Liệu đảng viên có được quyền bỏ lá phiếu để chọn người đứng đầu đảng?
Câu hỏi trên là ngớ ngẩn, vì lâu nay ngay cả vị trí người đứng đầu đảng ở cấp địa phương, đã buộc phải tuân thủ sự “phân công” của Bộ Chính trị.
Nói đâu cho xa, ở TP.HCM nơi nổi tiếng là con bò sữa ngân sách quốc gia, song cũng không hẳn lúc nào cũng thể hiện chuyện “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” được. Người ta từng chứng kiến tự dưng một ngày nọ, ông Tổng bí thư đảng đã ‘điều’ ông Đinh La Thăng vào làm Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Ông Đinh La Thăng có sinh hoạt tổ chức đảng nào tại TP.HCM đâu mà giờ tự nhiên được cái quyền chót vót quyền lực tại TP.HCM?. Người ta giải thích, đó là sự phân công của đảng, phải chấp hành, không có chuyện lá phiếu bầu chọn nào ở đây cả.
Mà đâu chỉ chuyện địa phương, ngay cả cấp cao nhất là Ban Bí thư, người ta cũng thấy rõ làm gì có lá phiếu công tâm. Việc công khai cơ cấu ghế quyền lực tân bí thư đảng nhiệm kỳ mới so kè giữa ông Trần Quốc Vượng – ông Nguyễn Xuân Phúc là điều dễ thấy nhất. Thậm chí mới đây lại có tin, rất có thể ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục sắm vai “soái ca” trên sân khấu chính trị, bất chấp lá phiếu trong nội bộ đảng có ra sao đi nữa.
Một diễn biến khác cũng tạo đồn đoán trong bối cảnh ở Việt Nam việc bầu chọn nhân sự của đảng là không hề từ lá phiếu dân chủ của đảng viên, mà chủ yếu là phe nhóm quyền lực muốn cắt cử người trong bộ máy đảng. Đó là sự tái xuất hiện trên diễn đàn truyền thông của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa bất ngờ xuất hiện trở lại trên truyền hình khi trả lời phỏng vấn VTV, trong đó ông ca ngợi sự đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương, mà ông nói là “cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng” đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Theo một số chuyên gia và nhà quan sát chính trị trong nước, sự xuất hiện của ông Dũng, từng là trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ban là “bình thường”, nhưng cũng có thể là “tín hiệu gì đó về thế cân bằng” quyền lực trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 13 sắp được tổ chức trong vài tháng tới.
Ông Dũng, người từng giữ chức thủ tướng Việt Nam từ năm 2006 đến 2016, sau khi “thất thế” tại Đại hội Đảng lần thứ 12. Tại kỳ Đại hội Đảng 12 năm 2016, ông Dũng đã “xin rút” để “về nghỉ chính sách”, sau khi có nhiều đồn đoán rằng ông sẽ chạy đua vào chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với ông Nguyễn Phú Trọng.
Cuối tháng 8 vừa qua, con trai của ông Dũng là Nguyễn Thanh Nghị – Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, cùng hàng chục cán bộ tỉnh này bị kỷ luật kiểm điểm rút kinh nghiệm do sai phạm đất đai giai đoạn 2011 – 2017. Theo nhận định của một số nhà quan sát chính trị, sự việc này là một động thái thanh trừng trong nội bộ Đảng trước khi Đại hội Đảng 13 diễn ra vào tháng 1/2021.
Lần cuối cùng ông Nguyễn Tấn Dũng phát biểu được truyền thông ghi nhận, là tại phiên họp cuối cùng trên cương vị thủ tướng Việt Nam hồi tháng 3/2016, trong đó ông đưa ra lời khuyên đối với các thành viên chính phủ về hưu, trong đó có bản thân ông, “ráng làm người tử tế, sống tử tế”.
Cho đến nay một điều ai cũng biết là ông Dũng, ông Trọng và phe này, phe kia đã có những vấn đề gay cấn trong quá khứ. Và trong bối cảnh như thế ông Dũng ít khi xuất hiện, và chỉ tham dự những buổi tang lễ, hay kỷ niệm sự kiện chính trị gì đấy nhưng người ta không thấy ông phát biểu. Nhưng lần này ông Nguyễn Tấn Dũng phát biểu, nên người ta ngờ rằng có thể đó là một tín hiệu gì đó về thế cân bằng của các nhóm quyền lực khác nhau trong Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong bối cảnh kể trên, cho thấy giả dụ có “phổ thông đầu phiếu” trong đảng viên đi chăng nữa, thì có lẽ cũng sẽ chịu sự chi phối trong đấu đá nhau ở các phe cánh. Tuy nhiên, nếu không mạnh dạn ‘thử’ chấp nhận quyền tự do bầu cử của đảng viên, thì mọi chuyện xem ra sẽ vẫn là chẳng có một que diêm nào được bật lên… để mà rút kinh nghiệm cả./.
#đảngcsvn #đạihội13
Leave a Comment