc hỗ trợ ở các địa phương thực hiện rất hỗn loạn, bởi có tình trạng lập danh sách ảo, sai, và nhầm lẫn lung tung. Nhiều nơi người dân phản ánh vẫn không thấy gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng đến được với những hộ nghèo và cận nghèo. Không rõ tổng số tiền hỗ trợ có thực sự đến tay người dân là 62 ngàn tỷ đồng hay không, nhưng việc hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo là có thực. Đó là việc hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch đã không thực hiện theo cách cho thẳng, cho đứt như đối với người dân mà nhà nước hỗ trợ thông qua vay ưu đãi 0% lãi suất, và chỉ giới hạn trong việc trả lương cho người lao động ngừng việc do ảnh hưởng từ đại dịch. Việc không có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói hỗ trợ 16 ngàn tỷ đồng này, được cho là do các điều kiện để đáp ứng yêu cầu vay gói hỗ trợ này từ các ngân hàng quá khắc nghiệt, phức tạp và không khả thi. Các điều kiện đó là gì? Báo Vietnamnet cũng đã đưa ra là: “Theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội, điều kiện để doanh nghiệp vay vốn bao gồm: có từ 20%, hoặc từ 30% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.”
Câu hỏi đặt ra là, tại sao ngân hàng lại đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe, khắc nghiệt và vô cùng khó thực hiện như vậy? Lý do là ngân hàng không muốn mất vốn khi cho các doanh nghiệp vay mà không có sự bảo đảm nào. Các doanh nghiệp nhìn vào các điều kiện ngân hàng đưa ra, so sánh với món lợi chỉ là lãi suất 0% cỏn con mà phải giải trình, chứng minh các yêu cầu như vậy thì thật sự không bõ bèn gì, nên chẳng có doanh nghiệp nào mặn mà và thực hiện việc vay gói hỗ trợ đó.
Ngân hàng không muốn mất vốn khi cho các doanh nghiệp vay gói hỗ trợ đồng nghĩa với việc nhà nước, chính phủ hoàn toàn không có sự bảo lãnh đối với khoản vay này. Có nghĩa là nếu ngân hàng cho vay, chẳng may doanh nghiệp không trả được thì ngân hàng phải chịu. Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Nhà nước, chính phủ hóa ra chỉ đưa ra chỉ thị cho các ngân hàng về việc cho doanh nghiệp vay gói hỗ trợ mà không hề có sự bảo lãnh nào cho khoản vay đó. Nếu nhà nước có sự bảo lãnh gói hỗ trợ đó, chắc chắn ngân hàng sẽ không đưa ra các điều kiện để vay theo kiểu thách đố doanh nghiệp như vậy.
Qua sự việc này, chúng ta càng thấy được sự quan tâm của đảng và nhà nước đối với các doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 là sâu sắc ra sao./.
Hà Nội, ngày 12/10/2020
N.V.B
#covid-19 #góihỗtrợ16ngàntỉ #doanhnghiệpvn
Leave a Comment