Tác giả: Anh Hoàng
Năm nay là năm thứ 20 của Đường lên đỉnh Olympia – một chương trình game show kiến thức dành cho học sinh trung học phổ thông. Quán quân của cuộc thi năm nay là Nguyễn Thị Thu Hằng – nữ sinh đến từ trường THPT Kim Sơn A, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Số tiền thưởng dành cho Quán quân năm nay là 40.000 USD (khoảng 927 triệu đồng) cùng suất học bổng tại trường Đại học Kỹ thuật Swinburne (Úc).
Đây là một tin mừng vì Việt Nam lại có thêm một nhân tài được phát hiện và đào tạo bài bản trong tương lai. Tuy nhiên, nhà quán quân đã trở thành tâm điểm của sự chú ý, cùng hàng nghìn những lời chỉ trích bắt nguồn từ màn ăn mừng của cô khi giành chiến thắng.
Đầu tiên là việc Thu Hằng có những màn ăn mừng như chỉ tay lên trời, dang rộng 2 tay những lúc trả lời đúng – hành động được cho là lố và tự tin thái quá trong mắt nhiều người. Tiếp đến là việc nữ sinh này hớn hở ăn mừng ngay khi thí sinh Dũng Trí đang trong phần thi Về đích. Hành động này khiến Thu Hằng bị cộng đồng mạng gọi là “Quán quân vô duyên nhất lịch sử Đường lên đỉnh Olympia”.
Nhưng hãy phân tích và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Điều đầu tiên, đây là một cuộc thi đầy áp lực và khi bạn nắm trong tay phần thắng, bạn có quyền vui mừng thể hiện điều đó, ăn mừng không có nghĩa là không tôn trọng đối thủ. Có chăng, bạn đang thiếu đi một chút sự khiêm nhường và kiềm chế thường đến cùng với trải nghiệm sống – điều mà Hằng chưa có. Tất cả những chỉ trích, ném đá của hàng nghìn người trên mạng xã hội, phản ánh một điều những dư âm của Nho giáo với triết lý Tam cương – Ngũ thường, mọi thứ lễ nghi đều trở thành chuẩn mực và yêu cầu mọi người phải tuân theo còn rất lớn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chính hình thức giảng dạy giáo điều được chế độ Cộng Sản Việt Nam áp dụng đang khiến nhiều người phải giấu đi cảm xúc của chính mình.
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khoa học, chính hình thức giảng dạy lấy giáo viên làm chuẩn tại Việt Nam đang cướp đi của học sinh khả năng tư duy độc lập, nâng cao phát triển chỉ số Emotional Quotient (EQ) thể hiện trí tưởng tượng và sáng tạo của mỗi người. Đang ngày càng nhiều chương trình giáo dục tại các trường đại học Việt Nam đang phải mua các chương trình giảng dạy nước ngoài, trong đó bao gồm các môn học như study skills (kĩ năng học), critical thinking (tư duy phản biện) đòi hỏi các sinh viên phải tự đọc tài liệu, viết báo cáo, thuyết trình trước đám đông, phản biện và trả lời câu hỏi. Để làm tốt điều này, chúng cần được thể hiện được sự tin tin, thoải mái thể hiện cảm xúc, suy nghĩ và quan điểm của mình, và được chia sẻ, giãi bày.
Do đó để một xã hội phát triển đột phá, dám nghĩ, dám làm ở Việt Nam thì sự thay đổi hành vi, suy nghĩ, sống thực với cảm xúc thật của mình là hết sức quan trọng. Việt Nam đang cần nhiều người như Thu Hằng hơn nữa – sống thật với cảm xúc của mình.
Leave a Comment