Quảng Cáo

Khóc Thương Chiến Hữu…

Quảng Cáo

Việt Tân: Tháng Tám, tưởng nhớ về các Anh Hùng Đông Tiến đã vị quốc vong thân trên bước tìm đường về đất mẹ với lý tưởng quang phục quê hương, xin giới thiệu đến Quí Độc Giả bài viết của tác giả Trần Diệu Chân đăng trên Việt Báo ngày 30 tháng Tám, 2004.

Ban Biên Tập 

***

Trần Diệu Chân

Tin một số chiến hữu của tổ chức đã hy sinh, dù đến ở thời điểm nào, cũng đã làm chúng tôi bật khóc. Không chỉ một lần nhỏ lệ, mà những giọt nước mắt tiếc thương, như bất tận, cứ trào dâng lên mãi khi tôi viết giòng này, khi nói chuyện với các anh chị em trong tổ chức hay chia sẻ cùng đồng bào, thân hữu. Những nấc nghẹn tự đáy lòng đã không thể nào đè nén nổi mỗi khi tôi nghĩ đến con đường gian nan các anh đã trải, đến cái chết anh dũng các anh đã can đảm nhận trên con đường giải phóng quê hương.

Tôi nhớ đến hình ảnh thân thương của chiến hữu Chủ Tịch, vị lãnh đạo anh minh mà chúng tôi thương quý gọi là Thầy; vị thầy khả kính mà tôi đã học được biết bao điều dù chỉ được có vài lần diện kiến, lần cuối cùng khi ông rời Hoa Kỳ năm 1987. Tôi tiếc đã không được có cơ hội gặp Thầy nhiều, nhưng chỉ cần được nghe ông nói chuyện vài lần với công chúng, với các chiến hữu trong tổ chức và một lần ông họp báo ở Houston, tôi đã cảm phục người chiến hữu lãnh đạo của mình tột bậc; không chỉ ở khả năng diễn đạt lưu loát và những tư tưởng xuất chúng của ông mà còn ở tấm lòng nhiệt tình ông dành cho đất nước, và cách ứng xử bình dị, thân thương ông dành cho mọi chiến hữu trong tổ chức.

Những điều tôi nghe được về ông từ cách sống thanh bạch, đạo đức lúc còn là Phó Đề Đốc Hải Quân trước năm 1975, đến đường lối chỉ đạo sáng suốt, sách lược khôn ngoan và những nguyên tắc đầy nhân bản ông đề ra cho Mặt Trận mà giá trị càng ngày càng được chứng tỏ, đã làm lòng tôi thêm ngưỡng mộ và tiếc cho đất nước, cho tổ chức không còn có được những đóng góp của một anh tài nhiệt huyết.

Nhưng ngưỡng mộ nhất đối với tôi là tình thương bao la ông dành cho vợ con, cùng lúc vẫn can đảm dứt áo ra đi đền nợ nước.

Tôi đã được hân hạnh chia sẻ những tâm sự một đôi lần với Bà Thầy để thấy được tình yêu Thầy Cô dành cho nhau đẹp biết dường nào, để thấy được người đàn ông Việt Nam lý tưởng trên đường hy sinh cho đại nghĩa vẫn lãng mạn, tình tứ, yêu vợ, thương con. Trước khi chia tay lên đường, Thầy đã không quên dặn người con cả thay bố trao cho mẹ những đóa hoa hồng thắm yêu thương vào ngày sinh nhật của bà hằng năm. Và tận nơi chiến khu xa xôi, ông đã trao về người vợ thân yêu những giòng nhạc cảm động ”Trăng Chiến Khu” mà người nghe không thể nào không thấy lòng mình trùng xuống:

Ngồi đây xem trăng sáng chiếu ven chân rừng.
Trời lắng đêm dần vắng sương lạnh rơi xuống.
Vai sát bên vai, lòng ấm bên lòng,
mắt căm hờn chờ ngày xông pha chiến trường.

Rừng ơi đem trăng sáng tới rung bao lòng.
Vì nước nên lìa mái gia đình êm ấm.
Trăng hỡi cho ta, về dưới mái nhà,
nhắn ai rằng một ngày ta sẽ trở về…

Bản nhạc của Kháng Chiến Quân Trần Thiện Khải với lời nhạc của chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã nói lên hết tấm lòng thiết tha, ray rứt của các kháng chiến quân trước tình nhà, nợ nước.

Tôi tiếc chưa được một lần gặp mặt những kháng chiến quân đã cùng nằm xuống với chiến hữu Chủ Tịch. Nhưng những điều tôi được nghe về các anh đã làm tôi ngửng đầu hãnh diện vì đã được cùng chia sẻ lý tưởng, và được ở trong cùng một tổ chức với những người con yêu của tổ quốc như các anh.

Những chiến sĩ can trường trên trận địa, những tấm gương đạo đức, trong sáng, những nhân tài của đất nước, những tâm hồn đa cảm của một nghệ sĩ, văn sĩ nhưng đã can đảm dứt bỏ hạnh phúc riêng tư, cuộc sống đầy đủ tiện nghi, an lành để dấn thân vào chốn hiểm nguy hầu chấm dứt những đau khổ trên quê hương yêu dấu.

Bên cạnh những người con can trường ấy của tổ quốc là các chị vợ kháng chiến quân trong Mặt Trận. Nói sao cho hết những hy sinh cao cả của các chị. Các chị đã thay chồng làm cha, nuôi dạy con cái trong nỗi quạnh hiu, nhung nhớ và lo âu đến thắt ruột cho sự an nguy của chồng.

Ôi những người đàn bà Việt Nam, đã phải gánh chịu biết bao thăng trầm của lịch sử dân tộc. Những người vợ lính, vợ các kháng chiến quân – anh lao vào chốn gian nguy lửa đạn để bảo vệ đất nước, em ở lại cam chịu gánh vác mọi nhọc nhằn, khó khăn trong cuộc sống, những lạc lõng nơi xứ lạ quê người, đùm bọc, che chở và thương con gấp bội để đền bù những thiệt thòi con không được gần cha. Khi anh ra đi về lòng đất mẹ, em nén cơn đau xé ruột, ngẩng mặt can trường bước tới vì hạnh phúc và tương lai của con, vì lời hứa và tình yêu cho người nằm xuống.

Hai hàng lệ đang tuôn trào trên khóe mắt, tôi xin gởi tặng những giọt nước mắt thương yêu, ngưỡng mộ này đến cùng các chị. Cảm ơn các chị đã cống hiến hạnh phúc đời mình cho đại nghĩa.

Trước anh linh của những người nằm xuống và những tiếp tục hy sinh của các chị, của những kháng chiến quân đang miệt mài chiến đấu trên đất mẹ, của các chiến hữu ở khắp mọi chân trời, tôi nguyện tiếp tục con đường tranh đấu để đưa đất nước đến vinh quang, hạnh phúc.

Bao năm qua dù không được cùng các anh chung vai sát cánh, dù có lúc hình dung các anh đã đi vào lòng đất mẹ nhưng tấm lòng của các chiến hữu vẫn càng ngày càng thêm son sắt, bền bỉ. Sự hy sinh của các anh đã làm chúng tôi thêm quyết chí.

Chúng ta không chủ trương chiến đấu đơn độc, song chúng ta cũng không sợ hãi nếu phải chiến đấu đơn độc.” Lời Thầy nhắn nhủ vẫn còn vẳng mãi bên tai. Giờ đây cách trở âm dương đã không cách biệt được tấm lòng chúng ta cùng hướng về tổ quốc. Trong tim chúng tôi các anh vẫn luôn chung bước.

Trước những đánh phá của kẻ địch, và đau lòng hơn nữa là từ những người cùng chiến tuyến, các chiến hữu ta đã nhớ đến câu Thầy từng chia sẻ: ”Đường đi càng gian nan thì chiến thắng càng vẻ vang.” Các chiến hữu ta đã vững chãi niềm tin trên con đường đầy tình thương, vị tha và nhân bản mà Thầy đã vạch; niềm tin sắt đá mà tổ chức đã gieo truyền vào lẽ tất thắng của chính nghĩa, của sự chân thành và trong sáng đã cho tôi và các chiến hữu của chúng ta sức mạnh vô biên để đi tới, san bằng mọi trở lực.

Con đường chúng ta đi chỉ có hai cái đích. Cả hai cái đích đều vinh quang và vô cùng ý nghĩa. Một là giải phóng tổ quốc Việt Nam. Hai là được anh dũng hy sinh cho đại cuộc giải phóng tổ quốc Việt Nam.” Nghĩa khí đó của Thầy đã trở thành tâm niệm của đoàn viên Mặt Trận.

Hôm nay đây, Thầy đã nằm xuống cùng với một số các chiến hữu. Nhưng linh hồn Thầy và các chiến hữu vẫn hiện hữu trong giòng đấu tranh đang cuồn cuộn chảy của dân tộc, với những thế hệ trẻ đang hăng hái nhập giòng, hãnh diện vì đã có một thế hệ cha anh xứng đáng, truyền đạt cho giòng máu kiêu hùng và những giá trị tư tưởng vừa thực tiễn vừa nhân hậu.

Nói sao cho hết được lòng cảm kích của chúng tôi, những người đã may mắn tìm được mái ấm thương yêu của một gia đình lý tưởng, cùng đồng tâm cam khổ, chia ngọt xẻ bùi, theo Thầy học chữ Nhẫn trước những ngộ nhận hay cố tình xuyên tạc của búa rìu dư luận, để làm sao đạt tới mục tiêu duy nhất là giải phóng và xây dựng Việt Nam.

Cầu mong anh linh của quý chiến hữu phù hộ cho công cuộc giải phóng đất nước mau đến chỗ thành công. Ngày quê hương đoàn tụ, ăn mừng nắng ấm tự do và hạnh phúc, chúng tôi mong sẽ tìm về nơi chốn xưa để quỳ lạy những chiến hữu đã vị quốc vong thân, tìm gặp lại các anh như lời thơ ”Thăm Bạn” của Kháng Chiến Quân Nguyễn Đức Thắng:

Nửa khuya ghé thăm anh,
Gió đông về lành lạnh.
Giữa bầu trời hiu quạnh,
Hờ hững nước trôi quanh.
Anh nằm bên giòng suối,
Chơ vơ một gốc chanh.
Con chim nào đang khóc,
Vì thương lá đoạn cành.
Kìa anh cây chanh nhỏ,
Hôm dúi vội bên anh.
Bây giờ chanh đã lớn,
Mồ anh cỏ cũng xanh.
Anh giờ thôi áo trận,
Thay vào áo sử xanh.
Tôi còn mang áo cũ,
Đêm ngày vẫn đấu tranh.
Ghé thăm anh nửa phút,
Rồi tiếp tục di hành.
Gởi anh cây chanh nhỏ,
Nhờ anh bón cho xanh.
Mai này sau giải phóng,
Khi đại cuộc đã thành.
Lấy cây chanh làm dấu,
Tìm cốt người hùng anh.
Thôi chào nhau anh nhé,
Chúc anh giấc mộng lành.
Trời bây giờ cũng sắp,
Vào Xuân rồi đó anh.

Trần Diệu Chân
(28/8/2004)

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux