Quảng Cáo

Hai mươi năm tranh đấu: vài điều chia sẻ

Quảng Cáo

Ngày 02/9 vừa qua đã là ngày kỷ niệm 20 năm tôi viết đơn xin lập đảng Tự do – Dân chủ, cũng là ngày đánh dấu 20 năm đấu tranh liên tục của tôi. Ngày 29/8, trong một chương trình bình luận hàng tuần, luật sư Nguyễn Văn Đài và tôi có cùng trò chuyện về quá trình 20 năm đã qua. Câu chuyện xoay quanh quá trình hình thành lý tưởng, cách tiếp cận và chiến lược đấu tranh, những được mất, kỷ niệm trong 20 năm… xin được trình bày vắn tắt đôi điều ở đây.

Quá trình hình thành lý tưởng của tôi trước hết xuất phát từ quê hương nơi tôi sinh ra và lớn lên, một miền quê có truyền thống hiếu học và khoa bảng, làng Hành Thiện thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những câu chuyện kể của cha mẹ về những việc làm, sự kiện động trời của chế độ cộng sản. Vắn tắt lại, đó là những câu chuyện về sự dối trá và tàn ác của những người đại diện cho Việt Minh, cho chế độ. Vì vậy, khi trưởng thành, tôi hầu như không có niềm tin gì đối với hệ thống cầm quyền, với các quan chức và cán bộ. Càng trải nghiệm tôi càng thấy sự may mắn về nhận thức này được hình thành từ nhỏ.

Quê hương tôi không chỉ có truyền thống hiếu học và khoa bảng mà còn có truyền thống cách mạng. Đầu thế kỷ XX, khi mà các nhà trí thức, sỹ phu đi tìm con đường cứu nước, lành Hành Thiện đã có hai người chọn con đường cộng sản, đó là ông Nguyễn Thế Rục và ông Đặng Xuân Khu (tức là ông Trường Chinh). Ông Nguyễn Thế Rục, theo người làng kể lại, chính là người đã học đại học Phương Đông và dìu dắt ông Trường Chinh tham gia cách mạng. Cụ Nguyễn Thế Truyền trong nhóm Ngũ Long ở Pháp cùng với các cụ Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh…  cũng là người làng tôi. Có nhiều người làng tôi thời đó không chọn con đường cộng sản, đó là bác sỹ Đặng Vũ Lạc, người có nhà thương tư nhân (bệnh viện) đầu tiên ở Hà Nội. Ông đã tham gia Quốc Dân Đảng và là nhân vật số hai, chỉ sau đảng trưởng Trương Tử Anh. Ngoài ra, còn có khoảng 20 người tham gia phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, đó là một con số không hề nhỏ. Truyền thống cách mạng của làng Hành Thiện cũng phần nào hun đúc cho tôi hình thành lý tưởng của mình.

Tôi đã có thời gian tìm hiểu và chuẩn bị khá lâu trước khi thực hiện việc viết đơn xin thành lập đảng. Việc tham gia vào phong trào dân chủ bằng sự kiện gửi đơn xin lập đảng là chủ ý của tôi, theo cách thức tạo thế chính trị. Một động thái, việc làm đòi hỏi sự can đảm và chấp nhận hậu quả để tự giới thiệu mình trước khi đến với phong trào dân chủ. Nhiều người chưa hiểu có hỏi tại sao tôi lại làm đơn xin lập đảng một mình, biết không cho lập đảng thì làm đơn làm gì?… tôi cũng đã phải giải thích khá vất vả. Mỗi người có cách tiếp cận đấu tranh khác nhau và tôi chọn cách của mình. Khi đã hình thành lý tưởng, tức là có niềm tin vào một vấn đề nào đó, cụ thể ở đây là niềm tin vào sự sụp đổ, thay đổi của chế độ cộng sản chuyển sang một chế độ dân chủ chắc chắn sẽ xảy ra, chắc chắn sẽ thành hiện thực, cá nhân tôi đã quyết tâm đi theo con đường đóng góp công sức vào sự chuyển đổi đó. Tôi hạnh phúc vì đã hình thành và theo đuổi lý tưởng của mình.

Trong quá trình tham gia đấu tranh, tôi đã lựa chọn chiến lược xây dựng tổ chức để tập hợp lực lượng đấu tranh, ngõ hầu đạt được sức ép để nhà cầm quyền nhượng bộ. Hình mẫu của tôi đó là Công Đoàn Đoàn Kết của Ba Lan trước đây. Việc tạo ra một tổ chức công khai trong lòng chế độ cộng sản, đối với cá nhân tôi, đó chính là giải pháp thay đổi chế độ cộng sản. Tôi xin được giải thích như sau.

Trước hết, tại sao một tổ chức công khai trong lòng chế độ cộng sản lại là giải pháp thay đổi chế độ? Tức là chúng ta giả định có một tổ chức công khai rồi và giải thích tại sao nó lại có thể làm thay đổi được chế độ. Một tổ chức công khai (có trụ sở, có ban lãnh đạo, có thành viên, nhân viên…) khi đã tồn tại, đứng được đồng nghĩa với việc đã có sự công nhận của nhà cầm quyền, hay nhà cầm quyền đã buộc phải chấp nhận sự tồn tại của tổ chức công khai đó. Khi đã bị buộc phải chấp nhận sự tồn tại của tổ chức công khai, nhà cầm quyền sẽ không xóa sổ được tổ chức, và các thành viên cũng sẽ không bị đàn áp khốc liệt như khi chưa có tổ chức công khai. Sự đàn áp, khủng bố các thành viên, những người tham gia đấu tranh trong tổ chức công khai giảm bớt (mười phần còn hai, ba phần) sẽ là nguồn động viên rất lớn đối với nhiều người có cảm tình, những người ủng hộ người đấu tranh tham gia vào tổ chức công khai đó. Nếu chưa có tổ chức công khai, họ sợ bị đàn áp, khủng bố rất khủng khiếp của chế độ. Nhưng khi sự đàn áp, khủng bố giảm bớt đi, họ sẽ tham gia. Số người tham gia sẽ ngày càng tăng, và sẽ đột biến theo cấp số nhân. Từ 5-10 người, chúng ta sẽ có 100 đến 200, và dần dần con số sẽ lên tới cả triệu người. Khi đó lượng sẽ biến thành chất, một số lượng vài ba, dăm bảy triệu người sẽ trở thành lực lượng đối lập không thể không nhượng bộ. Đây cũng chính là lý do nhà cầm quyền đã dùng mọi nguồn lực, mọi lực lượng, mọi biện pháp và thủ đoạn để ngăn không cho bất cứ một tổ chức (đúng nghĩa) nào xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam.

Vậy làm thế nào để có thể tạo ra, xây dựng được một tổ chức công khai trong lòng chế độ cộng sản? Lô gíc thông thường cho chúng ta biết, một tổ chức công khai là một cái chết từ từ đối với chế độ. Như vậy, cần phải tìm, cần phải có một cái chết tức thời, nhanh hơn cái chết từ từ để buộc nhà cầm quyền phải lựa chọn, phải chấp nhận. Cái gì sẽ là cái chết tức thời đối với nhà cầm quyền???  Tôi đã suy nghĩ và tìm ra, đó là các nguồn viện trợ nước ngoài tại Việt Nam từ các định chế tài chính và từ các quốc gia dân chủ. Nguồn viện trợ cũng gắn liền với việc giao thương chính là cơ hội để phong trào dân chủ tận dụng tạo ra một tổ chức công khai trong lòng chế độ cộng sản. Cá nhân tôi ngay sau khi ra khỏi nhà tù (tháng 6/2007) đã có dự án về việc lập Hội những người bảo vệ các nguồn viện trợ nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời có Bản kiến nghị gửi các chính phủ dân chủ và các định chế tài chính quốc tế. Khi đó, Việt Nam mới vào WTO, các nguồn viện trợ cực lớn và cực kỳ ưu đãi đang tràn ngập nền kinh tế. Đây là toàn bộ logic của vấn đề. Để vận động và thực hiện thành công dự án đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ phong trào dân chủ và đấu tranh cực kỳ cam go, quyết liệt mới có hi vọng đạt được mục tiêu tạo ra một tổ chức công khai theo nghĩa nói trên. Đó là một cơ hội lớn để thay đổi chế độ. Tiếc thay, sự ủng hộ đã không đủ và dự án của tôi đã không thể thực hiện được. Tôi đã tìm cách vận động thêm mấy năm, và sau đó từ bỏ việc này.

Sự không thành công của dự án chiến lược nói trên, đã dẫn tôi tới một kết luận. Sự thay đổi chế độ cộng sản ở Việt Nam là quá trình tự thay đổi hoặc tự sụp đổ. Phong trào dân chủ không có khả năng để tạo ra sức ép buộc nhà cầm quyền phải nhượng bộ, mà chỉ có tác động thúc đẩy quá trình tự thay đổi hoặc tự sụp đổ của chế độ. Mặc dù rất buồn với kết luận này nhưng tôi đã buộc phải chấp nhận và công nhận. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi hết lạc quan về sự thay đổi chế độ trong tương lai gần. Cơ chế và sự vận động của các chế độ cộng sản tuân theo quy luật về một cấu trúc tự hủy diệt.

Nói về sự được mất trong hành trình 20 năm qua, tôi không quan tâm lắm tới những mất mát. Khi xác định dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ cũng là xác định những rủi ro, thiệt thòi và mất mát trong suốt hành trình đó. Tôi chỉ quan tâm tới việc bản thân tôi đã có một lý tưởng để theo đuổi, và trong tư tưởng luôn có sự thoải mái về tinh thần, được nói những gì mình nghĩ, làm những gì mình cho là đúng./.

Hà Nội, ngày 09/9/2020

N.V.B

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux