Nếu phiên xử sơ thẩm “vụ án Đồng Tâm” là bằng chứng sinh động về nhận thức, cách hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đối với nông dân thì Báo cáo Kiểm toán về việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ VN) mà Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố (1) là một bằng chứng khác cho thấy nhận thức, cách hành xử khác của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đối với công nhân cũng chẳng tử tế gì hơn…
***
KTNN cho biết, tuy nhiều nơi còn nợ “quỹ công đoàn” (giới chủ doanh nghiệp phải trích 2% quỹ lương, còn người lao động phải nộp 1% lương để cùng nuôi hệ thống công đoàn do Tổng LĐLĐ Việt Nam dẫn dắt) nhưng năm ngoái Tổng LĐLĐ VN vẫn thu được hơn… 20.000 tỉ đồng từ nhiều nguồn: Công quỹ, doanh nghiệp và người lao động phải đóng góp theo… qui định của pháp luật, hỗ trợ của xã hội, đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp do Tổng LĐLĐ VN lập ra.
KTNN phát giác, trong khi tỉ lệ trung bình giữa chi/ngân quỹ được phân bổ ở các tổ chức công đoàn cấp thấp, lên tới 99,1% thì tỉ lệ này ở những tổ chức công đoàn cấp trên rất nhỏ: Ví dụ LĐLĐ cấp tỉnh, thành phố hoặc ngành chỉ chi 45,4% tổng số ngân quỹ được phân bổ và tỉ lệ chi của Tổng LĐLĐ VN chỉ có 8,3%. Nói cách khác, hệ thống chuyên… bảo vệ quyền lợi, chăm sóc cho người lao động tại Việt Nam chỉ nuốt vào chứ không nhả ra, cho nên đến giờ, tổng số tiền mà Tổng LĐLĐ VN đã… tích lũy được lên tới gần… 29.000 tỉ đồng!
Một điểm đáng lưu ý khác, tuy Tổng LĐLD VN đề ra rất nhiều chương trình vận động xã hội hỗ trợ, chăm sóc công nhân nghèo nhưng vì thu xong vẫn không chi nên tỉ lệ thu từ các nguồn này ở Tổng LĐLĐ VN gấp 2,2 lần… tổng chi cho… cả năm! Năm ngoái, một trong những chương trình mà Tổng LĐLĐ VN vận động xã hội hỗ trợ, chăm sóc công nhân nghèo là “Tết sum vầy”. Dựa trên thông tin do Tổng LĐLĐ VN cung cấp, KTNN chỉ xác định được rằng “Tết sum vầy” thu được 11,3 tỉ và do không có… phiếu thu, không đủ chứng từ nên thiếu căn cứ để xác nhận tính chính xác và hợp pháp của khoản thu từ cuộc vận động này.
Cũng theo KTNN, do… dư giả vì hạn chế chi, nhiều cơ quan thuộc Tổng LĐLĐ VN đã đem nguồn tiền lẽ ra phải dùng vào việc chăm sóc, hỗ trợ người lao động để… mua cổ phần, góp vốn, cho vay và những hoạt động sử dụng tiền của bá tánh này đều… chưa rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt là do chưa quy định về thời hạn trả nợ, chưa đặt điều kiện ràng buộc về trách nhiệm trả nợ, cũng như không giám sát việc sử dụng vốn vay nên… khó có khả năng thu hồi vốn!
***
Khác với thiên hạ, tại Việt Nam, Tổng LĐLĐ VN là tổ chức duy nhất đại diện cho tất cả người lao động Việt Nam. Tổng LĐLĐ VN có lẽ cũng là tổ chức công đoàn… thuộc loại hiếm thấy trên thế giới: Đảm nhận luôn vai trò thuộc hạ của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam! Đó cũng là lý do tuy nhận tiền do người lao động đóng góp (1% lương) nhưng thử tìm xem có bao nhiêu người lao động tại Việt Nam tin rằng hệ thống này hoạt động vì các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của… họ?
Cho đến nay, thành tích lớn nhất mà Tổng LĐLĐ VN thường khoe một cách hồn nhiên, từ thập niên này (2) sang thập niên khác (3) là tại Việt Nam chỉ có “ngừng việc tập thể” để đòi quyền lợi, chưa có cuộc đình công nào đúng nghĩa (theo luật, chỉ có thể xem là đình công nếu được các tổ chức thuộc Tổng LĐLĐ VN lãnh đạo). Do vậy, đến nay, công nhân vẫn vừa đóng phí công đoàn nuôi Tổng LĐLĐ VN, vừa tự tổ chức các cuộc “ngừng việc tập thể” để tranh đấu cho quyền lợi của mình một cách… bất hợp pháp!
Có một điểm hết sức khôi hài là dù Tổng LĐLĐ VN kiên quyết đứng bên lề, không để hệ thống công đoàn do mình dẫn dắt, can dự vào việc đệ đạt yêu sách, tranh đấu cho quyền lợi của người lao động nhằm thực hiện chủ trương của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền là giữ gìn sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư nhưng ngay cả giới chủ doanh nghiệp cũng không ưa Tổng LĐLĐ Việt Nam vì ăn… dày quá!
Cuối năm 2015, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cho doanh giới bình chọn “Mười qui định tốt nhất và mười qui định tồi nhất”. Qui định buộc doanh giới phải góp 2% quỹ lương (2% tổng số tiền lương trả cho công nhân) để nuôi Tổng LĐLĐ VN trong Luật Công đoàn được chọn là một trong “mười qui định tồi nhất” và đó là lý do Tổng LĐLĐ VN phải vội vàng xin Bộ Chính trị, Ban Bí thư “chỉ đạo Đảng – Đoàn ở VCCI ngưng việc bình chọn đối với Luật Công đoàn 2012” (4).
Trong văn bản ấy, Tổng LĐLĐ VN lưu ý Bộ Chính trị, Ban Bí thư là trước nay, hệ thống nay tận tâm thực hiện và hoàn thành “các nhiệm vụ mà đảng và nhà nước giao”, cho nên đảng và nhà nước cần can thiệp để “uy tín” của Tổng LĐLĐ Việt Nam không bị vấy bẩn, cũng như để Tổng LĐLĐ VN tiếp tục nhận được khoản thu tương đương 2% quỹ lương mà doanh giới phải nộp. Có như vậy Tổng LĐLĐ Việt Nam mới đủ sức, tiếp tục dẫn dắt hệ thống công đoàn.
***
Khi kinh tế Việt Nam giống như một chiếc xe xuống dốc không… phanh, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam buộc phải bám vào CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu – Việt Nam) để “duy trì sự ổn định chính trị”. Tuy nhiên CPTPP và EVFTA không dễ… nhằn. Để bảo đảm văn minh và công bằng, những quốc gia tham dự vào các hiệp định thương mại tự do đa phương luôn đòi đối tác phải thực thi Tuyên bố ILO 1998.
Tuyên bố ILO 1998 có tám công ước được xem là căn bản: Công ước số 87 và 98 về Tự do hiệp hội và Thương lượng tập thể. Công ước 29 và 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức và Bắt buộc. Công ước số 100 và 111 về Xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và Nghề nghiệp. Công ước số 138 và 182 về Xóa bỏ lao động trẻ em. Tuyên bố ILO 1998 minh định quan niệm của thiên hạ: Văn minh là kiểm soát để nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do không thể gạt bỏ nhân vị, nhân phẩm ở bất kỳ đâu.
Mặt khác, thực hiện các giải pháp bảo vệ nhân vị, nhân phẩm thì tốn kém (nhà xưởng phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt nhằm ngăn ngừa ô nhiễm, nơi làm việc phải thoáng và đủ sáng, ngay cả nhà ăn, nhà vệ sinh cũng phải đúng tiêu chuẩn,…) nên không quốc gia nào tham dự những hiệp định thương mại tự do đa phương được miễn trừ vì có như vậy mới ngăn ngừa được tình trạng hạ giá thành bằng cưỡng bức lao động, tiết kiệm chi phí đầu tư vào nhà xưởng, ngăn ngừa – xử lý ô nhiễm… để cạnh tranh bất chính.
Thiên hạ tự nguyện chấp nhận những ràng buộc đó vì chúng vừa nhân đạo, vừa giúp duy trì sự công bằng, còn Việt Nam, tuy là thành viên của ILO nhưng Việt Nam không phê chuẩn những công ước xác lập và bảo vệ các quyền căn bản của người lao động, cho đến khi tình thế đẩy đảng đến chỗ phải dựa vào các hiệp định thương mại tự do… Trong quá trình tìm đủ mọi cách để trở thành thành viên của TPP (Hiệp định Đối tác thương mại Xuyên Thái Bình Dương), CPTPP và EVFTA, Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 công ước căn bàn của Tuyên bố ILO 1998, cho dù điều này chẳng khác gì xóa bỏ “thời vàng son” của Tổng LĐLĐ VN.
Tháng 11 năm 2018, khi các đại biểu của Quốc hội khóa 14 thảo luận về việc phê chuẩn CPTPP, ông Ngọ Duy Hiểu, Đại biểu Quốc hội kiêm Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, than rằng, phê chuẩn Công ước 98, chấp nhận sự xuất hiện của các công đoàn, hoạt động hoàn toàn độc lập với Tổng LĐLĐ VN là tạo ra “tiền lệ chưa từng có”. Ông Hiểu xem chuyện Tổng LĐLĐ VN phải cạnh tranh với các công đoàn độc lập, từ tập hợp thành viên đến chia sẻ nguồn lực về tài chính là… “thách thức lớn” và bất bình vì: Tổng LĐLĐ Việt Nam phải thực hiện chức năng của đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam còn các công đoàn độc lập chỉ bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích của người lao động (5)…
***
Tháng tới, các đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ góp ý cho Dự luật sửa Luật Công đoàn sau khi đã bỏ phiếu sửa Luật Lao động hồi năm ngoái – cho phép thành lập các công đoàn độc lập. Chuyện thu tiền của các doanh nghiệp và người lao động để nuôi Tổng LĐLĐ VN, cũng như chia khoản tiền khồng lồ này cho Tổng LĐLĐVN và các công đoàn độc lập như thế nào sẽ là những chủ đề rất nóng… Trong tương lai, sự xuất hiện của những công đoàn độc lập đầu tiên sẽ khiến những vấn đề liên quan đến hoạt động của các tổ chức đại diện cho người lao động tại Việt Nam càng nóng hơn cả về bản chất lẫn làm thế nào để bảo đảm thực chất.
Tuy nhiên bất kể thế nào thì số phận của Tổng LĐLĐ VN cũng giống như “chỉ mành treo chuông”. Sẽ có bao nhiêu người lao động chấp nhận tiếp tục đóng góp nuôi một hệ thống trên danh nghĩa là đại diện cho mình, bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của mình nhưng chỉ chăm chăm hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà đảng giao phó và lợi dụng nhiệm vụ chính trị đó mà vắt mồ hôi của người lao động, đổi rượu, đổi trà? Vì sao đảng CSVN – “đội tiên phong của giai cấp công nhân”, qua đó tự khoác thêm vai trò “đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam” lại tạo điều kiện cho hệ thống đại diện người lao động hành xử tàn tệ như vậy?
Chú thích
(1) https://baodautu.vn/kiem-toan-tai-chinh-cong-doan-tren-lenh-lang-duoi-kho-han-d129060.html
(2) https://tuoitre.vn/20-nam-qua-chua-co-cuoc-dinh-cong-nao-dung-luat-948135.htm
(4) https://vov.vn/tin-24h/dung-ngay-viec-binh-chon-tot-nhattoi-nhat-voi-luat-cong-doan-512054.vov
(5) https://plo.vn/thoi-su/them-to-chuc-canh-tranh-voi-cong-doan-tien-le-chua-tung-co-801221.html
#côngđoan
Leave a Comment