Đối thoại với giáo sư tiến sỹ, tôi dù viết nhanh cũng hết sức thận trọng. Vì chỉ cần một comment trái ý giáo sư tiến sỹ đã có thể bị mắng. Họ không mắng trực tiếp thì quân xanh của họ cũng mắng: “Chó cứ sủa và ngựa cứ đi”. Giáo sư tiến sỹ thì không bao giờ sai. Họ cứ đi theo cao tốc mà họ cho là đúng. Tôi mới chỉ là tiến sỹ, không giáo sư, không được cản đường.
Khi một cộng sự của ông Thuyết khoe Chương trình tổng thể được làm công phu, đúng quy trình thẩm định và thực nghiệm, rất khoa học. Tôi hỏi: “Có dám chắc mang ra ứng dụng đại trà thành công không?” Anh ta cũng thuộc người thận trọng, không nói càn “đại thành công” như ông Thuyết: “Không chắc lắm!”. Tôi bảo “Không chắc thì chưa nên làm! Ba mươi tư ngàn tỷ, không nhỏ.”. Anh ta nói: “Nghị quyết có rồi. Quốc hội thông qua rồi. Không làm không được!”. Tôi bảo: “Các anh có quyền từ chối kia mà?”. Đến đây thì bất ngờ anh ta nói: “Chúng tôi không làm thì người khác cũng làm. Có khi người khác còn làm tệ hơn!” Tôi không thể không bật ra điều tôi đã nghĩ: “Không thể sửa sai bằng bàn tay của kẻ đã làm sai. Các anh đã tham gia cải cách nhiều lần rồi và kết quả thế nào?” Lại bất ngờ anh ta phán quyết: “Thất bại là do giáo viên!”.
Ôi cái tư tưởng tầm K. Marx vô địch! Người ta xây dựng chủ nghĩa xã hội sai chứ Marx thì không thể sai? Trí thức đã thấm nhuần cái tư tưởng ấy đến thành “kiêu ngạo cộng sản” như Lenin nói.
Khi xem Chương trình tổng thể, có mục “lựa chọn bắt buộc”, ban đầu tôi nghĩ, nếu chỉ giới hạn ở kiến thức của môn học thì không sao. Bất ngờ “lựa chọn bắt buộc” lại được áp dụng cho cả một chương trình. Đến khi sách giáo khoa ra đời, những ông làm chương trình lại đứng tên Tổng chủ biên hay Chủ biên vài ba bộ sách nữa thì tôi hiểu, chính họ mở rộng vấn đề “lựa chọn bắt buộc” sang cho cả khâu lựa chọn sách. Vậy là đa dạng sách giáo khoa, nhưng bắt buộc phải lựa chọn hết. Chỉ vì có sự phản ứng mà họ tìm cách phân phối thị trường 5 bộ sách cho hơn 60 tỉnh thành để ai cũng có phần.
Chữ “phát triển năng lực” trong Nghị quyết trung ương được những người làm chương trình hiểu là phát triển sự nhồi nhét cho trẻ em thật nhiều thứ mà trong đầu giáo sư tiến sỹ đang có, tức học sinh phổ thông phải học đại học, cao học. Giáo sư tiến sỹ ngữ văn thì nhét đủ loại khoa học về ngôn ngữ của thế giới, từ tu từ học, phong cách học đến ngữ pháp cấu trúc, ngữ pháp văn bản, ngữ pháp chức năng, ngữ dụng học, thi pháp học… Giáo sư tiến sỹ toán thì nhét đủ các loại toán từ sơ cấp đến cao cấp. Giáo sư tiến sỹ sử thì nhét hết sử Việt Nam đến sử thế giới, cổ đại đến hiện đại. Giáo sư địa lý thì nhét hết địa lý tự nhiên đến địa lý văn hoá, xã hội, địa lý hình thể, địa chất đến thống kê. Giáo sư tiến sỹ giáo dục học thì nhét hết các thứ đạo đức, từ đạo đức công dân đến đạo đức quốc phòng-an ninh, đạo đức Bác Hồ, đạo đức chống tham nhũng, đạo đức môi trường, phòng tránh thai… Đến mức giáo sư tiến sỹ âm nhạc cũng thi đua nhét luôn toàn bộ kiến thức âm nhạc của nhạc viện, bắt trẻ em tiểu học học đủ các loại nhạc lý. Giáo sư tiến sỹ ngành nào cũng thi đua nhau nhét kiến thức của mình vào sách giáo khoa cho trẻ con để không bị mang tiếng mình thiếu kiến thức! Giống như anh dân quê vừa được trang bị nhiều thứ hiện đại, lập tức gì cũng khoe, trừ cái máy ỉa nhân loại chưa phát minh!
Họ đã tưởng tượng mỗi trẻ em là một nhà nghiên cứu như họ, và phải cao hơn họ, vì đó là nhà nghiên cứu bách khoa, chứ không phải là một người học được nhà trường trang bị kiến thức và kỹ năng để sử dụng cho chính cuộc sống và cho nghề nghiệp tương lai của người học.
Khái niệm “tích hợp” ngay từ lần cải cách trước, tôi đã lên tiếng sớm, rằng tích hợp là để giảm tải chứ không phải tăng tải. Không có chuyện văn tích hợp sử, địa, đạo đức rồi mà sử, địa, đạo đức lại tích hợp cả văn và các loại khác trong đó. Tích hợp như thế thì không khác cái nồi lẫu thập cẩm khổng lồ, rốt cuộc không môn nào ra môn nào. Nhưng chó cứ sủa, còn ngựa thì cứ đi, đi cho hết hàng ngàn tỷ… xăng nhớt!
Năm nay tôi gợi ý một đề tài khoa học cho thành viên của bộ môn về dạy học trải nghiệm trong văn học, rằng nên thêm bổ ngữ “sáng tạo” vào chữ “trải nghiệm” cho tôi. Giảng viên đồng ý. Nhưng khi ra bảo vệ trước hội đồng thì có ý kiến phản biện rằng, Chương trình tổng thể đã cắt bỏ chữ “sáng tạo”, lý do, đã trải nghiệm thì ắt có sáng tạo.
May mà tôi làm Chủ tịch hội đồng chứ không thì đề tài bị mổ nát như tương. Tôi nói, không phải trải nghiệm nào cũng sáng tạo. Cái câu bị mấy anh trí thức Trung Quốc gán cho Khổng tử rồi giáo dục học Việt Nam dẫn đi dẫn lại: “Tôi nghe tôi quên, tôi thấy tôi nhớ, tôi làm tôi hiểu” đem ra luận thành trải nghiêm để sáng tạo là sai bét. Giáo dục phong kiến “làm” còn nhiều hơn nghe và thấy. Nghe, thấy một vài lần, làm nhiều đến gấp bội lần, làm đến thành thục gọi là kỹ năng. Chẳng hạn phụ nữ học Lễ. Họ nghe, thấy các thầy gọi là thánh làm rồi làm theo, làm đến thành thục, hơn cả kỹ năng là bản năng, từ đi đứng, ăn mặc, nằm, ngồi và cả làm tình… Kết quả là thành nô lệ, từ cuộc sống đời thường đến quan hệ tình dục. Làm mà không cần hiểu vì sao phải làm như vậy là trải nghiệm nô lệ!
Rộng ra, trải nghiệm theo mẫu, dù bất cứ môn học nào, đều chỉ có thể biến con người thành nô lệ của khuôn mẫu, thực chất là nô lệ của quyền lực. Bởi khuôn mẫu do quyền lực tạo ra.
Hiện chưa có sách học trải nghiệm. Nhưng kiến tạo của ông Thuyết trong chương trình tổng thể 1) Ngoài trải nghiệm kỹ năng ở các môn học còn có trải nghiệm kỹ năng tổng hợp, 2) Học ngoại khoá trước đây thành học bắt buộc, tức phải học thêm buổi, 3) Tạm thời giao cho cán bộ Đoàn, Đội hướng dẫn. Tôi đã thốt lên ngay từ đầu: “Thôi rồi, Lượm ơi!” Lượm đừng mơ: “Ở đồn Mang Cá/ Thích hơn ở nhà”, vì cái món trải nghiệm ấy là một cuộc lăn lộn ở chiến trường đẫm máu mà không có vinh quang. Có bắt buộc tức là có đánh giá năng lực. Năng lực gì? Năng lực làm theo mẫu của các ông thánh gọi là Đoàn, Đội, kể cả đó là giáo viên chuyên trách. Và trải nghiệm như vậy là biến thành thứ kỹ năng làm nô lệ đấy!
Tôi đoán khi đọc bài này, ông Thuyết và các cộng sự của ông sẽ nói: “không có căn cứ”, vì sách giáo khoa học trải nghiệm đã ra đời đâu? Thì thưa ông, những gì ông thiết kế sẽ như một cụm công trình, chẳng lẽ nhìn bản thiết kế tôi không biết các công trình sẽ xây lên như thế nào sao? Vẫn biết “chó cứ sủa và ngựa cứ đi”, nhưng tôi sẽ còn sủa để canh giữ vườn trẻ. Tôi quyết không làm chó cho ai, nhưng sẵn sàng tự nguyện làm con chó yêu trẻ, coi trẻ em là chủ nhân của mình. Chúc ông và đồng sự, cả quý ngài giáo sư tiến sỹ trong các hội đồng thẩm định, mã đáo thành công!
Chu Mộng Long
#giáodụcvn #pháttriểnnănglực
Leave a Comment