Nguyễn Đình Bổn
Cần công khai bài thi của thí sinh được điểm 10 tuyệt đối môn Văn trong kỳ thi quốc gia vừa qua!
Khi thí sinh Dương Ngọc Trâm, học sinh cũ tại trường Chu Văn An (An Giang) trả lời phỏng vấn trên báo vietnamnet, cô đã lộ ra một sai lầm lớn khi cho biết để “đánh trúng vào tầm tư tưởng” (?) “nhân dân làm ra đất nước” cô đã vận dụng vào bài thi hình ảnh nhân vật “Đại gia Gatsby”, một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới, mà cô mô tả là “xuất phát điểm là một người nghèo đói, nhưng anh đã sẵn sàng ra trận để chiến đấu. Khi trở lại anh chăm chỉ làm việc và trở thành đại gia nước Mỹ trong những năm 50. Em đã liên hệ với nhân vật này để làm dẫn chứng cho “những người đã làm ra đất nước”!!!
Bỏ qua những ngô nghê khi phát biểu, thì kiến thức về văn học của cô thí sinh điểm 10 môn Văn khiến ai từng đọc qua Gatsby vĩ đại (hay Đại gia Gatsby, tiếng Anh: The Great Gatsby) của nhà văn F. Scott Fitzgerald người Mỹ, được xuất bản lần đầu vào 10 tháng 4 năm 1925 đều bật cười ngán ngẩm, vì đây là tác phẩm mô tả tâm trạng yếm thế, chán chường, khi những giấc mơ phù hoa của tuổi trẻ sớm vỡ tan với thực tế, tại nước Mỹ thời kỳ suy thoái, chớ không hề có công thức rất xã hội chủ nghĩa: Nghèo- Ra trận- Trở về- Xây dựng quê hương!
Sau khi thấy bị hố, tờ VNN đã nhanh chóng thay đổi bằng tác phẩm “Người Đua Diều” của nhà văn Khaled Hosseini (Afghanistan). Nhưng tác phẩm này mô tả đất nước Afghanistan bị tàn phá bởi lính Liên Xô, và nó gồm 2 phần: phần đầu là tuổi thơ của nhân vật chính – Amir, ở Afghanistan trước khi chiến tranh nổ ra. Phần hai là Amir ở Mỹ, với những hồi ức- trở về như một sự chuộc tội với quê hương mà Amir bỏ lại. Người Đua Diều là một kiệt tác về những mong manh của tình cảm gia đình (cha con) khi khác thế hệ và tư tưởng, là Tình yêu, Danh dự, Sự phản bội, Dối trá, Mặc cảm tội lỗi của kiếp nhân sinh trong một thế kỷ đầy biến động. Nó cũng không hề có Nghèo đói (Amir con nhà quý tộc) hay Chiến đấu- Xây dựng nào!
Vậy thì sau cú sửa chữa này của tờ VNN, tôi đặt ra một dấu hỏi lớn về sự lừa dối có tính toán của những người trong cuộc, hòng vớt vát sự sai lầm lố bịch!
Tôi yêu cầu Bộ Giáo dục công bố ngay bài thi này, để dư luận thẩm định tính đúng – sai khi đã đặt dấu hỏi nghi ngờ. Và nếu mọi sự minh bạch, thì một bài thi có điểm tuyệt đối như vậy, hẳn sẽ rất xuất sắc, và nên được chia sẻ!
Nếu không công khai, đây có thể là sự “liên minh lừa dối” giữa Bộ giáo dục- Sở giáo dục An Giang- Tờ báo mạng vietnamnet- thí sinh Dương Ngọc Trâm, để bảo vệ “thành quả” của cuộc thi quốc gia vừa rồi!
Và đó chính là sự lừa dối khủng khiếp với chúng ta, những ai có con em tới trường, bất kể chúng ta tin hay không tin nền giáo dục này!
Leave a Comment