Quảng Cáo

Xung quanh chuyện ông Nguyễn Đức Chung bị bắt

Quảng Cáo
Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Hà Nội bị bắt vào hôm 28 tháng Tám năm 2020. Trước đó, ngày 11 tháng Tám năm 2020, ông bị đình chỉ chức trách bằng quyết định của Thủ tướng chính phủ, sau khi Bộ Chính trị ĐCSVN đình chỉ về mặt đảng cùng ngày.
Việc ông Chung bị bắt gây bất ngờ dư luận bởi tính đột ngột và vội vã.
Những sự việc quá khứ đáng chú ý của ông Nguyễn Đức Chung
Ngày 17 tháng Ba năm 2015, khi còn là Giám đốc công an Hà Nội, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung khẳng định [1] một số thanh niên mặc áo thun màu đỏ trên có logo mô phỏng biểu trưng của ngành công an với dòng chữ “DLV – Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc” xuất hiện tại khu vực Hồ Gươm, đó là lực lượng tự phát, gây rối, tranh cãi, xô đẩy một số người dân đã tổ chức tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh, trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Trường Sa vào ngày 14 tháng Ba năm 2015. Trong sự việc này, ông Chung cam kết xác minh về lực lượng “Dư Luận Viên tự phát”. Câu chuyện tạo ra một niềm tin vững chãi trong lòng dân về “lòng yêu nước” của thiếu tướng Nguyễn Đức Chung.
Ngày 26 tháng Năm năm 2015, trong phiên thảo luận sửa đổi Bộ Luật Hình Sự, thiếu tướng công an Nguyễn Đức Chung thằng thắn bày tỏ [2]: “Người nghèo đi buôn ma tuý bị lĩnh án tử hình, không cớ gì người có chức vụ, kiến thức mà tham ô, tham nhũng lại không bị tử hình”. Tinh thần quyết liệt này đã đi vào “lòng quần chúng” như một tấm lòng thương dân vô bờ bến của người Cộng Sản tuổi trẻ – tài cao – trung kiên – anh dũng Nguyễn Đức Chung.
Ngày 4 tháng Mười Hai năm 2015, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung trở thành tân Chủ tịch Hà Nội với số phiếu 94.56% tán thành của đại biểu của Hội đồng nhân dân Hà Nội [3]. Điều này như một chứng cứ “ý đảng lòng dân” hòa làm một, như người CSVN luôn khẳng định tính chính nghĩa và ngời sáng.
Ngày 17 tháng Sáu năm 2018, khi đang đương chức Chủ tịch Hà Nội, ông Chung cảnh báo [4] cử tri quận Cầu Giấy với tư cách đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy ,để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội rằng :“thời gian qua, các thế lực thù địch đã lợi dụng tâm lý “bài Trung Quốc” trong một số người dân để kích động, chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc”. Tất nhiên, đây lại thêm một điểm son đối với Bộ Chính trị ĐCSVN và trong tâm thức của những đảng viên cấp cao trung kiên dù đã về hưu và tầng lớp nhân sĩ trí thức Hà Nội và Tp.HCM.
Vì vậy, nguyên Chủ tịch Hà Nội được đánh giá [5] “là một người năng nổ, quyết liệt” như lời của ông Nguyễn Quang A trả lời với đài VOA, ngay hôm ông Chung bị bắt là có thể hiểu được.
Hà Nội dưới thời ông Chung làm chủ tịch, được người dân nhìn thấy có nhiều tiến bộ về an sinh xã hội cùng bộ mặt văn minh hơn, với nhiều hàng cây được trồng mới, với hàng quán lấn chiếm vỉa hè bớt dần sự hỗn độn và bớt đẩy người đi bộ xuống lòng đường cùng vài việc khác. Đăc biệt, chống dịch virus Vũ Hán, ông Chung còn được định khen thưởng vì đã hoàn thành rất tốt. Đây lại là điểm son, dù việc khen thưởng dở dang và chấm dứt luôn cùng với việc ông Chung bị bắt.
Dù làm được nhiều việc tốt đẹp cho Hà Nội như vậy nhưng có lẽ ông Chung không nên nói [6] “không để một ai vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ” trong vụ việc sông Tô Lịch được thí điểm làm sạch, theo công nghệ Nhật Bản mà các chuyên gia Nhật đã nhận được sự đồng ý từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Cách phát ngôn của ông Chung buộc phải nhìn nhận tính “cát cứ địa phương” vẫn ngang nhiên tồn tại như hàng chục năm qua. Và đó cũng là vấn nạn trầm trọng vô cùng khó giải quyết như ông Phan Văn Khải từng than vãn “trên bảo dưới không nghe” hoặc mới hơn như đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ta thán “trên nóng dưới lạnh”.
Sông Tô Lịch và “vụ án Nhật Cường” gây sóng gió quá lớn trong suốt thời gian 2 năm qua.

Xung quanh vụ nguyên Chủ tịch Hà Nội bị bắt
Theo báo chí cho biết, ông Chung bị bắt với tội danh điều 337  theo Bộ Luật Hình Sự (BLHS). Tội danh này quy định mức án tù từ (thấp nhất) 2 năm đến (cao nhất) 15 năm, thuộc chương XXII – Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.
Trong loại tội danh 337, tại điểm d có nêu, một khi kẻ phạm tội “gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”có thể bị phạt tù đến 15 năm.
Với quá khứ như trên, dư luận không tin điểm d có thể kết tội ông Chung.
Sự việc ông Chung bị bắt giữ gây rúng động dư luận trong và ngoài nước. Nhiều đồn đoán xung quanh về sự vắng mặt của ông Chung, như thể bị bịnh hoạn hay bị đầu độc nghiêm trọng theo đó cũng xuất hiện.
Thiếu tướng Tô Ân Xô cho báo giới biết [7] vào hôm 29 tháng Tám năm 2020 rằng: Ông Chung đến làm việc tại Cơ quan An ninh điều tra vào hôm 28 và lệnh bắt giữ được thực hiện lúc đó. Ngoài ra, lệnh khám xét được thực hiện lúc 19 giờ 25 phút cùng ngày. Thiếu tướng Xô nhấn mạnh, ông Chung sức khỏe bình thường, dù từng hai lần sang Pháp phẫu thuật vào năm 2015 và 2016 do polyp sát trực tràng và liên quan đến phổi.
Theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS), tại điều 113 khoản 3 quy định “Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã” và điều 195 “Khám xét chỗ ở, nợi làm việc, địa điểm, phương tiện” tại khoản 1,2,3,4,5 nói rõ: không được bắt đầu khám xét vào ban đêm và phải có các thành phần đầy đủ, đặc biệt tất cả các thành phần liên quan đến việc khám xét phải có mặt và không được tự ý rời đi, không được trao đổi, liên lạc với nhau cho đến khi khám xét xong.
So với thực tế từ hàng chục trang báo, không một hình ảnh nào cho thấy sự có mặt của ông Nguyễn Đức Chung vào đêm 28 tháng Tám năm 2020. Đây là một vi phạm rất nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng hình sự.
Nguyễn Đức Chung được biết là một tiến sĩ luật học (!)
Kết
Ngày 30 tháng Tám năm 2020, báo VNExpress cho biết [8] “Hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thuộc danh mục bí mật nhà nước mức độ tối mật”.
Ông Nguyễn Đức Chung là Ủy viên Ban chấp hành trung ương ĐCSVN, tức nằm ngoài phạm vi Quyết định 1295/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 24 tháng Tám. Do đó, Thiếu tướng Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công An – cần phải trình ra bằng chứng trước công luận, về trình tự thủ tục đúng quy định theo BLTTHS, để thuyết phục đông đảo người dân đang vô cùng hoang mang quanh vụ bắt giữ nguyên Chủ tịch Hà Nội – Nguyễn Đức Chung.
Chỉ có sự thật quanh ông Chung được trình bày rõ ràng, mới mong chấm dứt mọi đồn đoán mà những nghi ngờ đó càng làm ảnh hưởng đến danh dự của ĐCSVN nói chung và nhân phẩm đảng viên Nguyễn Đức Chung nói riêng.
___________________
Nguyễn Ngọc Già
Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux