LS Nguyễn Văn Miếng
Theo Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự có 3 trường hợp:
1. Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.
2. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
3. Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
Luật sư thường bị cản trở tác nghiệp trong trường hợp thứ 3 đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương 13 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), từ Điều 108 đến Điều 122.
Sau khi đăng ký bào chữa, các luật sư sẽ được automatic nhận một thông báo về việc “để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra” của chính Cơ quan An ninh điều tra. Lúc trước tôi còn nhận được thông báo của đích thân ngài Viện trưởng về việc “từ chối luật sư”, nhưng nay thì không còn.
Đọc kỹ điều luật số 74 thì văn thức của điều luật là “Trường hợp cần giữ bí mật điều tra” chứ không phải là “Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì…” thì không cho luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra, nhưng lại cấm tất.
Thực tế, sau khi bị “từ chối”, luật sư đôi khi vẫn bị “triệu tập” để tham gia một buổi hỏi cung với một bản cung “vớ vẩn”, sau này dùng để chứng minh trước tòa là “có luật sư tham gia”.
Hay như, để giữ bí mật điều tra, nhưng những thông tin về hành vi, lời khai nhận tội, xin khoan hồng cùng hình ảnh của bị can tràn ngập trên phương tiện thông tin đại chúng, lộ hết “bí mật điều tra” rồi, vẫn kiên định không cho luật sư tham gia.
Có Cơ quan An ninh điều tra, sau khi kết thúc điều tra, gửi thông báo cho luật sư biết để luật sư liên hệ đăng ký bào chữa (lại) với Viện kiểm sát hay Tòa án. Nhưng phần đông họ cứ im ỉm, lờ tịt, đến khi hồ sơ qua Tòa, luật sư mới biết.
Để bảo vệ nhân quyền, Điều 76 Bộ luật TTHS có quy định “cung cấp” luật sư miễn phí cho các “Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình”, không miễn trừ đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Nhưng thực tế, các tội xâm phạm an ninh quốc gia có mức án cao nhất, các bị can đã bị tước mất quyền có luật sư trong giai đoạn điều tra.
Đã có hàng loạt các quy định dành cho luật sư về việc giữ “bí mật quốc gia”, có cần thiết phải tước quyền có luật sư bào chữa đối với các bị can có hành vi vi phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia nữa hay không?
Trong bài này tôi có sử dụng các hình ảnh của cô Phạm Thị Đoan Trang được đăng công khai trên trang Việt Nam Thời Luận sau khi cô ấy bị bắt.
N.V.M.
Nguồn: FB Nguyen Van Mieng
#PhạmĐoanTrang
Leave a Comment