Quảng Cáo

Độc quyền nhà nước và chiếc bánh vẽ

Quảng Cáo

Đỗ Ngà|

Độc quyền nghĩa là trên thị trường chỉ có duy nhất một nhà sản xuất và bán ra một loại sản phẩm nào đấy, sản phẩm đó không có loại hàng hoá nào thay thế gần gũi. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng độc quyền:

Thứ nhất do hiện hiện tượng thâu tóm, sáp nhập hoặc đánh bại đối thủ;

Thứ nhì là do doanh nghiệp được sở hữu được một nguồn lực độc nhất vô nhị mà không đối thủ nào có;

Thứ ba là được bảo kê bởi nhà nước.

Trong 3 loại độc quyền ấy, loại được bảo kê của quyền lực nhà nước là nguy hiểm nhất. Vì nó ỷ lại quyền lực nên đạo đức kinh doanh nó rất kém. Ra sản phẩm thì tồi nhưng nó lại ngang ngược áp giá cao và buộc khách hàng phải mua.

Độc quyền do thâu tóm, đánh bại và sáp nhập thì đó là kết quả của cơ chế thị trường. Vì xã hội phát triển tốt, các công ty có cơ hội phát huy nội lực. Trong một rừng doanh nghiệp ấy thì có một đối thủ vì cải tiến kỹ thuật hay có chiến lược kinh doanh tốt đã lớn mạnh và dần họ đánh bại các đối thủ khác trên thị trường bằng quy luật cạnh tranh tự do. Và sau đó trên thị trường còn lại vài đối thủ, và sau cùng kẻ mạnh nhất tiến hành mua lại và sáp nhập và từ đó họ trở thành nhà cung cấp độc quyền. Mỹ và các nước phát triển lâu đời khác, thường xuất hiện loại độc quyền kiểu này.

Tập đoàn Standard Oil của vua dầu lửa Rockefeller là dạng như vậy. Để loại bỏ độc quyền nhằm đảm bảo cạnh tranh tự do, thì năm 1911 công ty này bị chia nhỏ thành 34 công ty khác nhau sau phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Tuy bị quy kết là độc quyền, nhưng đạo đức kinh doanh của Rockefeller không hề khốn nạn như độc quyền nhà nước ở xứ CS. Tuy là độc quyền nhưng Rockefeller chưa bao giờ hạn chế nguồn cung giả tạo để đẩy giá lên cao; trái lại, điều ông làm là sản xuất ra sản phẩm chất lượng với giá thấp nhất có thể. Dưới bàn tay của ông, giá dầu lửa giảm gần 80% tạo động lực cho xã hội phát triển.

Ngày nay Google và Microsoft cũng bị cho là công ty độc quyền với cáo buộc là các sản phẩm của họ như như Windows hay Android đang độc chiến thị trường. Thế nhưng thực chất không phải vậy, những sản phẩm của Microsoft và Google chỉ là những sản phẩm vượt trội so với đối thủ chứ không phải những thứ độc nhất. Windows có iOS của Apple là đối thủ, Android cũng từng có Windowphone của Microsoft cạnh tranh nhưng vì cạnh tranh không nổi ấy thôi. Ngày nay, gần như người ta không tìm ra công ty độc quyền tuyệt đối như Standard Oil trước đây. Thực chất khi nhìn thấy một sản phẩm độc chiếm thị trường mà kết luận độc quyền là hồ đồ, bởi lẽ bản chất của độc quyền là không cho đối tác sự lựa chọn, và tất nhiên là không có cạnh tranh. Còn hiện nay, đôi khi sản phẩm nào đấy chiếm thị phần lớn trên thị trường chẳng qua họ làm hài lòng phần lớn khách hàng mà thôi. Họ cũng rất nỗ lực cạnh tranh chứ không phải áp đặt.

Độc quyền do sở hữu được nguồn lực độc nhất vô nhị như chế độ bản quyền đối với phát minh, sáng chế và sở hữu trí tuệ, hoặc sở hữu mỏ khoáng sản duy nhất như mỏ kim cương nam Phi hay mỏ đất hiếm của Trung Cộng vv… thì rõ ràng, những loại độc quyền này phải chấp nhận. Với những nhà độc quyền bởi sở hữu bản quyền phát minh sáng chế thì nhà nước có thể can thiệp vào bằng cách kiểm soát giá cả.

Cạnh tranh tự do là linh hồn của cơ chế thị trường. Chính vì vậy mà từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nước Mỹ đã thông qua 3 đạo luật có liên quan đến vấn đề chống độc quyền gồm: Đạo luật Sherman năm 1890, Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang năm 1914, Đạo luật Clayton năm 1914 nhằm bảo vệ môi trường cạnh tranh tự do. Standard Oil của vua dầu lửa Rockefeller đã bị đạo luật Sherman xé nhỏ cũng vì lẽ đó.

Hiện nay ở Việt Nam không có hình thức độc quyền do thâu tóm sáp nhập. Bởi sự yếu kém của ĐCS mà những doanh nghiệp quốc nội không thể lớn thành đại thụ để có thể vượt lên tất cả mà thâu tóm hết mọi đối thủ được. Cũng bởi quản lý yếu kém nên vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ không được xem trọng, nên ở Việt Nam không có loại độc quyền bởi bản quyền sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam chỉ có một loại độc quyền, loại độc quyền xấu xa nhất, đó là độc quyền được sự bảo kê của nhà nước.

Hôm 07/09/2020, trả lời trước quốc hội ông Bộ trưởng Bộ Công thương Tuấn Anh nói rằng “theo đề án Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 thì thị trường điện cạnh tranh được xây dựng theo lộ trình có 3 cấp độ: thứ nhất là thị trường phát điện cạnh tranh, chúng ta bắt đầu thực hiện năm 2011; thứ 2 là thị trường bán buôn điện canh tranh, triển khai từ 2018 và thứ 3 là bán lẻ cạnh tranh dự kiến tới năm 2024 mới bắt đầu thực hiện sau khi có tổng kết thí điểm từ năm 2021 – 2024 để đảm bảo ổn định và tính khả thi hiệu quả của mô hình này” (hết trích)

EVN là một doanh nghiệp độc quyền nhà nước. Được sự bảo kê của quyền lực chính trị, EVN được quyền luôn cả hai đầu mua và bán: Ở đầu vào họ độc quyền áp giá mua đối với nhà sản xuất điện, từ đó EVN muốn cho ông nào chết thì ông đó phải chết. Bởi các nhà sản xuất điện không bán cho EVN thì chẳng bán được cho ai; Ở đầu ra, EVN lại độc quyền áp giá bán điện cho dân. Trước đây họ ra giá điện bậc thang, dân thấy phi lý kêu ca, thế nhưng không những họ không giảm mà còn đề xuất điện một giá nhưng lại chọn giá cao nhất để tính cho tất cả. Tức là dân càng la, họ càng siết cổ. Với vị thế một ông độc quyền được bảo kê, EVN thách thức tất cả.

Như vậy, để có giá điện cạnh tranh trên thị trường, chỉ có thể phá bỏ vai trò độc quyền của EVN chứ không cách nào khác. Thế nhưng hãy nhìn vào câu trả lời của ông Trần Tuấn Anh ta thấy gì? Ông ta nói “bán lẻ cạnh tranh dự kiến tới năm 2024 mới bắt đầu thực hiện”. Nói 4 năm nữa bán lẻ điện cạnh tranh mà không nói gì đến vấn đề xóa bỏ độc quyền của ông EVN thì cạnh tranh thế nào được? Khi một nhà bán lẻ điện xuất hiện thì họ cần phải xây dựng hạ tầng truyền tải điện, với 4 năm thì liệu nhà bán lẻ điện (nếu có) nào có thể xây dựng kịp? Và hiện nay không hề có ai nhảy vào xây dựng hạ tầng truyền tải điện ở Việt Nam ngoài ông EVN.

Nói tài trợ mà không xuất tiền thì chỉ là kẻ lừa mị, nói “bán lẻ điện cạnh tranh” mà không xóa bỏ độc quyền thì rõ ràng là lời nói xạo. Tại quốc hội, kẻ chất vấn người trả lời đều là “kịch sĩ”, họ đang diễn. Quốc hội họp mỗi ngày 1 tỷ nhưng rõ ràng thì rõ ràng 1 tỷ này chẳng mang lại lợi ích gì cho dân. Chỉ là màn kịch tinh vi để lừa dối dân mà thôi, rồi dân cũng lại ăn thêm bánh vẽ thôi. Ăn nhiều rồi, ăn thêm cái nữa chả sao. Dân Việt ta dễ tính mà?!

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://vietnambiz.vn/doc-quyen-thuong-normal-monopoly-la-g…

https://www.rfi.fr/…/20200728-đất-hiếm-điểm-yếu-của-mỹ-tron…

https://thanhnien.vn/…/bo-truong-cong-thuong-toi-2024-co-gi…

https://laodong.vn/…/mot-gia-dien-cao-nhat-la-2889-dongkwh-…

#tănggiáđiện #độcquyền

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux