Thế giới càng văn minh thì những hình phạt man rợ cũng bị loại bỏ dần. Ngày xưa, để trừng phạt kẻ thù, các nhà nước phong kiến dùng hình phạt Tùng Xẻo (hay còn gọi là Lăng Trì), nghĩa là khi một tiếng “của chiếc trống vang lên thì đao phủ lóc một miếng thịt của nạn nhân, và cứ như vậy cho đến khi nạn nhân chỉ còn bộ xương. Hình phạt này có thể nói là tột cùng của sự man rợ. Hay hình phạt tứ mã phanh thây cũng thế, nó không khỏi làm cho người ta khiếp sợ. Nhưng cuối cùng thì chế độ bạo tàn nào rồi cũng sụp đổ.
Theo Tổ Chức Ân Xá cho biết, năm 2017 trên thế giới đã có 106 quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình, 7 quốc gia chỉ cho phép hình phạt tử hình đối với những tội phạm nghiêm trọng trong những trường hợp đặc biệt như tội phạm chiến tranh hoặc cướp biển, 29 quốc gia có hình phạt tử hình trong luật nhưng không thi hành trong 10 năm gần đây, và 56 quốc giữ lại hình phạt tử hình. Và theo nghiên cứu của Trường Luật Cornell thì năm 2019 trên thế giới chỉ còn 18 quốc gia thực hiện án tử hình, con số giảm đi rất nhiều so với Tổ Chức Ân Xá báo cáo trước đó 2 năm. Đây rõ ràng là xu hướng tất yếu của xã hội văn minh. Nơi nào áp dụng hình phạt tử hình mang tính phổ biến thì rõ ràng nơi đó chính quyền đang muốn duy trì một xu hướng man rợ cổ xưa của xã hội loài người.
Cũng con số từ trường luật Cornell đưa ra thì Tàu Cộng đang dẫn đầu với hơn 2000 người bị hành quyết năm 2019, tiếp theo là Iran với trên 507 người bị hành quyết năm 2017 (con số này của tổ chức Ân Xá đưa ra), Ả rập Saudi 184 người năm 2019, Iraq trên 100 người năm 2019. Còn Việt Nam thì sao? Việt Nam bị trường Cornell liệt vào loại “thường thực hiện các vụ hành quyết bí mật không được báo cáo trên các phương tiện truyền thông hoặc các nguồn sẵn có khác”, tuy chính quyền CS Việt Nam có thông báo năm 2018 có hành quyết 85 người nhưng con số thực thì rất nhiều. Là anh em CS với Việt Nam, Bắc Hàn cũng hành quyết rất nhiều nhưng quốc gia này xem án tử là một bí mật quốc gia nên mọi đầu mối về các án tử ở nước này đều bị bịt kín gần như không thể xì ra bên ngoài. Thích giết người trong bí mật dấu hiệu một chính quyền sắt máu, rất man rợ.
Là người Việt Nam thì rõ ràng chúng ta cảm nhận điều mà trường Cornell đã nói rất rõ. Những bản án tử được tuyên công khai bởi tòa án thì chúng ta không nói làm gì, điều đáng nói là những vụ hành quyết trước khi ra tòa tuyên án và cả những vụ hành quyết ngay sau song sắt nhà tù khi mà nạn nhân đang thi hành bản án có thời hạn. Được biết ngày 19/03/2015 trong một cuộc họp, Ủy ban thường vụ Quốc Hội đã đưa ra con số là trong 3 năm có đến 226 người bị công an giết khi bị tạm giam, con số rất lớn. Đó là minh chứng cho nạn hành quyết nhân dân khi tòa chưa tuyên. Còn trường hợp tù nhân cho chết khi tù nhân đang thi hành án có thời hạn thì đó vẫn là một bí mật. Năm 2014, tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Trí bị trả về nhà trong người bị mang căn bệnh AIDS gây ra bởi trại giam CS, và anh ta đã qua đời không lâu sau đó. Đấy là trường hợp anh ra tù mới chết nên xã hội mới biết, còn vô số trường hợp bị giết trước khi ra tù thì không ai có thể liệt kê được vì nó là “bí mật quốc gia”.
Như vậy qua đây chúng ta thấy gì? Chính quyền CS Việt Nam rõ ràng là một chính quyền man rợ bậc nhất thế giới cùng với người anh em nó là Bắc Hàn và Tàu Cộng tạo nên những ác mộng cho người dân ở 3 dất nước CS này.
Quay lại nghiên cứu của trường Cornell thì từ năm 2008 đến năm 2018, nước Mỹ không có bất kỳ đợt hành quyết nào thế nhưng năm 2019 quốc gia này bất ngờ thực hiện đến 23 án tử hình. Và hiện nay án tử hình đang là đề tài tranh cãi gay gắt trong xã hội Mỹ. Theo Tổ chức Sáng kiến Công bằng và Bình đẳng EJI (Equal Justice Initiative), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Montgomery – Alabama – Mỹ thì hình phạt tử hình ở nước Mỹ là một chính sách sai lầm, nó tốn kém và nhắm vào những người dễ bị tổn thương. Họ đã khảo sát những sĩ quan cảnh sát và các gia đình của nạn nhân các vụ giết người thì hầu hết đều cho rằng, dù có án tử hình thì xã hội vẫn không an toàn hơn.
Nước Mỹ là một nước dân chủ nên việc bãi bỏ hay giữ lại bản án tử hình là cuộc đấu tranh chính trị giữa các đảng phái hoặc thậm chí giữa các nhóm người có ý kiến khác nhau trong đảng. Nước Mỹ là một nhà nước liên bang nên luật pháp mỗi bang mỗi khác, có bang thì phe muốn bãi bỏ án tử hình thắng, có bang thì phe muốn giữ án tử hình thắng. Hiện nay có 24 bang vẫn giữ án tử hình, 4 bang vẫn giữ án tử hình trong luật nhưng không thi hành, và 22 bang đã bãi bỏ hoàn toàn án tử hình, trong đó Colorado là bang thứ 22 đã thông qua luật bãi bỏ án tử ngày trong năm 2020 này. Tương lai thì một số bang như Arizona, Kentucky, Louisiana, Oklahoma, Virginia, Washington, Wyoming cũng có thể sẽ tiếp nối bang Colorado.
Lại nói về 4 bang có bản án tử hình trong luật nhưng không thi hành, tại sao vậy? Thực chất, 4 bang có luật mà không thi hành án tử hình là bởi thống đốc bang đó đã ký ân xá cho án tử để thiết lập các án lệ và từ đó tuy luật cho tử hình nhưng căn cứ án lệ, các án tử đấy được chuyển thành án chung thân không được ân xá. Như vậy qua đây chúng ta thấy rằng, ở 24 bang chưa bãi bỏ được án tử hình thì thống đốc bang hoàn toàn có thể lập nên án lệ để treo việc thi hành án tử hình vô thời hạn. Đó là xu thế tất yếu của thế giới văn minh.
Án chung thân không ân xá chính nó đã loại kẻ gây tội ác ra khỏi xã hội rồi không cần dùng đến án tử hình làm gì cả, vì nói cho cùng tử hình cũng loại người ta ra khỏi xã hội mà thôi. Nhưng án chung thân không ân xá nó lại có 2 cái lợi mà án tử không có: Thứ nhất, nó không tước đoạt mạng sống người ta, nghĩa là nó mang tính nhân đạo; Thứ nhì nó tạo cơ hội sửa sai nếu chẳng may tòa kết án oan. Chính vì vậy nó được chọn để thay thế án tử hình là hay nhất, phù hợp với xã hội văn minh.
Nước Mỹ rất đặc biệt, là một nước đông dân, thành phần chủng tộc phức tạp, và và có số người nhập cư rất lớn, ngoài ra quốc gia này còn cho phép công dân sở hữu súng. Vậy nên, việc bãi bỏ án tử hình là một việc vô cùng khó khăn chứ không phải đơn giản. Thế nhưng đất nước này vẫn dần tiến tới bỏ hoàn toàn án tử trên 50 bang thì quả là đáng khâm phục. Dân chủ là vậy, đã là văn minh thì tất họ phải theo tới cùng vì đó là ý của dân, cũng giống như trước đây hơn 150 năm vậy, việc dứt bỏ chế độ nô lệ là khó nhưng nước Mỹ vẫn làm được vì đó là xu hướng của một xã hội văn minh. Chính vì vậy mà Việt Nam cần phải có dân chủ mới văn minh là vậy./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://eji.org/issues/death-penalty/
https://www.bbc.com/news/world-45835584
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/07/140707_huynhanhtri_funeral
https://www.americanbar.org/groups/committees/death_penalty_representation/project_press/2020/spring/state-repeal-efforts-2020/
#ántửhình
Leave a Comment