Một doanh nhân đi công tác ở nước ngoài, anh ta mua một đôi giày Nike rất thời trang và cũng rất chất lượng có giá 200 Euro tại Châu Âu, về nhà xem lại bên trong có ghi “made in Vietnam”. Nike là một công ty của Mỹ, nhưng không bao giờ Nike có dòng chữ “made in USA”, vì sao? Vì thực chất công sản xuất cần cơ bắp nhiều chất xám ít thì gần như không một công ty đa quốc gia nào đặt xưởng sản xuất tại những đất nước giàu có cả.
Thực ra để có được đôi Nike vừa chất lượng vừa thời trang thì không phải chỉ sản xuất là đủ mà nó có cả quá trình thai nghén lâu dài. Với một công ty đa quốc gia có doanh thu hàng năm lên đến 28 tỷ đô thì không thể có chuyện chỉ mua vật liệu về sản xuất như những anh thợ giày là xong, mà nó phải đi từng bước mà mỗi bước trong đó đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và chất xám đạt yêu cầu. Để đôi giày Nike đến được tay người tiêu dùng thì nó phải trải qua nhiều công đoạn gồm: 1. Nghiên cứu và Phát triển (R&D); 2. Thiết kế; 3. Mua sắm nguyên liệu; 4. Lắp ráp và sản xuất; 5. Vận chuyển; 6. Phân phối; 7. Marketing. Tất cả những công đoạn này kết nối lại, người ta gọi là chuỗi giá trị. Mà nếu những công đoạn này được thực hiện tại những quốc gia khác nhau thì người ta gọi nó là “chuỗi giá trị toàn cầu”.
Theo quan điểm của ông Stan Shih nhà đồng sáng lập kiêm chủ tịch danh dự hãng máy tính Acer thì mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng này làm ra giá trị gia tăng khác nhau. Bắt đầu là công đoạn Nghiên Cứu và Phát triển sanh lợi rất cao, sau đó những công đoạn tiếp theo sinh lợi ít dần, đến công đoạn lắp ráp và sản xuất là sinh lợi ít nhất. Rồi sau đó đến công đoạn vận chuyển sinh lợi nhiều hơn và cuối cùng là Marketing sinh lợi rất cao. Ông ta đưa ra một đồ thị hình vòng cung lõm có hình dáng như y hệt cái miệng của khuôn mặt cười nên người ta gọi nó là “Lý thuyết đường cong nụ cười” (smiling curve theory). Ở đáy của đường cong ấy chính là công đoạn “Lắp ráp và sản xuất”, công đoạn dùng nhiều cơ bắp, ít chất xám nên phần giá trị gia tăng nó làm ra cũng thấp nhất. Ở các công ty đa quốc gia, những nước tiến bộ sẽ đảm nhiệm khâu: Nghiên cứu và Phát triển, thiết kế, mua sắm nguyên liệu, vận chuyển, phân phối, và marketing. Còn công đoạn sản xuất và lắp ráp quẳng qua các nước nghèo.
Quay trở lại chuyện đôi giày Nike 200 EURO, thì Việt Nam chỉ kiếm được 2/200 EURO giá trị đôi giày mà thôi. Người ta ước tính rằng, công đoạn sản xuất và lắp ráp kiếm được chưa tơi 1% giá trị sản phẩm. Nó chính là đáy của chuỗi giá trị. Cho nên, một đất nước mà cứ mãi dậm chân tại chỗ công tác gia công lắp ráp thì chúng ta phải hiểu, đất nước đó không hề phát triển hơn so với mặt bằng chung của thế giới (chú ý là không phát triển so với mặt bằng chung thế giới chứ không phải là không phát triển hơn so với chính nó trước đó).
Nike là hãng giày thể thao của Mỹ, nhưng có một điều lạ là giày Nike chưa bao giờ được sản xuất tại Mỹ. Vào giữa thập niên 60, giày Nike được sản xuất ở Nhật, nhưng sau vài năm người Nhật không làm công đoạn sản xuất cho Nike nữa vì thế Nike chuyển sang Hàn Quốc và Đài Loan. Rồi cũng chỉ sau chưa tới một thập kỷ, vị thế này được chuyển sang cho Malaysia, rồi Thái Lan và Indonessia, và tiếp đó là dừng chân ở Việt Nam. Như vậy qua đây chúng ta thấy gì? Công đoạn thu được giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng cứ dịch chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác, điều này cho thấy những quốc gia này phát triển lên bậc cao hơn nên họ đã chối bỏ công đoạn gia công lắp ráp có giá trị gia tăng rẻ mạt. Còn Việt Nam thì đã gần 3 thập niên, chỉ dậm chân tại chỗ như vậy thì chúng ta nghĩ sao? Từ đó chúng ta thấy chính sách phát triển nguồn nhân lực của chính quyền CS có vấn đề.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, và qua nhiều thập kỷ rồi nhưng ngành công nghiệp này cũng chỉ dẫm chân tại chỗ ở khâu lắp ráp-khâu làm ra giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Và thê thảm đến mức, một số nhà máy lắp ráp của các thương hiệu lớn sau đó cũng chuyển sang nhập xe nguyên chiếc thay vì lắp ráp tại Việt Nam. Và mới đây, thì một số nhà máy bắt đầu lắp ráp trở lại. Nghĩa là nội chuyện đảm nhận khâu đơn giản nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam vẫn trầy trật lúc làm được lúc thì không thì điều đó đủ biết chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam như thế nào?!
Ngành công nghiệp phụ trợ rất quan trọng, nếu các doanh nghiệp trong nước xây dựng được thì chắc chắn, chính họ sẽ có cơ hội tham gia vào công đoạn Nghiên Cứu và Phát Triển, Thiết kế và mua sắm nguyên liệu để nâng cao chất lượng nền kinh tế đất nước. Thế nhưng bao năm nay, nhiều nhà sản xuất ô tô nước ngoài vẫn không nhận được những nhà cung cấp phụ kiện thuần Việt đạt tiêu chuẩn của họ. Để tình trạng này diễn ra thì rõ ràng, đó là lỗi của ĐCS chứ không ai khác.
Thu hút đầu tư nước ngoài vào là điều kiện cần nhưng chưa đủ, điều kiện đủ là Việt Nam có tận dụng nó để xây dựng nền công nghiệp phụ trợ nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và chuỗi giá trị toàn cầu và tiến dần đến nền kinh tế tri thức hay không? Đã nhiều thập niên sau cái gọi là “đổi mới” thì chúng ta thấy, điều kiện đủ là một thứ quá tầm với ĐCS Việt Nam./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://vnexpress.net/vi-sao-nganh-cong-nghiep-oto-viet-nam-that-bai-3819026.html
#chấtlượngcôngnghệvn
Leave a Comment