“Thuần phong” có nghĩa là phong tục thuần hậu, chất phát. Như vậy thuần phong là một từ mang nghĩa rất rộng, bên trong nó chứa vô vàn các phong tục truyền thống của một dân tộc. Phong tục thuần hậu không có nghĩa là nó thích hợp với sự tiến bộ. Vậy nên khi những phong tục tiến bộ hơn hình thành thì rõ ràng chúng ta cần phải vứt bỏ đi cái phong tục nào cản trở nó. Nếu đem thuần phong ra luật hóa thì rõ ràng là không ổn. Lấy cái cổ cũ phán xét cái tân thời là một việc làm phản tiến bộ.
“Mỹ tục” nghĩa là những tục lệ tốt đẹp. Mà nói đến cái đẹp nó hoàn toàn mang tính chủ quan. Những người ấu trĩ họ nhìn cái đẹp khác xa với người tiến bộ. Thậm chí quan điểm về cái đẹp giữanhững người có cùng tư tưởng tiến bộ với nhau cũng khác nhau. Thực chất, quan điểm về cái đẹp nó phụ thuộc vào trình độ, gu thẩm mỹ và cả đạo đức của con người, nó là thứ tùy biến chứ chẳng phải là bất biến.
“Thuần phong mỹ tục” là một từ ghép nó mang nghĩa của 2 từ trên ghép lại. Phong tục mà được gọi là thuần hậu nó hoàn toàn mang tính cảm tính không phải dựa trên một tiêu chuẩn nào cả. Còn những tục lệ được gọi là tốt đẹp thì cũng hoàn toàn cảm tính. Những gì thuộc về cảm tính thì không được luật hóa, điều này rất dễ dẫn tới hậu quả là luật pháp bị lợi dụng vào mục đích xấu.
Ở khía cạnh câu từ thì luật pháp nó cũng giống như tiêu chuẩn kỹ thuật trong các ngành khoa học vậy, phải rõ ràng, không tối nghĩa, không đa nghĩa. Nếu tiêu chuẩn kỹ thuật viết ra mà làm người đọc có thể diễn giải theo ý muốn thì hậu quả thật khó lường, kỹ sư xây nhà có thể nhà sập, xây cầu có thể cầu gãy, còn đóng tàu thì có thể tàu vỡ vv.. Luật pháp là bộ quy tắc mà nhà nước dùng để điều hành xã hội thì nó cũng cần phải viết ra như tiêu chuẩn kỹ thuật vậy. Chỉ có như vậy thì luật pháp mới có thể định tội đúng người đúng tội và hạn chế hiện tượng quan có thể diễn giải luật theo chủ ý riêng để lộng hành.
Như vậy từ “thuần phong mỹ tục” rõ ràng là một từ tối nghĩa, nó dễ dàng được suy diễn nên không thể dùng nó để làm tiêu chuẩn quản lí xã hội. Nếu có những loại câu từ như vậy đưa vào luật thì luật pháp chỉ còn mang tính hình thức, vì khi đó quan chức có xu hướng làm bừa xong mang luật suy diễn để bào chữa. Lúc này nhà nước không phải là nhà nước pháp quyền nữa mà phải gọi là nhà nước quan quyền mới đúng.
Ngày 28/08/2020, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã có văn bản số 1665/PTTH&TTĐT, yêu cầu Công ty Netflix tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam. Họ cấm Netflix chuyển ngữ tiếng Việt khi phục vụ cho khách hàng Việt Nam và buộc kênh truyền hình Internet này gỡ bỏ các bộ phim có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên những phim chiếu ở Việt Nam. Về nội dung xuyên tạc lịch sử, khiêu dâm, xuyên tạc chủ quyền là những quy định cụ thể, chính quyền hoàn toàn có thể lập danh sách những bộ phim vi phạm để yêu cầu Netflix thực hiện. Tuy nhiên đem cái tiêu chuẩn “thuần phong mỹ tục” ra áp dụng lệnh cấm với Nexflix là bậy hoàn toàn.
Hệ thống luật pháp CS từ Hiến Pháp đến các văn bản dưới luật đều do chính quyền soạn. Và trong đó rất nhiều những điều luật mâu thuẫn nhau, và thậm chí nó mâu thuẫn ngay trong một câu rất ngắn. Ví dụ: Điều 2 hiến pháp thì nói nhà nước của dân, nhưng điều 4 thì quy định ĐCS độc quyền lãnh đạo, nghĩa là nhà nước của đảng. Đấy là điều này mâu thuẫn điều kia. Hay như câu “bầu cử vừa là quyền vừa là nghĩa vụ công dân”, một đoạn có 11 chữ mà đã mâu thuẫn nhau rồi. Quyền là ta làm theo ý ta, nghĩa vụ là làm theo ý người khác. Vậy “vừa là quyền vừa là nghĩa vụ” thì thực hiện thế nào được? Đã là quyền thì tôi hoàn toàn có thể tự cho phép mình không đi bầu, nhưng không đi bầu thì lại không làm tròn nghĩa vụ. Đấy! Luật CS nó viết như thế đấy.
Luật pháp CS là một mớ lộn xộn, trong đó chứa đủ thứ hổ lốn: nào là từ ngữ mơ hồ, nào là nội dụng mâu thuẫn; nào là từ ngữ thừa không cần thiết vv.. vì thế luật này nó như một đám rừng rối rắm. Hạt giống gì thì mọc lên cây nấy, bản chất rừng rú thì chỉ có thể đẻ ra thứ luật rừng rối rắm chứ không thể hơn được. CS chỉ có vậy, chúng ta không thể trông mong gì ở ĐCS về một bộ luật rõ ràng và chặt chẽ. Không thể!
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
#chedocsvn #luậtrừng
Leave a Comment