Ghi nhanh về sự kiện vụ xử Đồng Tâm
– Dư luận nói chung không tin vào những gì chính quyền công bố chính thức liên quan “hành vi phạm tội” của những nông dân đang buộc phải ra vành móng ngựa. Chứng cứ mà công an đưa ra, từ vụ nhóm “bạo loạn” mua lựu đạn, đến việc những bị cáo đổ xăng thiêu chết ba công an, đều bị nghi ngờ và thậm chí bị lật tẩy. Cho đến thời điểm này, bài điều tra công phu nhất và mang tính khoa học cao nhất là loạt bài của giáo sư toán Hoàng Xuân Phú.
– “Tương quan” truyền thông giữa báo chí nhà nước và thông tin trên mạng là rõ rệt: trong khi báo chí nhà nước chỉ lặp lại những gì công an cung cấp, truyền thông “lề dân” đề cập rất rộng và rất sâu các chi tiết vô lý trong hồ sơ kết luận lẫn những tình tiết nghịch lý cho thấy sự mờ nhạt của một nền công lý vốn dĩ đã méo mó bởi sự can thiệp quá sâu từ bàn tay thao túng và nhào nặn của bộ máy cai trị. Sự kiện Đồng Tâm đang đi vào lịch sử khi trở thành sự kiện tiêu biểu nhất đại diện cho những sai trái căn bản của chế độ, từ chính sách đền bù-giải tỏa, tình trạng tham nhũng đất đai, sự lạm quyền của bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương, sự bất mãn gay gắt của người dân, đến thậm chí sự mờ ám của đấu đá chính trị nội bộ…
– Kênh thông tin đang được chờ đón và quan tâm nhất là những “báo cáo” cập nhật của các luật sư tham gia bào chữa cho 29 bị cáo. Những gì được thuật từ tòa, cách tòa làm việc và phản ứng của một số bị cáo đã được kể lại với những chi tiết không bao giờ hiện diện trong các bài báo nhà nước. Tin tức từ 14 luật sư được mời (trong tổng cộng 30 luật sư gồm một số được chỉ định) được chờ đón nhiều hơn (khoảng) 850 cơ quan báo chí-truyền thông với hơn 19.000 người có thẻ nhà báo.
– Thất bại lớn nhất của chính quyền trong vụ này là gì? Chính quyền có thể “thắng”, dĩ nhiên họ “thắng” khi có thể kết tội và kết án rất nặng những bị cáo nhưng chính quyền đã thua, và thua rất đậm, trong việc “thuyết phục” dư luận tin rằng những nông dân chân đất là “kẻ ác”. Dân không tin như vậy. Mà là ngược lại.
– Ai sẽ “sống” lâu nhất? Một số bị cáo có thể bị tử hình nhưng họ sẽ được nhớ rất lâu trong khi những kẻ còn sống sẽ không sống bình yên, bởi điều mà họ đang gây ra trên ghế quan tòa. Với những công an và quân lính – những người cấp thấp trực tiếp dính vào vụ “thanh trừng” ông Lê Đình Kình – họ được gì sau “chiến công” này? Tấm huy chương hoặc tờ ban khen thành tích sẽ chỉ là những “vật chứng” có thể trở thành nỗi ám ảnh phần đời còn lại của họ. Như các quan tòa, những người này cũng sẽ “sống” rất lâu. Ngay thời điểm hiện tại, những người này, kể cả những kẻ đang nấp trong bóng tối ở “tầng” cao hơn, đã được “ghi tên”. Đời sau sẽ còn nhắc đến.
CẬP NHẬT:
VKSND Hà Nội đề nghị tòa tuyên tử hình Lê Đình Công và Lê Đình Chức. 27 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân. Lê Đình Doanh được đề nghị mức án chung thân. Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến mức án 16-18 năm tù. Nguyễn Văn Tuyển bị đề nghị 14-16 năm tù. 23 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 15 tháng tù treo đến 7 năm tù giam về tội Chống người thi hành công vụ. (Zing News)
#Đồngtâm
Leave a Comment