Lynn Huỳnh – (VNTB)
Giới học thuật từng có ý kiến rằng Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành cải cách kinh tế theo cách tiệm tiến hay “dò đá sang sông”. Các hoạt động kinh tế từng bước được nới lỏng để chúng tuân theo các quy luật thị trường. Kết quả rõ nhất đối với hai nước, là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong một thời gian rất dài trong khi vẫn duy trì được về bề mặt của sự ổn định chính trị, xã hội.
Cải cách các thể chế chính trị như thế nào thì lại là điều không hề đơn giản. Nếu không có những cải cách để loại bỏ sự sơ cứng hay thoái hóa của bộ máy, nhất là tình trạng tham nhũng và vô trách nhiệm tràn lan, thì sự ổn định của các thể chế chính trị nói riêng, xã hội nói chung sẽ bị đe dọa.
Tiến sĩ Đinh Đức Sinh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã làm một thống kê về “dò đá qua sông” này của Việt Nam:
“Sau nhiều thập niên phát triển, khu vực Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đạt tới đỉnh điểm vào năm 1990 với trên 12 nghìn doanh nghiệp hoạt động rộng khắp trong các ngành, các cấp của nền kinh tế.
Tại thời điểm đó, đã có quá nhiều áp lực từ khu vực DNNN đặt ra mà Nhà nước không thể giải tỏa được, trừ một tia sáng cuối đường hầm, đó là phải sắp xếp lại khu vực này với nhiều giải pháp như: cổ phần hóa, bán, khoán, thoái vốn, cho thuê, cho phá sản.
Mặc dù đã nhận ra tia sáng đó từ năm 1990, nhưng khi thực hiện, phương thức được chọn lại là dò đá qua sông. Kết quả là, tới nay, khu vực này sắp xếp vẫn chưa xong.
Để tránh rủi ro, phương thức đó hầu như loại bỏ tất cả các giải pháp đã được đặt ra trên đây, chỉ tập trung vào giải pháp cổ phần hóa. Thậm chí, khi triển khai, cổ phần hóa đã được cài cắm vào đó những ranh giới đỏ với đặc trưng chung là “Cổ phần hóa, không tư nhân hóa”.
Tưởng là tránh được rủi ro, nhưng chính phương thức dò đá qua sông được áp dụng trong sắp xếp lại DNNN đã và đang tạo ra những rủi ro dài hạn cho toàn bộ khu vực kinh tế này, trong đó: hàng loạt “quả đấm thép” là Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập bằng sáp nhập nhiều doanh nghiệp nhỏ, yếu kém vào một doanh nghiệp được coi là mạnh để nhanh chóng có qui mô lớn, được hưởng nhiều ưu đãi, đến nay nhiều đơn vị bị rơi vào phá sản, hoặc “đã chết mà chưa được chôn”; hơn chục đại án thua lỗ đã qua nhiều đợt vượt lỗ, nay vẫn lỗ lớn; trên 3 triệu tỷ đồng tài sản công của 17 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nắm giữ, dù đang đẩy mạnh cổ phần hóa, nhưng đã qua 4 năm của kế hoạch 5 năm (2016-2020) mà chỉ thực hiện được trên 27%…
Những rủi ro này như những cục xương vừa khó nuốt vào, vừa khó nhả ra khiến nền kinh tế đã ra đường băng từ lâu mà vẫn không thể cất cánh được…”.
Như vậy, một cách đơn giản nhất để tránh “dò đá qua sông” khi phải tìm kiếm đâu là con đường của thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong nhiệm kỳ mới sắp tới của đảng chính trị cần mạnh dạn tiếp thu những giá trị bình thường, mang tính phổ quát của nhân loại về phát triển kinh tế thị trường “hiện đại và hội nhập”.
Bên cạnh đó, nhà nước pháp quyền phải thực sự “pháp quyền” để đảm bảo tài sản, sở hữu cho giới đầu tư. Chỉ khi nào người dân trong nước đủ tự tin bỏ tiền ra đầu tư, kinh doanh mà không sợ bị quốc hữu hóa, hoặc quy chụp về chính trị hóa, thì khi ấy quốc gia mới có thể xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ./.
Leave a Comment