Quảng Cáo

Đạo đức Hồ Chí Minh: Từ Cát Hanh Long tới Lê Đình Kình

Quảng Cáo

Rất nhiều người cứ âm thầm tự hỏi “Đạo đức Hồ Chí Minh” là gì mà hệ thống tuyên truyển của Đảng nói không mỏi mệt về nó. Từ thời ông Hồ về nước cho tới khi mất đi, việc làm nào của ông được xem là đạo đức thì không thấy hệ thống Đảng lấy ra làm khuôn vàng thước ngọc cho dân, chì thấy nói một cách chung chung và không cần kèm theo chỉ dẫn hay chứng minh thì trách sao người dân lơ ngơ về hành vi đáng gọi là đạo đức của một lãnh tụ?

Cho tới khi vụ Đồng Tâm xảy ra thì nhiều người tự hỏi: Những người đi sau ông Hồ có thực sự đang theo đuổi cái “đạo đức” mà họ được bồi dưỡng trong những bài học chính trị hay không, đặc biệt là ông Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo toàn diện cả hai hệ thống Đảng và Nhà Nước.

Khi nói tới cái chết của ông Lê Đình Kình nhiều người liên tục nhắc tới những đóng góp mà ông Lê Đình Kình đã bỏ ra suốt cuộc đời, hay đúng hơn là 56 năm tuổi đảng. Cái chết của ông dễ làm người ta liên tưởng tới một cái chết khác cách đây gần 70 năm khi cuộc Cải cách ruộng đất bắt đầu thì bà Nguyễn Thị Năm, tức bà Cát Hanh Long là người đầu tiên bị đấu tố và tử hình.

Ông Kình và bà Năm giống nhau ở điểm: Ông Kình bỏ ra gần 60 năm phục vụ cho Đảng, tức bỏ công sức cả đời ra cho tổ chức mà ông theo đuổi. Bà Năm bỏ gần hết cơ nghiệp gia đình ra để ủng hộ Việt Minh, tiền thân của Đảng hiện nay. Với số vàng và tài sản đóng góp kể cả bao che cho những cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh…..bà Nguyễn Thị Năm được xem là có công với cách mạng nhưng cái công đó bị chính ông Hồ Chí Minh khước từ. Ông Kình cũng bị khước từ những đóng góp suốt đời để nhận hậu quả là cái chết giữa đêm khuya.

Ông Hồ Chí Minh được chính những kẻ viết sử của chế độ qua hồi ký, xác nhận đã khước từ trước cái chết của bà Cát Hanh Long, một trong những trang viết đáng tin cậy đó là của Hoàng Tùng (*), viết trong hồi ký “Những kỷ niệm về Bác Hồ” thì: “Thấy cố vấn Trung Quốc bảo phải xử tử Nguyễn Thị Năm, Hoàng Quốc Việt ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên ban lãnh đạo Cải cách Ruộng đất trung ương, phụ trách Cải cách ở Thái Nguyên đến báo cáo với Hồ Chí Minh ý kiến của cố vấn. Hồ Chí Minh hứa với Hoàng Quốc Việt sẽ nói với Trường Chinh, Trưởng ban chỉ đạo trong cải cách ruộng đất nhưng ông không làm. Hơn nữa, Hồ Chí Minh đã giữ im lặng vì sợ gây mâu thuẫn với cố vấn Trung Quốc.”

Ông Hồ Chí Minh của quá khứ và ông Nguyễn Phú Trọng của hiện tại có khác gì nhau? Bởi một điều chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng phải được báo cáo xin chỉ thị trước khi hành quân hạ sát ông Kình, Thế nhưng không có văn bản nào có chữ ký của ông Trọng giống như ông Hồ Chí Minh không bao giờ ký vào bản án bà Nguyễn Thị Năm. Hai cái chết đều không có chữ ký của cấp cao nhất nước nói lên sự phủi tay trước trách nhiệm cần có, vậy thì có đạo đức không?

Vụ án Đồng Tâm cũng không khác vụ đấu tố bà Cát Hanh Long là mấy. Ngày trước, Trong bài viết “Địa chủ ác ghê” của C.B. trên báo Nhân dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 kể tội bà là “Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người… Giết chết 14 nông dân, Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân…Nguyễn Thị Năm đã thú nhận thật cả những tội ác”. Thực tế nhiều nhà văn nhà báo phát hiện thì C.B là một trong những bút danh của Hồ Chí Minh trên báo Nhân dân từ năm 1951 đến 1957.

Trước khi vụ án Đồng Tâm được chính thức xét xử, Thiếu tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên của Bộ Công An khẳng định “Lê Đình Kình là một loại cường hào địa chủ mới”. Giống như C.B viết về bà Nguyễn Thị Năm: toàn bộ các con cháu cụ Lê Đình Kình cũng như 29 người bị khởi tố đều thú nhận tội ác là đã giết 3 công an trong đêm cụ Kình bị giết.

Sau cuộc cải cách ruộng đất ông Hồ Chí Minh được báo chí “viết lại” là rất bức xúc trước cái chết của bà Năm. Những “tay tổ” như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh, Lê Văn Lương đều tiếc thương và khẳng định bà Năm bị giết là sai lầm.

Vài năm nữa (nếu Cộng sản tiếp tục cầm quyền) người dân sẽ thấy đồng loạt các loại tướng tá như Tô Lâm, Tô Ân Xô, Lương Tam Quang, Trần Quốc Vượng và nhất là Nguyễn Phú Trọng sẽ lên VTV lau nước mắt mà tiếc thương cho ông Lê Đình Kình và con cháu của ông đã bị giết lầm trong lúc mà “Xã hội chưa thống nhất niềm tin với đảng”.

Lịch sử luôn lập lại nhưng lần này có lẽ là lần sau cùng một chính quyền luôn luôn chiến thắng dân sẽ khó mà ăn ngon ngủ yên như gần 70 năm trước bởi giờ đây người dân đã kịp trang bị cho mình kiến thức thật sự từ mạng lưới toàn cầu, họ không còn dễ dàng cả tin vào những người đầy tớ mà chất phản phúc lúc nào cũng lộ ra trên những chiếc khăn tay chậm nước mắt sau khi giết chủ.

(*)https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Th%E1%BB%8B_N%C4%83m

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux