Truyền thông trong nước thời gian qua ồn ào về đề án thành lập “thành phố Thủ Đức.” Trên cơ sở sáp nhập 3 quận (Thủ Đức, quận 2 và quận 9), thành phố Thủ Đức được giới chức CSVN kỳ vọng lớn lao “sẽ đóng vai trò là trung tâm thực hiện mô hình ứng dụng khoa học – kỹ thuật, hạ tầng, thương mại khép kín… với những lợi thế hiện có, đơn vị hành chính mới được kỳ vọng là hạt nhân thúc đẩy nền kinh tế thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố Thủ Đức dự kiến sẽ đóng góp 30% GRDP* cho TP.HCM và chiếm 7% GDP cả nước” như lời ông Chủ Tịch Nguyễn Thành Phong trả lời báo giới.
Có thể nói rằng đây là một trong những dự án lớn nhằm cụ thể hóa mục đích chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp của ban lãnh đạo thành Hồ kể từ khi ông Nguyễn Thiện Nhân về ngồi ghế bí thư. Năm 2018, chủ trương chuyển đổi một lượng lớn quĩ đất nông nghiệp đã được chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc và Bộ Chính Trị đảng CSVN chấp thuận. Giới chức CSVN hy vọng sẽ thu về 1.500.000 tỷ đồng trong bối cảnh “ngân sách như dòng sông đã cạn.”
Tại thời điểm chủ trương cho phép chuyển đổi một lượng lớn đất nông nghiệp sang đất đô thị và chuyên dụng được thông qua, đoàn doanh nghiệp của Hội Chính Hiệp Thượng Hải, Trung Quốc đã đặt vấn đề đầu tư nhiều tỷ USD vào bất động sản thành Hồ với đề nghị thời gian sở hữu nhà đất cho người Trung Quốc ở Việt Nam lên tới 99 năm. Không rõ, kết quả việc họp bàn giữa hai bên đã đi tới đâu? Nhiều khả năng vì lý do “nóng, lạnh” ở Biển Đông nên thông tin đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam trở nên rất kín tiếng. Tuy vậy, không có nghĩa những cái vòi bạch tuộc dừng lại.
Theo đó, các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân là những quận sẽ tập trung phát triển cao ốc và đô thị mới dọc theo các tuyến giao thông lớn, huyết mạch, tuyến metro… Việc “thành phố Thủ Đức” có trở thành như lời ông Nguyễn Thành Phong nói hay không thì …hậu xét. Nhưng trước mắt, những cơn sốt đất bùng nổ trong thời gian tới sẽ mang lại cho giới cầm quyền một khoản thu ngân sách không hề nhỏ. Trong bối cảnh thị trường bất động sản thành Hồ đã lao dốc thê thảm từ 2019 đến nay thì việc một đại dự án như “thành phố Thủ Đức” là hy vọng cứu cánh cho ngân sách đang vô cùng nguy ngập.
Thôi thì, “tương lai” luôn là cái bánh vẽ đẹp. Là một người dân Việt Nam, tôi cũng mong cái giấc mộng ấy nó biến thành sự thực mặc dù chẳng có một căn cứ khả tín nào. Đã có quá nhiều cái bánh vẽ to lớn được giới chức CS và những doanh nghiệp ma cô cho người dân ăn đến bôi thực. Không có điều gì đảm bảo liệu cái “thành phố Thủ Đức” ấy sẽ khác với khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc suốt hơn một thập kỷ qua vẫn còn là những khu đất trống mênh mông để chăn thả bò hay như “thành phố thông minh Bắc Hà Nội 4,2 tỷ USD” đã xin chuyển đổi sau lễ động thổ hoành tráng năm 2019?
Vô số những dự án to tát trên giấy đã được thành lập. Các “đặc khu kinh tế,” những đại đô thị, thành phố thông minh, khu công nghệ cao… được rất nhiều nghị quyết, định hướng phát triển của đảng nhắc đến như là những “chiến lược, đột phá” hàng đầu. Để rồi ngoài việc tạo ra những cơn sốt bất động sản điên rồ từ Bắc chí Nam, không có mấy giá trị thực sự cho sự phát triển xã hội hài hòa và bền vững.
Phát triển đô thị theo “tư duy m²,” “lấy lu chống lụt” của những “đỉnh cao trí tuệ” chẳng phải đã được minh chứng bằng vô số những thảm họa qui hoạch khắp mọi miền đất nước?
Thảo Điền, thành Hồ
Không có nơi đâu nghịch lý giữa chất lượng môi trường sống với số tiền khổng lồ phải bỏ ra lại phi lý như ở Thảo Điền, thành Hồ. Đây được coi là khu đô thị chỉ dành riêng cho đám “thượng lưu tôn quí” là các đại gia và quan chức cao cấp cộng sản mới có thể sở hữu những biệt thự, căn hộ nhiều triệu Mỹ Kim. Tuy vậy, đây lại là nơi ô nhiễm nhất, thường xuyên ngập lụt và kẹt xe kinh hoàng.
Được xây dựng trên một bể bùn nhão, ba mặt giáp sông, cao độ mặt bằng chỉ khoảng 1m so với mức nước biển, hai thập kỷ trước đây chỉ là vùng rừng ngập mặn và dừa nước mênh mông, giờ đây Thảo Điền được coi là khu sang chảnh, đắt đỏ nhất miền Nam Việt Nam.
Khi xây dựng khu đô thị này, tất cả các khuyến cáo khoa học về qui hoạch và đặc điểm địa hình, địa mạo đã bị bỏ qua. Quan tâm duy nhất của giới đầu tư và quan chức thành phố là vị trí sát trung tâm sẽ đảm bảo khả năng thương mại tốt nhất. Mỗi mét vuông ở Thảo Điền có giá khoảng 300 triệu đồng. “Tấc đất, tấc kim cương” mức độ bê tông hóa nghẹt thở, những cao ốc vẫn tiếp tục được xây dựng. Trong khi đó, khu vực này cứ mỗi năm lún khoảng 3cm và chắc sẽ không bao lâu sẽ trở thành một Venice. Chỉ khác có điều là những biệt thự hàng triệu USD sẽ được bao quanh bởi một biển nước đen ngòm, hôi thối, ngập tràn rác rưởi chứ không phải những dòng kênh xanh trong thơ mộng.
Nhưng chắc chắn, tất cả đám “thượng lưu tôn quí” ấy sẽ vẫn “ngạo nghễ” bơi trên những dòng kênh bẩn thỉu bằng những chiếc siêu xe hàng triệu USD và không một ai sẽ tính nhường ra một vài m² để làm cống thoát nước hay hồ điều hòa.
Thành phố mới Bình Dương
Thành phố mới Bình Dương cũng là một ví dụ điển hình cho những tham vọng duy ý chí xây dựng các “đại đô thị” của giới chức cầm quyền.
Thành phố này được khởi công rầm rộ cách đây tròn 10 năm với kỳ vọng to lớn sẽ là mô hình đô thị hiện đại kiểu mẫu với các trung tâm hành chính, công nghệ cao, tài chính- ngân hàng- chứng khoán, khách sạn, trung tâm thương mại …như một Singapore thu nhỏ. Chỉ riêng khu hành chính tập trung của thành phố này đã tiêu tốn hết 1.400 tỷ đồng, 7 khu chức năng trung tâm đã được đầu tư 150.000 tỷ đồng theo như kế hoạch tới hết năm 2020.
10 tỷ USD đã được các nhà đầu tư đổ vào thành phố này. Tuy vậy, sau 10 năm, thành phố mới Bình Dương đã trở thành một thành phố ma hoang vắng, không có người ở. Những con phố dài san sát, những căn nhà có giá hàng chục tỷ đồng bỏ không. Đây có thể nói là một biểu tượng cho sự lãng phí, méo mó của nền kinh tế ảo, dựa vào đầu cơ, bất chấp các qui luật cung cầu, vị trí địa lý, công năng thực dụng của một đô thị…
Thành phố mới Bình Dương chỉ là một trong hàng ngàn những dự án bất động sản, các khu đô thị từ Bắc vào Nam được qui hoạch vô tội vạ, ồ ạt xây dựng, đầu cơ và …bỏ hoang trong hai thập niên vừa qua. Sự lãng phí của thành phố Bình Dương có lẽ cũng chưa là gì nếu so sánh với thành phố Hà Nội.
Hà Nội mở rộng
Năm 2008, với “quyết tâm chính trị” to lớn, nhà cầm quyền CSVN đã quyết định mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội. Theo đó, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được sáp nhập về Hà Nội.
Từ diện tích gần 1.000 km² và dân số khoảng 3,4 triệu người, Hà Nội mở rộng diện tích tới 3.324,94 km², gấp 2 lần diện tích thành Hồ, có dân số khoảng hơn 6 triệu người (chưa kể một số lượng tương đương là dân nhập cư ngoại tỉnh), trở thành một trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới.
Bị ám ảnh bởi những con số thống kê to lớn và mong muốn xây dựng những megacity hiện đại như Seoul, Jakarta. Những dự án bất động sản bùng nổ khăp mọi nơi ở những vùng mở rộng của thành phố Hà Nội trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2018.
Người dân quay cuồng với những cơn sốt đất, các dự án. Trên cùng một mảnh đất vườn của người nông dân ngoại thành Hà Nội, sau hơn 10 năm đã tăng giá hàng chục lần. Người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn năm xưa, giờ đây đi xe hơi, mặc hàng hiệu và nói chuyện bất động sản triệu USD, “chém gió thành bão” ở quán café, quán karaoke… hoặc đi thuyết trình bán hàng đa cấp. Ai cũng thấy mình “giàu có” hơn. Các báo cáo kinh tế chính trị của thành phố Hà Nội lúc nào cũng sáng ngời những con số tăng trưởng vượt bậc.
Thế nhưng, sau khi cơn sốt đất qua đi, những núi nợ ở khối ngân hàng tăng không ngừng. Đất đai đã bán hết, tiền đã tiêu hết, xe cũng cầm cắm cho các cuộc ăn chơi, đỏ đen, người nông dân giờ không phương tiện sống, không còn ruộng đất và cũng từ chối những công việc nặng nhọc. Tệ nạn xã hội nhức nhối khắp mọi vùng quê Việt Nam.
Những dự án bất động sản thu hồi hàng trăm ngàn hecta bờ xôi ruộng mật để phân lô, xây nhà. Hàng ngàn căn nhà trị giá nhiều tỷ đồng xây lên để bán qua bán lại, hoặc dở dang để hoang hàng chục năm. Chỉ riêng một huyện Mê Linh đã có 47 dự án bất động sản chiếm hữu 2.000 ha trong tình trạng xây dựng dở dang, hoang hóa.
Tình trạng những đô thị ma ở Hà Nội và khối nợ ngân hàng tăng cao khiến cho chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần hối thúc rà soát, kiểm tra và có biện pháp… Nhưng làm sao có có thuốc trị ung thư khi các tế bào ác tính đã di căn? Khi nền kinh tế kiệt quệ, suy giảm bởi dịch bệnh, cùng lúc với quả bóng bất động sản nổ tung, đó là thảm họa kép mà không sao có thể hóa giải.
Trong khi đó, giới chức CSVN một lần nữa lại bơm lên một quả bóng khác mang tên “thành phố Thủ Đức” với hy vọng khôi phục lại thị trường bất động sản ở thành Hồ. Xem ra, thời điểm tính toán cho “vụ áp phe cuối cùng” của đảng Cộng Sản Việt Nam ở thời điểm này có vẻ không phù hợp. Và như vậy, những Megacity, thành phố thông minh, thành phố 4.0 sẽ mãi chỉ là “giấc mơ ban trưa” mà thôi./.
*GRDP: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh/thành phố (Gross Regional Domestic Product).
Leave a Comment