25/08/2020
Cộng đồng người Việt tại nhiều nơi trên thế giới hối thúc chính phủ các Nhật, Ấn Độ, Anh nên đồng hành cùng với Hoa Kỳ và Australia lên tiếng chính thức bác bỏ tuyên bố ‘đường chín đoạn’ của Trung Quốc trên Biển Đông.
Từ Nhật, ông Nguyễn Hà Kiến Quốc, phát ngôn viên của tổ chức Antichicom – một phong trào phản đối Trung Quốc của giới trẻ tại Nhật – nói với VOA về việc trao thư ngỏ cho đại diện Bộ Ngoại giao Nhật hôm 24/8.
“Ngày hôm qua chúng tôi đến gặp Bộ Ngoại Nhật và có cảm giác là họ có quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Tôi không rõ là họ sẽ tích cực đến mức nào, nhưng họ sẽ góp sức một phần nào đó cho tiếng nói của chúng tôi. Có thể nói rằng cuộc gặp có hiệu quả!”
Bà Hoàng Dung, đại diện của tổ chức Việt Tân tại Nhật, người có mặt trong buổi tiếp xúc với giới chức Nhật để trao thư, nói với VOA:
“Chúng tôi đưa thỉnh nguyện thư nhờ chính phủ Nhật lên tiếng về vấn đề Biển Đông. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc có hành vi bất hợp pháp. Chúng tôi muốn chính phủ Nhật kết hợp với Hoa Kỳ và Australia bác bỏ tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, để vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cởi mở và an toàn hơn.”
Trong một tuyên bố hôm 25/8, Việt Tân cho biết: “Lá Thư Chung của hơn 80 đoàn thể, cộng đồng người Việt trên toàn thế giới, gửi đến Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Anh Quốc và Ấn Độ yêu cầu lên tiếng bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Cộng trên Biển Đông.”
Bức thư đồng kính gửi ngoại trưởng Anh và Ấn Độ có đoạn: “Yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc rõ ràng là bất hợp pháp, vi phạm Công ước về Luật Biển của LHQ (UNCLOS). Điều này đã được tái xác định bởi phán quyết của Toà Hoà Giải Thường Trực vào năm 2016 rằng yêu sách “đường chín đoạn” và “quyền lịch sử” của Trung Quốc không có giá trị.”
“Là những quốc gia dân chủ vùng biển, Vương Quốc Anh, Nhật Bản, và Ấn Độ cùng có vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ hoà bình và sự ổn định trong vùng qua việc củng cố sự tôn trọng những quy định luật pháp quốc tế,” bức thư viết.
Vào năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye đã ra phán quyết trao phần thắng cho Philippines, và khẳng định rằng Trung Quốc không có “quyền lịch sử” trong phạm vi của “đường chín đoạn” do chính họ vẽ ra, để tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố “làm ngơ” phán quyết của tòa án quốc tế.
Ngày 13/7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn phi pháp. Ngày 23/7, Bộ Ngoại giao Australia gửi công hàm đến Tổng Thư Ký LHQ, nhấn mạnh rằng qua phán quyết Tòa trọng tài thường trực vào năm 2016, Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông và chủ trương “đường chín đoạn” là không có cơ sở pháp lý.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông, nhưng trên thực tế hầu hết quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc kiểm soát.
Leave a Comment