Mấy ngày nay, facebook dậy sóng vì các cháu bé. Cháu bé thứ nhất là cháu bé sơ sinh, bị vứt vào khe tường giữa hai nhà. Còn cháu bé thứ hai là cháu bé 2,5 tuổi, bị bắt cóc.
Đây là hai cháu bé có hai hoàn cảnh rất trái ngược nhau. Một cháu thì bị chính mẹ đẻ của mình hắt hủi, bỏ đi, còn cháu kia thì được cha mẹ yêu mến, và bị một người phụ nữ hiếm muộn bắt cóc mang về nhà để làm con mình. Hình như mỗi người sinh ra đều mang một số phận, và những số phận ấy đôi khi rất trái ngược nhau.
Tôi đã nhiều lần đi qua lại đèo Hải Vân, nhưng thường là tôi tự lái xe. Cũng có lần đi xe thuê, nhưng lại đi đường hầm. Cách đây vài năm, có một lần, tôi thuê xe từ Đà nẵng đi lên đèo Hải Vân. Tôi rùng mình khi người lái xe cho biết, rằng con đường mà tôi đang đi có rất nhiều đứa trẻ mới sinh bị vứt ra đó.
Sao lại có thể có những người mẹ nhẫn tâm như vậy nhỉ? Lâu lâu người ta biết một vài người mẹ vứt con. Thường đó là những người ít được học hành, hoàn cảnh nghèo khó. Nhưng gần đây nhất, nghe nói mẹ của đứa trẻ bị vứt dưới khe tường là một sinh viên đại học. Tại sao họ lại có thể tàn nhẫn đến như vậy?
Tất nhiên, những người mẹ vứt bỏ con mình, nhét con vào cầu tiêu, ném xuống hố ga, vứt xuống khe tường, hay bỏ bên đường đèo… là những ác mẫu. Hành vi của những người đó là tội ác. Nhưng chúng ta có vô can hay không?
Một nền giáo dục thiếu vắng tính nhân bản, đề cao việc chém giết, coi rẻ mạng người. Một nền văn hoá lấy mê tín và buôn thần bán thánh đội lốt tín ngưỡng, tha hoá ngay cả những nơi linh thiêng như chùa chiền. Trong một xã hội như vậy, làm sao mà có đủ nền tảng đạo đức, để những người mẹ không may rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã có đủ khả năng xử lí tình huống một cách nhân văn.
Cuộc tranh cãi về việc ai là người cứu cháu bé bị bỏ dưới khe tường được cư dân mạng quan tâm, chủ yếu là câu chuyện giống như chuyện Thạch Sanh và Lý Thông. Nhưng gần như rất ít người phân tích bản chất của việc tranh giành ấy là gì. Đó chính là thói giả dối, đạo đức giả.
Chính vì cái thói giả dối, đạo đức giả đó mà những người mẹ đang tâm thực hiện một tội ác, đó là giết chết con mình. Họ sợ mang tiếng là chửa hoang, là mẹ đơn thân. Họ sợ người đời khinh rẻ họ. Và, họ thực hiện một tội ác, để mọi người vẫn nhìn họ như là người có đạo đức tốt, sống theo khuôn phép, lễ giáo (tất nhiên là đạo đức theo tiêu chuẩn của họ).
Cũng liên quan đến đạo đức, đó là sự nghiệt ngã của những người làm cha, làm mẹ, khi cho rằng con gái mình làm bại hoại gia phong, làm mất mặt cha mẹ… Tôi nhớ lại trường hợp một bệnh nhân của tôi bị chấn thương cột sống. Khi đưa lên bàn mổ, chúng tôi mới phát hiện cô đang có thai. Cô chối ngay chuyện mình đã có quan hệ với bạn trai khi cô tỉnh thuốc mê và được biết mình đang mang thai.
Nhưng người thực sự hoảng loạn sau khi biết điều đó là mẹ cô. Mẹ cô cho rằng cha cô sẽ giết cô khi biết chuyện. Người cha ấy không nghĩ rằng cách hành xử khắt khe của ông sẽ đẩy con gái mình vào con đường tội ác. Và khi đó thì gia phong sẽ còn bại hoại như thế nào, danh dự gia đình của họ sẽ ra sao?
Tôi không biết ở Việt nam có bao nhiêu người theo công giáo, và có bao nhiêu ác mẫu theo công giáo. Tôi tin số đó không nhiều, vì công giáo được tổ chức khá bài bản.
Đa số dân Việt nam theo đạo Phật, hoặc ít ra là họ có thiên hướng đi chùa hơn là đi nhà thờ. Nhưng chùa chiền của chúng ta ra sao? Thật tiếc là nhiều ngôi chùa lao vào kinh doanh mê tín dị đoan như cúng sao giải hạn. Có những nhà sư nổi tiếng thì kêu gọi vũ trang, hoặc “xin tí khí”… Những người rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, khi muốn hướng đến tôn giáo thì biết trông vào đâu?
Và một điều rất quan trọng, đó là vai trò của các đoàn thể. Hội phụ nữ, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em… hàng loạt các đoàn thể ngốn hàng chục ngàn tỉ đồng tiền thuế của người dân mỗi năm. Những cái gọi là đoàn thể ấy làm gì, ngoài việc tung hô và làm đầu sai cho đấng quang vinh, tài tình, sáng suốt?
Trách những ác mẫu một, thì hãy trách chính chúng ta hai, ba lần hơn. Chúng ta đã để cho thói đạo đức giả, thói vô trách nhiệm, nền giáo dục phi nhân bản… tồn tại quá lâu./.
#xahoivn #daoducsuydoi
Leave a Comment