Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Ở Việt Nam khi nói đến các doanh nghiệp nhà nước, người ta liên tưởng tới ngay những đại công ty nắm giữ những ngành kinh doanh, sản xuất quan trọng nhất của nền kinh tế đất nước, bao trùm các lãnh vực công nghiệp, an ninh, quốc phòng. Nhưng đồng thời, doanh nghiệp nhà nước cũng đồng nghĩa với sự kinh doanh thua lỗ triền miên mà vẫn sống nhăn từ năm này qua năm khác.
Vấn đề này được một chuyên gia kinh tế trong nước, bà Phạm Chi Lan bình luận: “Doanh nghiệp nhà nước nhiều khi như mọi người vẫn gọi vui là ‘chết mà không chôn được’…” Đây là một câu nói thật ấn tượng, đã mô tả một cách chua chát hình ảnh chết dở sống dở của các doanh nghiệp nhà nước, tuy làm ăn thua lỗ nhưng vẫn được nhà nước duy trì, vì “quốc doanh là chủ đạo” để định hướng xã hội chủ nghĩa.
Điều này cho thấy tại sao nền kinh tế Việt Nam sau hơn 30 năm gọi là “Đổi Mới” nhưng vẫn ì ạch không ngóc đầu lên được, dù lãnh đạo đảng và nhà nước ra sức kêu gào hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Đó là vì cỗ máy kinh tế có những xác chết chưa chôn, đến nay chúng vẫn còn sổ hộ khẩu, còn được nhà nước rót tiền nuôi sống một cách hợp pháp. Đó cũng chính là nơi để cán bộ đảng viên bám vào mà moi tiền bỏ túi riêng. Nói cách khác, tức là đảng và cán bộ đang cố bám vào những cái xác chết đã rữa nát để mà sống, vì nếu đem chôn thì lấy gì để tiếp tục… ăn.
Được biết năm 1986, thời gian sửa soạn bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam có khoảng 14.000 doanh nghiệp quốc doanh. Năm 2000 sau những đợt sáp nhập, giải tư còn tồn tại 8.000 doanh nghiệp nhưng phần lớn kinh doanh không hiệu quả, lời giả lỗ thật.
Một trong những điển hình thất bại khi bung ra kinh doanh đa ngành là Tập đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Việt Nam (Vinashin), thành lập năm 2006 được đánh giá là “quả đấm thép” của nền kinh tế Việt Nam, có lúc tăng lên tới gần 250 đơn vị dưới quyền. Nhưng chỉ sau 4 năm kinh doanh, Vinashin sa lầy kéo theo sự thất thoát khổng lồ hơn 4 tỷ đô-la vào thời điểm 2014.
Theo sau Vinashin là Vinalines và một lô Vina khác, những công ty chuyên ném tiền qua cửa sổ, thành lập thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đến năm 2015 còn lại 1.800 doanh nghiệp quốc doanh sau khi đã cơ cấu lại để thành lập các tập đoàn và tổng công ty mới.
Năm 2018 sau khi ông Trọng dựng lên kế hoạch đốt lò và một lần nữa sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước thì số doanh nghiệp quốc doanh còn lại gần 800. Nhưng trong số này có hàng chục doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động vì nhiều lý do. Có doanh nghiệp báo lỗ liên tục trong thời gian đầu tiên đưa vào sản xuất, có doanh nghiệp đình trệ ngay trong thời gian thực hiện dự án xây dựng do sự chồng chéo của tổng thầu Trung Quốc.
Đến nay, Bộ Công Thương vẫn là cơ quan dẫn đầu với “12 đại dự án thua lỗ ngàn tỷ.” Theo báo Dân Trí trong nước, sau 4 năm loay hoay giải quyết, có 7 dự án vẫn thua lỗ hoặc giải quyết dở dang. Ngoài ra còn 5 dự án đang có tranh chấp với tổng thầu Trung Quốc chưa giải quyết được. Cả 12 dự án gây ra một số nợ khủng là gần 21.000 tỷ mà đa số không thể trả nợ đúng hạn; có công ty rao bán nhiều lần chẳng ai dám mua!
Tuy nhiên những công ty phần lớn đang nằm phơi mưa nắng này không thể nào khai tử để mang đi chôn. Nhà nước nêu ra nhiều lý do để biện minh chuyện chết mà không chôn được này, nhưng lý do quan trọng nhất vì lợi ích chằng chịt giữa các phe nhóm trong đảng và nhà nước còn dính vào quá nhiều.
Lý giải về “Đề án quản trị doanh nghiệp nhà nước” của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đưa ra lấy ý kiến chung quanh vấn đề phá sản doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Quang A, nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS) cho rằng “Có lẽ có nhiều lý do, một trong những lý do có lẽ do có sự trợ giúp của bộ máy nhà nước bằng nhiều cách… Một số doanh nghiệp nhà nước có thua lỗ nhưng khó phá sản vì họ kinh doanh những ngành nghề chủ lực.” Đây là những lý do rất chuyên môn nhưng nằm ngoài những lý do mờ ám bên trong cung cách làm ăn bòn rút ngân sách nhà nước của các nhà quản lý kinh doanh trong đảng.
Bởi lẽ các công ty có đắp chiếu thì tiền của ngân sách nhà nước mới được rót xuống đều đều để họ tiếp tục kinh doanh và tiếp tục… thua lỗ. Hiện tượng cha chung không ai khóc là hiện tượng phổ biến trong dân gian cũng như trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy bận tâm làm chi đến việc khai phá sản để rồi không có tiền vào túi. Và nếu đem chôn doanh nghiệp thua lỗ triền miên thì cán bộ biết làm gì để sống?
Đây là cái vòng luẩn quẩn của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà đảng rất “tự hào.” Chừng nào đảng CSVN còn trụ vào kinh điển Mác-Lênin và quan điểm “quốc doanh là chủ đạo” thì kinh tế Việt Nam còn hoang tàn vì có quá nhiều những xác chết không chôn được.
Phạm Nhật Bình
#doanhnghiệpnhànước
Leave a Comment