Luật sư Lê Văn Luân
Điểm mấu chốt trong việc phải thực nghiệm điều tra đối với việc đẩy xăng và gây cháy là làm sao một chiếc chậu chứa xăng đang cháy lại có thể dùng chân đẩy từ mái nhà này (Chức) qua mái nhà khác (Hợi) trên một cái thang?
Vì thế, tại phiên toà, khi đọc bản luận tội, kiểm sát viên đã thay đổi tình tiết này (được ghi trong bản Cáo trạng) bằng chiếc gậy chứ không còn là bằng chân nữa.
Mà chiếc chậu đỏ này, sau đó giám định, lại cho kết quả không có chất xăng bán dính vào. Và nó trở thành điểm mờ của vụ án. Trong khi, có hai cảnh sát cùng có mặt ở đó đã khai các cảnh sát nhảy qua hố bị trượt chân rơi xuống, mà hai cảnh sát đó không nhìn thấy được ai là người đổ xăng ở trên mái xuống, nếu có, vào lúc đó.
Chức khai chỉ lấy nắp can, đổ xăng từ can ra nắp rồi hắt xuống hố, vậy với 3-4 nắp can xăng dung tích 20 lít (chỉ còn 4-6 lít) thì chỉ gây bỏng chứ không thể gây than hoá hầu hết thân thể các cảnh sát như vậy.
Hơn thế, cần thực nghiệm xem rằng cần bao nhiêu xăng và trong môi trường, không gian (kín và hẹp) như vụ án để có thể sinh ra đủ nhiệt lượng làm than hoá toàn thân và sự cháy có thể duy trì bao lâu.
Kết luận giám định cũng kết luận nguyên nhân khác gây chết là do ngạt khí CO/CO2. Do vậy, càng cần phải xác định lại và cho chính xác nguyên nhân chết của các cảnh sát.
Khi tôi đọc hồ sơ, các quả lựu đạn được liệt kê chỉ có 10, nhưng khi tổng hợp lại qua toàn bộ các lời khai cho đến thời điểm trước khi đột kích vào phòng ông Kình, thì đã đủ số lựu đạn được thống kê trong Cáo Trạng.
Và ông Hiểu đã khai ông cũng bị bắn và ông Kình không cầm bất cứ quả lựu đạn nào mà là cầm một cái đinh cá, trong khi ông bị gãy chân chưa đi lại bình thường được, nên càng không thể hai tay hai vật khác nhau. Và theo ghi nhận về vết bắn thì là bắn từ trước ra sau chứ không phải từ sau ra trước (ông Hiểu cũng khai rõ sự chứng kiến như vậy).
Tất cả những tình tiết đó tạo nên, một định đoán rất đơn giản – ông Kình là người cuối cùng bị tấn công (bắn với 2 phát đạn chí mạng ở cự ly rất gần), rõ ràng, phù hợp với lời khai của những người trong vụ án đó, rằng, họ có mặt ở đó để bảo vệ ông Kình khỏi bị bắt cóc hoặc bị tấn công.
Chính các điểm nút này, cộng với việc các dữ liệu điện tử đã bị cắt ghép, chỉnh sửa (vi phạm nghiêm trọng việc thu thập và bảo quản vật chứng) và các lời khai tố cáo rằng bị đánh đập khi lấy cung trong trại tạm giam, tôi đề nghị phải khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp để điều tra, từ đó ngăn chặn những hành động nguy hiểm cho xã hội trong các hoạt động tư pháp.
Một số các luật sư khác đề nghị phải khởi tố vụ án có tính chất giết người vượt quá việc thực thi công vụ để điều tra (đối với ông Kình), nếu công vụ là hợp pháp và đúng đắn, nhưng trước hết cần làm rõ tính chất và phạm vi của công vụ.
Trước khi diễn ra phiên xử sơ thẩm, tôi đề nghị phải triệu tập: điều tra viên (đối chất với các bị cáo tại phiên toà về vấn đề lấy lời khai và bức cung nếu có), đại diện Bộ Quốc phòng (Quân chủng Phòng không không quân và Tập doàn Viettel), đại diện công an Hà Nội, các giám định pháp y… nhưng những người này không có mặt (và không biết có triệu tập không?), mà nếu có mặt (đại diện Công an Hà Nội) lại bị tách khỏi mọi hoạt động xét xử tại phiên toà.
Và chính những căn cứ và cơ sở đó, tôi đề nghị phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để điều tra lại từ đầu, cùng việc khởi tố một số vụ án độc lập khác như đã nêu, để làm sáng tỏ toàn bộ sự thật của vụ án.
Vì vụ án này, có tới 2 bị cáo bị đề nghị mức án tử hình, trong khi đó, ít nhất ông Lê Đình Công không có liên hệ nào tới bối cảnh (riêng biệt) của sự việc tại giếng trời vào rạng sáng 9/1/2020, nên cần chuyển sang một tội danh khác chứ không phải là tội “Giết người”.
Các bị cáo nói lời sau cùng, có những lời cầu xin Đảng, Nhà nước khoan hồng và nương nhẹ, nó cho thấy, ngay tại phiên toà, nơi mà sẽ chỉ có luật pháp, sự thật và công lý được tôn trọng, nó vẫn hiển hiện rõ nét cái bóng quyền lực chi phối bao trùm của Đảng.
Trong khi đó, con người, chỉ công bằng trước luật pháp, và chỉ luật pháp mà thôi.
#ĐồngTâm
Leave a Comment