Giáo dục đạo đức là cần thiết, không chỉ trong nhà trường, các tổ chức đoàn thể mà còn ngay trong gia đình, dòng họ. Hiện nay xã hội chúng ta không phải không lưu tâm đến giáo dục đạo đức mà phải nói là nhồi nhét quá nhiều và vô tác dụng. Chỉ xoay quanh vấn đề đạo đức, nhưng ngoài tích hợp vào các môn học khác, người ta còn chia ra nhiều môn bắt trẻ em phải học: Đạo đức công dân, Đạo đức lãnh tụ… Kể cả các môn như Giáo dục giới tính, Phòng chống tham nhũng cũng là một loại đạo đức. Một cái đầu trẻ em phải chứa đủ các loại đạo đức như vậy thì đúng nghĩa nhồi sọ. Vô tác dụng vì lý do:
1) Đạo đức không phải là những chuẩn mực bất di bất dịch mà thay đổi hệ hình giá trị theo lịch sử và theo nhu cầu thực tiễn. Việt Nam chưa xác lập được hệ hình giá trị mới, giá trị của thời đại kinh tế thị trường, vai trò chủ thể của cá nhân, trong khi giáo dục đạo đức hiện nay thì toàn những giáo điều cổ hủ (giáo điều của Nho giáo, Phật giáo…), kể cả giáo điều khi tuyên truyền, áp dụng đạo đức, tư tưởng của các lãnh tụ cộng sản.
2) Người dạy đạo đức không gương mẫu, nói một đằng làm một nẻo thì không có chuẩn mực nào khả thi để người học thực hiện. Quan dạy dân học tập và làm theo đạo đức ông này bà kia, thầy giáo dạy học trò theo những chuẩn mực của thánh hiền, nhưng quan thì hư hỏng, tham nhũng, thầy thì tham lam hơn con buôn thì người học không có niềm tin nào để chuyển kiến thức đạo đức thành hành vi.
3) Đạo đức phải được kiểm tra/đánh giá bằng hành vi thực tiễn, nhưng hiện nay ở Việt Nam vẫn duy trì giáo dục đạo đức bằng học thuộc bài trả bài. Kết quả là tạo ra một thế hệ tiếp nối cha anh “nói một đằng làm một nẻo” hay đạo đức giả. Kết quả là người Việt sống bằng chiếc mặt nạ đạo đức dẫn đến không phân biệt được thật giả và loạn giá trị. Giáo dục đạo đức như vậy là bịp bợm.
Chu Mộng Long
#giáodụcđạođức
Leave a Comment