Tôi thú nhận từng cùng hội cùng thuyền với các giáo sư tiến sĩ trong một dự án chục triệu đô do nước ngoài cho vay. Dự án cách đây cũng đã mười mấy năm. Duy nhất một lần thôi và tôi phải thoát nhanh để giữ thiên lương của một nhà giáo. Ở trong cuộc, tôi mới thấy giới giáo sư tiến sĩ trên thiên đình kia xem lợi nhuận chia chác cao hơn chất lượng chuyên môn. Những gì mình làm ra bằng công sức trở thành món hàng cho họ kinh doanh với lợi nhuận mà Marx còn sống sẽ không biết phải đưa vào công thức nào cho đúng.
Tôi đồng ý với anh Hoàng Hải Vân, không cần phải đổ hết lỗi cho chế độ. Và cũng không cần lấy giáo dục thời ông Huyên, ông Bứu ra so sánh. Tôi ăn học từ chế độ này, may mắn là tôi học được thầy giỏi và có nhân cách. Hoàng Hải Vân không nói cụ thể là ai, chỉ trách Bộ chủ quản. Còn tôi thì cũng chẳng cần nói Bộ chủ quản, mà nói thẳng luôn, tư duy của kẻ hám lợi phải bắt đầu từ cái não của chính các giáo sư tiến sĩ tham gia cải cách giáo dục.
Anh so sánh với đinh tặc. Còn tôi nói thẳng, đinh tặc chỉ gây hoạ cho một ít người đi đường rủi ro. Còn giáo tặc thì gây hoạ cho hàng triệu trẻ em và nhiều thế hệ.
Các chiêu trò làm tiền trong giáo dục, tôi đã nói nhiều, không cần nói thêm. Chiêu của đinh tặc rải đinh là mánh vặt, còn chiêu của giáo sư tiến sĩ là cả một chiến lược làm ăn lớn, bất chấp hậu quả là trẻ em trở thành nạn nhân, mặc dù các chiến lược ấy đủ các nhân danh tốt đẹp. Trí thức cao hơn đinh tặc một cái đầu là ở chỗ đấy.
Bài này tôi nhấn vào sự đổ lỗi. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khỏi phải trách lỗi ngành giáo dục nữa, vì trước khi ông phát ngôn, các giáo sư tiến sĩ cải cách đã chạy tội bằng cách lo đổ lỗi trước rồi. Khi mới bắt đầu cải cách, các giáo sư tiến sĩ làm chương trình đã giả định rằng, nếu cải cách lần này thất bại, lỗi là do giáo viên. Nay ầm ĩ chuyện đa dạng hoá nhưng vẫn độc quyền buôn sách, họ đổ thẳng lỗi sang cho phụ huynh, rằng do phụ huynh thiếu hiểu biết, do không chịu bỏ nhiều tiền để con em mình hưởng giáo dục chất lượng cao.
Rõ ràng là đổ lỗi cũng có chiến lược. Vì sách giáo khoa chưa làm xong, họ đã dự trù một kế hoạch đào tạo lại giáo viên để đáp ứng sách giáo khoa mới. Các bạn không thể hình dung nổi một Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục của một trường đại học mà suốt gần 5 năm của một nhiệm kỳ không tổ chức nghiên cứu gì ngoài chạy đôn chạy đáo khắp các sở, phòng, trung tâm, kể cả các đơn vị ngoài hệ thống giáo dục, tức con phe, để chào hàng, mặc cả giá cả trong đào tạo giữ hạng, nâng hạng và bây giờ là chuyển nhanh sang phi vụ đào tạo lại.
Lẽ ra, nếu giáo viên ở phổ thông đang có vấn đề về nhận thức thì trách nhiệm của những nhà cải cách là tập huấn chuyên môn chứ không phải bịa ra đủ các chiêu trò thu tiền đào tạo đủ các loại chứng chỉ. Thậm chí, tôi từng nói thẳng trong một vài hội thảo, rằng, nếu giáo viên phổ thông không đáp ứng được yêu cầu thì đuổi thẳng cổ ra ngoài hệ thống, vì mỗi năm có hàng vạn sinh viên ra trường không có chỗ làm chứ đâu có thiếu người? Mà các loại chứng chỉ từ ngoại ngữ đến giữ hạng, nâng hạng và bây giờ là đào tạo lại đó ra sao? Chỉ là moi tiền giáo viên, còn chất lượng bằng không! Tôi, người trong cuộc, khẳng đinh điều đó và chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình.
Tôi dám chắc tệ nạn chạy chức chạy quyền, buôn danh buôn tước… đều từ giáo dục mà ra. Vì nếu không từ giáo dục với các loại bằng cấp, học hàm học vị thì trong hồ sơ có tiêu chuẩn gì để mà chạy mà buôn?
Ở bài trước tôi đã mỉa mai, liệu khi đổ lỗi cho phụ huynh ngu và nghèo, người ta sẽ làm gì để moi tiền từ phụ huynh? Có lẽ không phải đào tạo lại phụ huynh, vì người ta đã tận thu các loại phí, thu tiền sách giá cao, một số nơi thu luôn cả sổ liên lạc điện tử và đã âm mưu thu luôn cả tiền kinh doanh điện thoại di động khi có chủ trương cho phép học sinh dùng điện thoại làm phương tiện học tập.
Không trách chế độ mà trước tiên hãy trách cái não nửa đạo đức nửa con buôn của giáo sư tiến sĩ; nửa này nó nhân danh đủ thứ vì sự phát triển, tiến bộ, vì con em chúng ta, nửa kia tìm cách hết moi ngân sách đến moi tiền thầy cô giáo và moi đến đáy quần của phụ huynh nghèo. Một lần trao đổi với thành viên của dự án cải cách, tôi hỏi, vì sao chương trình vẫn quá tải về kiến thức, nhiều môn học gần như đều bị chính trị hoá đến thô bạo như vậy? Vị giáo sư tiến sĩ ấy đổ lỗi ngay cho bên tuyên giáo. Tôi bảo có chuyện đó à? Các anh có trình độ mà người ta bảo sao làm vậy thì khác gì nô tài? Anh ta mới dẫn chuyện lần cải cách sau đổi mới, chủ biên Nguyễn Đăng Mạnh lỡ bỏ Tuyên ngôn độc lập ra ngoài sách ngữ văn vì lý do đó là tác phẩm chính trị, hậu quả là bị tuyên giáo kết tội phản động. Tôi bật cười và nói thẳng, ông Mạnh bỏ Tuyên ngôn độc lập ra ngoài hệ thống văn chương là cực đoan và sai lè, vì văn chương có tính chính trị nhiều vô kể, như Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo… Nhưng tôi nhớ, bộ sách đó sử dụng nhiều năm mới bị phát hiện từ những người ngoài tuyên giáo chứ không phải ban tuyên giáo. Tôi hình dung, nhiều lắm thì ban tuyên giáo có chỉ đạo về tư tưởng chung chung, họ không thể và không đủ trình độ để thò vào từng trang sách giáo khoa. Khi tôi hỏi ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó Ban tuyên giáo trung ương, ổng thừa nhận điều tôi nói là đúng. Sự thô thiển về chính trị là do cái đầu ươn hèn và lưu manh, vụ lợi và cơ hội của nhóm các giáo sư tiến sĩ làm cải cách.
Một cách có hệ thống từ trên cao xuống dưới hàng thấp nhất là một trường mầm non hay tiểu học đều có tệ nạn làm tiền bằng mọi giá, từ mua bán sách giáo khoa đến sách dạy thêm học thêm, từ các đồ dùng học tập cho đến quần áo, giày dép có in logo trường, từ thu các loại phí bắt buộc cho đến các phí không bắt buộc như xây dựng và bảo hiểm xã hội… Giáo dục đang nghĩ dân chúng là cái mỏ vô tận để đào mà không biết rằng, khi dân kiệt cùng thì giẻ rách cũng không có mà đào.
Giáo dục không làm cho dân giàu nước mạnh mà làm cho dân kiệt quệ, nước suy vi thì là nền giáo dục gì? Một ông Tổng chủ biên chương trình cải cách như ông Nguyễn Minh Thuyết mà dám hưởng ứng bà Nguyễn Hoàng Ánh khi bà này phát ngôn “phụ huynh là lực cản lớn nhất của giáo dục” thì rõ ràng ông đã sai từ gốc, lệch lạc cả tầm lẫn tâm. Ông khen bà “thẳng thắn và sâu sắc”, có lẽ vì ông thấy ở phát ngôn đó bộc lộ một tư cách làm tiền trắng trợn như con buôn không cần nhân danh đạo đức nữa?
Đạo lý tối thiểu của giáo dục là cải thiện đời sống dân nghèo, nâng cao dân trí. Giáo dục mà làm ngược một cách vô đạo thì sao có thể giáo dục con em thành người?
Chu Mộng Long
———–
Tham khảo bài của nhà báo Hoàng Hải Vân:
#giáodục
Leave a Comment