Báo Lao động có bài viết, khá bức xúc với việc sửa chữa cầu Thăng long bị chậm trễ vì phải chờ đợi chuyên gia Nga.
Theo nội dung bài báo, việc chờ đợi chuyên gia không phải vì chúng ta không có tài liệu, như một số công trình xây dựng trước 1975 ở phía Nam, mà vì nhân sự của chúng ta không thể đảm đương được. Báo Lao động đặt câu hỏi: Bao nhiêu giáo sư, Tiến sĩ của Việt Nam đi đâu rồi?
Hồi đó, có một ông giáo sư cách mạng, được coi là chứng nhân lịch sử gì đó, bị một khối u tủy. Thực ra thì khối u tủy của ông thuộc loại rất đơn giản, dễ mổ. Là một bác sĩ trẻ, nhưng lúc ấy tôi đã mổ khá nhiều ca như vậy. Tất nhiên, hồi đó chúng tôi chưa có kính hiển vi phẫu thuật, nên chưa thể mổ theo kiểu xâm lấn tối thiểu như bây giờ. Trong khi đó, một số đàn anh trong khoa tôi mổ những khối u đó rất tốt.
Thế rồi, sau bao nhiêu cuộc hội chẩn, họ quyết định mổ cho ông ấy. Ai hội chẩn thì tôi không biết, nhưng toàn bộ những người mổ bệnh lí đó ở khoa tôi, ngoại trừ một anh được ai đó đánh giá cao, nhưng mổ những cái u loại đó rất trầy trật, không ai biết gì về những cuộc hội chẩn đó cả. Họ quyết định mời một bác sĩ Pháp qua, mổ cho ông ấy ở bệnh viện nơi tôi làm việc (vì họ nghĩ đó là phòng mổ tốt nhất khi đó). Khi mổ cho ống ấy, tôi cũng vô xem. Lúc đó tôi mới biết ai là người hội chẩn để đưa đến cuộc mổ cho ông ấy.
Đó là một khối u trong màng cứng ngoài tủy. Trình tự cuộc mổ là rạch da, cắt phần xương bao phủ, mở màng cứng, lấy khối u ra. Vị bác sĩ người Pháp cũng mổ y như vậy. Khi vị bác sĩ người Pháp lấy khối u ra rồi, người bác sĩ trước đó chủ trì hội chẩn hỏi bác sĩ mổ điều gì đó bằng tiếng Pháp, nhưng bác sĩ Pháp có lẽ không nghe thấy nên không trả lời. Ông ấy quay qua hỏi tiếng Việt vị bác sĩ trong khoa tôi, xem đó là u gì, trong màng cứng hay ngoài màng cứng. Khi được biết là u trong màng cứng ngoài tủy, vị bác sĩ trước đó chủ trì hội chẩn quay qua giảng giải cho tôi u trong màng cứng ngoài tủy là gì.
Hồi đó còn khá hiếm chuyện các cán bộ của chúng ta ra nước ngoài chữa bệnh, nếu có thường là cán bộ rất cao cấp. Sau này, nhiều cán bộ thấp cấp hơn vẫn thường được đưa ra nước ngoài chữa bệnh. Tôi được nghe kể, rằng trong rất nhiều trường hợp, những người hội chẩn có xu hướng gởi những bệnh nhân cán bộ đó ra nước ngoài điều trị, dù đó là những bệnh lí rất đơn giản. Chẳng ai muốn chịu trách nhiệm cả.
Sau này, cũng có một hai lần tôi được mời hội chẩn cho một vài cán bộ cao cấp, có người đương chức, có người đã về hưu. Tôi khá ngạc nhiên là mặc dù thành phần mời có bao gồm cả những người có khả năng chuyên môn cao, nhưng hình như kết luận đã có sẵn từ trước, trước khi những người đó cho ý kiến.
Cho nên, có nhiều lí do để phải mời chuyên gia. Có khi, đó là do thành phần quyết định không muốn công nhận đồng nghiệp trong nước, họ đã bó tay thì không ai được phép ra tay. Cũng có khi, chẳng ai muốn chịu trách nhiệm cho một công việc bổng lộc thì ít mà nguy cơ thì nhiều./.
#xahoichunghiavn #giaosutiensi #suacauthanglong
Leave a Comment