Fact (thực tế đã diễn ra)
Tối 23 tháng Chín, Tiến sĩ – Võ sư Phạm Đình Quý, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng đang đi ăn cùng vợ thì bị công an bắt giữ. Hai vợ chồng võ sư Quý được đưa đến Phòng cảnh sát QLHC về TTXH [Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội] (459 Trần Hưng Đạo, Q.1, Tp.HCM) làm việc trong đêm.
Đến khoảng 4h sáng ngày 24 tháng Chín, vợ thầy Quý đã được thả cho về, sau khi đã buộc phải ký cam kết không được tiết lộ về cuộc bắt giữ. Còn thầy Quý thì bị đưa về Công an Đắk Lắk. Đến Sáng 28 tháng Chín, khi làm việc với ông Phạm Đình Phú, anh trai ông Quý đến để hỏi tin tức về em trai, Cán bộ công an Đắk Lắk xác nhận rằng ông Phạm Đình Quý đang bị tạm giữ tại Đắk Lắk, giấy báo tin báo cho gia đình gửi qua đường bưu điện nên khả năng đến chậm.
Trước đó, ngày 21 tháng Chín, Công an Đắk Lắk cũng đã bắt Võ sư – Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn (sinh năm 1980), là học trò TS Quý khi người này đang trên đường từ nơi cư trú ở huyện Cư Kuin di chuyển xuống Khánh Hòa.
Hai ngày sau, 23 tháng Chín, Công an Đắk Lắk đã khởi tố vụ án “Vu khống, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự; gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” và tiến hành bắt giữ ông Quý tại TP.HCM vài giờ sau đó.
Hai Tiến sĩ Quý và Tuấn được cho là đã viết đơn tố cáo ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk đạo văn khi làm luận án tiến sĩ, đề tài “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt – bánh lái đến hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng,” bảo vệ tại Trường Đại học Hàng Hải vào năm 2017.
Về nội dung này, ngày 24 tháng Mười Một, 2017, ban quản lý phần mềm chống sao chép và hỗ trợ đào tạo TURNITIN, Trường ĐH Hàng Hải đã có kiểm tra, kết luận luận văn của ông Cường có tỷ lệ sao chép 12%, trong đó sao chép từ nguồn internet 6% và từ nguồn luận văn, đề tài là 9%.
Truth (sự thật được công nhận)
Chúng tôi cho rằng sẽ có 4 tình huống được xem như sự thật.
Tình huống 1:
Vụ việc sẽ được giải thích rằng TS – Võ Sư Phạm Đình Quý không BỊ bắt, chỉ ĐƯỢC Công an Đắk Lắk MỜI để làm việc. Dĩ nhiên, nếu tình huống này diễn ra, TS Quý sẽ được thả ngay khi, hoặc trước khi “sự thật” được công bố. Đây chính là điều đã được tung ra trên dư luận mạng xã hội trong vài ngày qua. Thực tế, sự thật này không tồn tại. TS Quý vẫn chưa được thả sau 6 ngày bị tạm giữ, nghĩa là đến sáng 29 tháng Chín sẽ cần có gia hạn lần thứ 2, theo quy định. Nội dung trả lời của cán bộ Công an Đắk Lắk khi làm việc với anh trai ông Quý cũng đã khẳng định là ông Quý đang bị tạm giữ.
Tình huống 2:
Việc tạm giữ hai ông Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn sẽ được giải thích bằng một lý do khác, đi kèm với việc điều tra một tội danh khác, không phải tội “Vu khống, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự; gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” như đã ghi trong vụ án được khởi tố. Trường hợp này, nếu có sẽ giúp “giải độc” dư luận về việc ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, bằng quyền hạn của mình đã chỉ đạo công an tỉnh bắt người tố cáo mình nhằm trả đũa, đồng thời để chấm dứt việc bị tố cáo, gây bất lợi cho việc thăng tiến của ông. Đồn đoán trên mạng xã hội cho rằng, ông Cường đang là ứng cử viên cho chức vụ bộ trưởng Bộ TT&TT [Thông Tin và Truyền Thông] hoặc vị trí Trưởng ban Dân vận TW nhiệm kỳ tới.
Tình huống này, dù dư luận đang đề cập nhiều, cũng không có khả năng xảy ra. Bởi lẽ, cho đến hiện tại thì chưa hề có bất kỳ thông tin nào về việc các đương sự Quý và Tuấn có liên quan đến bất kỳ một tội danh nào khác. Nó không giải thích thỏa đáng việc tại sao Công an Đắk Lắk phải xuống tận TP.HCM bắt người, di lý, tạm giữ, không thông báo và giải thích cho gia đình như luật quy định. Và, nếu đây là tình huống xảy ra, nó là tình huống sai. Vì thế, chúng tôi không xem xét, cũng không có ý kiến thêm.
Tình huống 3:
Việc bắt giữ ông Quý và ông Tuấn được thực hiện theo đúng nội dung vụ án đã khởi tố vào ngày 23 tháng Chín. Trong trường hợp này, có nhiều điểm không thỏa đáng và có dấu hiệu trái luật hình sự, vi phạm luật tố tụng hình sự.
a) Các ông Quý và Tuấn gửi đơn tố cáo chính danh, công khai, có nơi nhận cụ thể tất nhiên họ sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung đã tố cáo. Trong trường hợp nội dung tố cáo là sai, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến người bị tố cáo là ông Bùi Văn Cường, ông Cường sẽ có quyền khởi kiện dân sự đối với hai ông Quý và Tuấn đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần. Cụ thể, trong trường hợp này, ông Cường không hề thiệt hại gì về vật chất (không bị tước bằng tiến sĩ, không bị đuổi việc hay đình chỉ công tác dẫn đến mất thu nhập…) cho nên mức có thể đòi bồi thường là zero, vì không chứng minh được thiệt hại thực tế. Về thiệt hại tinh thần, mức bồi thường tối đa là 11 tháng lương cơ bản của ông Cường, nếu có cũng chỉ được thực hiện bởi phán quyết của Chủ tọa phiên tòa dân sự. Tôi không tin là ông Cường cần khoản bồi thường này. Và thực tế, vụ kiện dân sự đã không xảy ra. Tại sao, tôi không biết. Chỉ có ông Cường biết.
b) Luật không cho phép hình sự hóa quan hệ dân sự. Vụ việc tố cáo đạo văn, đúng hay sai cũng chỉ có thể phân xử bằng phiên tòa dân sự, với các khả năng như đã phân tích ở phần a). Vậy, việc khởi tố vụ án hình sự “Vu khống, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự; gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác,” bắt giam (hay tạm giữ điều tra) hai ông Quý và Tuấn là có dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự. Trong trường hợp đó, điều này sẽ phải bị xem xét xử lý hình sự.
c) Ông Hoàng Minh Tuấn bị bắt 2 ngày trước khi có lệnh khởi tố vụ án. Cả hai ông Tuấn và Quý đều bị bắt trong trường hợp chặn bắt khẩn cấp khi đang di chuyển trên đường trong khi đương sự không nằm trong trường hợp – tình huống có thể gây nguy hiểm cho xã hội là có dấu hiệu sai luật. Các đương sự bị bắt khi không có lệnh bắt và khởi tố bị can, không thông báo cho gia đình, không có đại diện chính quyền nơi người bị bắt cư trú, không có người làm chứng… là các dấu hiệu sai luật khác. Thực tế là cho đến chiều ngày 28 tháng Chín, các đương sự đều đã ở trong trại tạm giam, song gia đình, thân nhân vẫn hoàn toàn chưa được trả lời rõ ràng bằng văn bản là họ bị bắt tạm giam hay đang bị tạm giữ. Nếu là tạm giữ, hết thời hạn 3 ngày sẽ phải có gia hạn lần 1, hết 6 ngày phải gia hạn lần 2 và không quá 3 lần gia hạn. Những yêu cầu bắt buộc này đã không được thực hiện.
Tình huống 4:
Như phân tích ở tình huống 3, việc bắt giữ hai TS – Võ Sư Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn đã bộc lộ một loạt các dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự. Điều này, nếu luật pháp được tôn trọng, nó phải được xem xét. Trong trường hợp đó, hai vị tiến sĩ – võ sư dù nhanh chóng được thả hay vẫn tiếp tục chuyển từ chế độ tạm giữ sang chế độ tạm giam 4 tháng để điều tra, diễn tiến tiếp theo theo vẫn sẽ có thể là một lệnh khởi tố điều tra vụ án để xem xét có hay không dấu hiệu tội “bắt người trái pháp luật.” Dĩ nhiên tên hai vị tiến sĩ võ sư sẽ vẫn được đề cập trong vụ mới, song sẽ với tư cách là nạn nhân. Họ sẽ phải được bồi thường và xin lỗi, hoặc họ sẽ giữ quyền kiện ra tòa hành chính.
Nhận định
Điều gì cũng có thể xảy ra. Cho dù cuối cùng sự thật sẽ diễn ra như thế nào, tên tuổi của ông Bùi Văn Cường cũng sẽ không thể đứng ngoài vụ việc. Mọi việc dù diễn ra như thế nào, thực tế cũng đã là một scandal không hay ho gì. Nó xuất phát từ những toan tính của người trong cuộc trên vị trí quyền lực và đang chạy đua quyền lực. Nhưng chính nó sẽ hủy hoại tham vọng của người gây ra. Nó chứng tỏ người trong cuộc không hề khôn ngoan hay có trình độ, bản lĩnh tương xứng với vị trí đang nhắm tới.
Một người nhắm tới vị trí nắm Bộ Thông tin Truyền thông thì không nên gây scandal khiến dư luận báo chí lẫn mạng xã hội phải lên đồng. Còn nếu định giữ trọng trách ngành Dân vận thì chắc chắn khiến lòng dân phẫn nộ chỉ đáng gọi là dại dột. Thật ra, tôi định dùng từ khác nhưng không nỡ. Tuy nhiên, cuộc đua với cá nhân ông Bùi Văn Cường dường như đã thành vô ích. Đường công danh, tự ông đã viết cho mình một “hàm số bị chặn trên.”
Nhìn chung, vụ việc mang quá nhiều yếu tố xem thường, đạp lên luật pháp. Nó khiến dư luận phẫn nộ, hoang mang, niềm tin vào luật pháp và cơ quan thi hành luật lung lay nghiêm trọng. Nếu đây là chủ trương, nó vi hiến. Do đó, dư luận cần và chờ đợi sự lên tiếng từ lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Quốc hội và chính phủ.
Tuy nhiên, đáng lo là sau một tuần ồn ào, hoang mang, những tiếng nói mà xã hội và nhân dân cần nghe vẫn chưa lên tiếng. Sự im lặng đáng sợ, nhường chỗ cho câu hỏi cũng đầy lo sợ: Đất nước này còn luật pháp nữa hay không?
PS: Tôi không trích kèm các điều luật cụ thể có liên quan trong bài viết. Bạn đọc muốn tìm hiểu, mời tra Google hoặc tham vấn các luật sư.
Nguyễn Hồng Lam
#PhạmĐìnhQuý #BùiVănCường
Leave a Comment