Trong khuôn khổ phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Đồng Tâm, hôm 10/9, các luật sư bào chữa đề nghị Viện Kiểm sát công bố một bản kế hoạch được cho là thuộc diện “tối mật” của Công an Hà Nội liên quan đến cuộc đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm 9/1.
Luật sư Hà Huy Sơn và một đồng nghiệp của ông thuộc nhóm các luật sư bào chữa nói với VOA rằng bản kế hoạch được cho là có tên “Kế hoạch 419A” có thể làm rõ về tính hợp pháp và mục đích của việc chính quyền điều lực lượng công an đến thôn Hoành.
Theo các luật sư bào chữa, nếu bản kế hoạch được bạch hóa, các bên liên quan và công chúng sẽ thấy rõ việc chính quyền điều lực lượng công an đi vào thôn Hoành có phải là công vụ hay không; nếu có, phạm vi công vụ là gì, và liệu có bao gồm việc cho phép tiến hành các biện pháp có thể dẫn đến chết người hay không.
Khi làm rõ về những điều nêu trên cũng sẽ làm sáng tỏ là những bị cáo có chống người thi hành công vụ hay không, một trong số các luật sư bào chữa nói với VOA.
Luật sư bào chữa này, không muốn nêu tên, cho VOA biết nhóm các luật sư bào chữa biết về bản kế hoạch 419A khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, cụ thể là qua “hai câu” trong bút lục ghi lời khai của các nhân viên công an. “Cái này là sơ hở của họ”, vị luật sư nói với VOA.
Như VOA đã đưa tin, lực lượng công an gồm hàng nghìn người đột kích vào thôn Hoành sau nửa đêm về sáng hôm 9/1 với lý do “bảo đảm an ninh, trật tự” cho công trình thi công tường rào sân bay Miếu Môn, nơi có tranh chấp đất đai giữa chính quyền với người dân.
Vụ đột kích dẫn đến hậu quả là ông Lê Đình Kình, được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân, bị bắn chết; phía công an có 3 người thiệt mạng.
Nhà chức trách cáo buộc người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, có chủ tâm “tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng công an”.
Trong khi đó, những người dân bị bắt và trở thành bị cáo tại phiên toà nói họ chỉ “bảo vệ đất đai” và “phòng vệ” trong tình huống chính bản thân và người nhà gặp nguy hiểm khi xảy ra vụ đột kích.
Ông Lê Văn Hòa, cũng là luật sư bào chữa, đưa biên bản phiên tòa lên trang Facebook cá nhân vào chiều tối 10/9, trong đó cho hay luật sư Nguyễn Hồng Bách, người đại diện cho các bị hại, tức 3 viên công an đã thiệt mạng, khẳng định tại tòa rằng 3 viên công an đó đã “thực thi nhiệm vụ theo kế hoạch” và “kế hoạch 419A là kế hoạch tối mật”.
Luật sư Bách thuộc bên bị hại viện dẫn việc bảo vệ “bí mật nhà nước” để tuyên bố ông không đồng tình với đề nghị của phía luật sư bào chữa rằng cần phải công bố bản kế hoạch.
Kiểm sát viên Lại Việt Đông, một đại diện của Viện Kiểm sát Hà Nội, nói rằng về tính công vụ của những lực lượng tham gia nhiệm vụ đi vào Đồng Tâm, quan điểm luật sư Bách là “hoàn toàn đúng” nên ông Đông “không bình luận nhiều”, theo biên bản do luật sư bào chữa Lê Văn Hòa công bố.
Tuy nhiên, đáp lại các lập luận của luật sư bên bị hại và Viện Kiểm sát, luật sư bào chữa Lê Văn Hòa đặt ra các câu hỏi: “Kế hoạch đi vào Đồng Tâm của Công an thành phố Hà Nội các vị đại diện Viện Kiểm sát đã biết hay chưa? Nếu là văn bản tuyệt mật thì cũng phải cung cấp cho Hội đồng Xét xử biết. Bản án do Hội đồng Xét xử tuyên ra nhân danh Nhà nước Việt Nam, lẽ nào văn bản này Nhà nước không được biết? Chắc hẳn, không kế hoạch nào cho phép tấn công và bắn chết người dân cả”, vẫn theo biên bản phiên tòa.
Cũng tranh luận về vấn đề này, luật sư bào chữa Đặng Đình Mạnh nói rằng ngay cả khi kế hoạch của công an Hà Nội là tài liệu mật, Hội đồng Xét xử cũng có quyền xem xét, đánh giá. Ông Mạnh nói thêm “Công vụ nếu không hợp pháp, các chiến sỹ hy sinh trong công vụ ấy thì Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm”.
Vị luật sư bào chữa, không muốn nêu danh tính, nói với VOA rằng việc công bố kế hoạch 419A là cần thiết để biết kế hoạch này đề cập thế nào đến việc tấn công hoặc sử dụng bạo lực ở thôn Hoành, từ đó so sánh, đánh giá xem có phải các chốt, các tổ công an có “làm quá, làm sai” quy trình hoặc nhiệm vụ khi tiến vào thôn Hoành hay không.
“Chúng tôi kiến nghị là Hội đồng Xét xử phải xem xét là có văn bản đó [kế hoạch 419A] hay không, nó như thế nào, có bị ai đó thực hiện sai hay không”, vị luật sư nói.
Tại phiên tòa, các luật sự bào chữa cũng đề nghị tiến hành thực nghiệm hiện trường để làm rõ 3 nhân viên công an tử vong trong hoàn cảnh nào.
Nhưng theo truyền thông nhà nước Việt Nam, trong đó có một bản tin của Tuổi Trẻ, đại diện Viện Kiểm sát nói rằng với biên bản khám nghiệm hiện trường, lời khai của các bị cáo và lời khai của nhiều công an tham gia cuộc đột kích, Viện Kiểm sát có quan điểm là “không cần thiết phải thực nghiệm hiện trường trong khi nguyên nhân đã rõ”.
Viện nhắc lại rằng những kết luận từ quá trình điều tra đều phù hợp với lời nhận tội của các bị cáo, bao gồm hai ông Lê Đình Chức và Lê Đình Công, là những người này đã dùng giáo tự chế để đâm và đổ xăng xuống hố thiêu chết 3 viên công an.
Vẫn theo tin của Tuổi Trẻ và các báo nhà nước khác, một số luật sư bào chữa đề nghị làm rõ nguyên nhân cái chết của ông Lê Đình Kình và vết thương trên người bị cáo Bùi Viết Hiểu. Các luật sư cũng đề nghị khởi tố vụ án giết người liên quan đến việc ông Kình bị công an bắn chết.
Đối đáp các quan điểm này, đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa cho rằng có đủ cơ sở xác định ông Kình “bị cơ quan chức năng nổ súng tiêu diệt do có hành vi chống đối quyết liệt”, Tuổi Trẻ tường thuật.
Viện Kiểm sát cho rằng “không cần thiết khởi tố vụ án giết người liên quan đến cái chết của ông Kình”.
Sau phiên tranh tụng hôm 10/9, hội đồng xét xử nghị án trong vài ngày và sẽ tuyên án vào 15h thứ Hai, ngày 14/9.
Nguồn: VOA
#ĐồngTâm
Leave a Comment