Danh bất chính tắc ngôn bất thuận. Ngôn bất thuận tắc sự bất thành. “Danh chính ngôn thuận” là thành ngữ đúc kết một lý luận kinh điển của người phương Đông khi bàn về việc trị nước.
Trong tác phẩm Luận Ngữ của Khổng Tử có viết: “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành, sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng, lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng, hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thố thủ túc”… ý nói là, danh không chính tắc thì ngôn không thuận, ngôn không thuận thì sự sẽ không thành, sự không thành thì lễ nhạc không hưng thịnh, lễ nhạc mà không hưng thịnh thì hình phạt sẽ không thỏa đáng, hình phạt không thỏa đáng thì dân sẽ bối rối, không biết phải làm gì mới phải.
Tôi muốn nhắc đến chuyện danh chính ngôn thuận ở đây bởi mấy hôm vừa rồi dân người ta kêu chuyện ông Chu Ngọc Anh “được bầu” lên làm chủ tịch thành phố Hà Nội lắm. Ai cũng thắc mắc, bầu có một người thì sao gọi được là bầu? 10 triệu dân Hà Nội có ai là người được bỏ phiếu? Hội đồng nhân dân, cơ quan vừa bầu ông Ngọc Anh có thực sự là tổ chức đại diện cho ý chí nguyện vọng của người dân thủ đô? Nói xa hơn, tất cả những ông chủ tịch của Hà Nội trước kia có mấy ai xứng danh, xứng tầm để ngồi ở cái ghế đô trưởng đầy quyền lực nắm vận mệnh của thủ đô? Phải chăng ông Ngọc Anh hay những ông chủ tịch khác chỉ là người của những phe phái nào đó trong đảng? Khi một phe nào mạnh thì người phe đó được cất nhắc. Đến lúc phe đó suy thì bị diệt bỏ đi?
Tạm bỏ qua những đồn đoán đấy, giờ người ta đang lo lắng về những thách thức hiện hữu mà ông tân chủ tịch Hà Nội sẽ phải đương đầu. Nào thì việc quản lý đô thị, việc xử lý rác thải, việc đường sắt trên cao, việc ô nhiễm khói bụi… cho đến việc xử lý các di sản từ thời ông Nguyễn Đức Chung và các ông khác để lại. Nhưng theo tôi tất cả chuyện đó là do một nguyên nhân mà về lâu dài ông Ngọc Anh phải xử lý được. Đó là việc thu phục được lòng người. Lòng người ở đây chưa bàn rộng đến lòng dân mà hãy xem xét ngay trong cơ cấu chính quyền thủ đô hiện tại. Trước kia khi ông Chung mới lên nắm quyền, tôi có nghe nói ông ấy mời anh em trong uỷ ban đi ăn một bữa cháo lòng. Ý ông Chung chắc là muốn đồng lòng đồng sức để gánh vác những việc của thủ đô. Giờ ông Ngọc Anh lên sẽ mời cháo gì cho văn võ bá quan?
Mới đây bà tân thị trưởng Tokyo phải vượt qua 21 đối thủ khác để giành ghế quyền lực đó. Ông Ngọc Anh đã vượt qua bao nhiêu đối thủ, những đối thủ đó là ai, ai là trọng tài đánh giá ông xứng đáng ngồi vào cái ghế nóng nhất thủ đô?
Khổng Tử dạy: “Bậc quân tử hoà hợp tất cả mà không cấu kết. Kẻ tiểu nhân cấu kết mà không hoà hợp tất cả”. Thủ đoạn để cấu kết thì dễ, chứ hoà hợp lòng người mới là việc khó vô cùng. Chỉ kẻ chính nhân quân tử, chính danh ngôn thuận, nói được làm được… mới thu phục lòng người được thôi.
Kẻ tiểu nhân thực ra vẫn có thể trở thành người quân tử. Ấy là khi số phận đặt ra những thách thức, kẻ nào biết thức thời lắng nghe thiên hạ, biết tu nhân tích đức, biết sửa mình thuận theo qui luật của trời đất… kẻ đó sẽ rũ bỏ được phận tiểu nhân mà thành bậc chính nhân quân tử. Áo mão địa vị cao sang, quần thần đông đảo đi ăn cháo lòng như ông Chung mà còn sa vào chốn lao lý, ông Ngọc Anh nên lấy đó làm gương tày liếp mà tự sửa mình còn kịp tránh hậu hoạ sau này.
Có mấy việc mà tân thị trưởng có thể làm ngay để tạm yên lòng người trước mắt. Một là, mở rộng dân chủ, lắng nghe và đối thoại với công dân. Hai là, bỏ việc huy động hệ thống chính quyền đi canh gác và ngăn chặn sự đi lại của những người phản biện xã hội đang sống ở thủ đô. Ba là đấu tranh với trung ương để giành quyền tự quyết trong các vấn đề an sinh xã hội của thủ đô. Bốn là xử lý nhanh những tồn đọng mà cơ cấu hành chính cũ để lại. Năm là, đề ra kế hoạch hành động để thủ đô thoát khỏi những bế tắc bao năm qua.
Thu phục lòng người là ở việc đấy. Thoát phận bất chính là ở chỗ đấy. Chả cần mời ai ăn bát cháo lòng nào đâu ông. Ông mà làm được vậy, dân thủ đô như tôi còn sẵn sàng mời ông đi ăn cháo lòng mỗi sáng, để ông có thêm sức giúp dân được sống an hoà và phát triển nơi kinh kỳ này.
Yêu thương tất cả
#chungocanh
Leave a Comment