Quảng Cáo

Hai vấn đề trọng yếu trong vụ án nhà báo Trương Duy Nhất

Quảng Cáo

Ls. Luân Lê – (VNTB) – Bắt nguồn từ vấn đề tư duy và nhận thức pháp luật của Hội đồng xét xử sơ thẩm, do đánh giá và vận dụng sai luật pháp về nội dung nên việc đánh giá về chứng cứ và việc chứng minh cũng từ đó mà bị sai lạc và dẫn tới việc kết tội oan sai cho người bị buộc tội.

Vụ án nhà báo Trương Duy Nhất, có hai vấn đề pháp lý chính yếu quan trọng nhất được tôi đưa ra để biện hộ.

Đầu tiên, là việc áp dụng pháp luật tại bản án sơ thẩm – căn cứ nào để áp dụng Điều 356 BLHS 2015 (hiệu lực 1/1/2018) mà không phải Điều 281 BLHS 1999 (sửa đổi 2009)? Vì đây là vụ án về xâm phạm tài sản thuộc sở hữu nhà nước (có yếu tố chức vụ).

Thời điểm thực hiện hành vi là năm 2004 và kết thúc việc đó cùng năm này (ngày 17/12/2004, ngày cấp giấy chứng nhận đất cho Công ty 79 của ông Phan Văn Anh Vũ). Mà đây là vụ án xâm phạm sở hữu, mà theo Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT thì xác định giá trị tài sản là tại thời điểm thực hiện hành vi; Điều 7 của BLHS 2015 và BLHS 1999 về hiệu lực áp dụng một điều luật là thời điểm thực hiện hành vi và vì thế quy định về thời hiệu đều tính từ thời điểm thực hiện hành vi chứ không phải thời điểm phát hiện ra; và theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 đã quy định kể cả phát hiện ra hành vi sau thời điểm năm 1/1/2018, mà các quy định sau ngày này không có lợi, thì vẫn áp dụng các quy định trước thời điểm này để áp dụng; tiếp đó là Dự thảo số 01/2020/NQ-HĐTP quy định để áp dụng thống nhất BLHS 2015 đã nêu rõ giá trị tài sản để truy cứu trách nhiệm hình sự là thời điểm thực hiện hành vi.

Vì vậy, tinh thần và nguyên tắc áp dụng luật phải là tại thời điểm thực hiện hành vi chứ không phải thời điểm phát hiện.

Hơn nữa, giá trị tài sản được định giá tại thời điểm 2004 là 301 triệu, tại thời điểm 2018 là 13 tỷ. Nếu sử dụng giá trị tại thời điểm năm 2018 (thời điểm phát hiện) thì nghĩa là đang áp dụng căn cứ truy cứu hai lần với một hành vi. Và cũng là sai nguyên tắc cơ bản về áp dụng luật lẫn làm cho vô hiệu các quy định về luật hình sự.

Điều thứ hai, bắt nguồn từ vấn đề tư duy và nhận thức pháp luật của Hội đồng xét xử sơ thẩm, do đánh giá và vận dụng sai luật pháp về nội dung nên việc đánh giá về chứng cứ và việc chứng minh cũng từ đó mà bị sai lạc và dẫn tới việc kết tội oan sai cho người bị buộc tội. Vấn đề ở đây đặt ra là, yếu tố lỗi của hành vi đã không được xem xét tới xét về vị trí, vai trò và tương quan của hành động giữa tất cả các bên có liên quan, mà lỗi sẽ thuộc về cơ quan nhà nước chứ không phải ông Nhất.

Ông Nhất, chỉ là một cá nhân đi xin đất để làm trụ sở dưới sự chỉ đạo của Ban Biên Tập báo Đại Đoàn Kết, và cả khi việc huỷ hợp đồng với Công ty 78 thì vẫn là Ban Biên Tập giải quyết chứ không phải ông Nhất. Việc quyết định mua bán là theo quyết định của Chủ tịch và các cơ quan chuyên môn của UBND TP Đà Nẵng.

Với các thủ tục công khai, nghiêm ngặt và ông Nhất không được quyết định bất kỳ vấn đề gì mà chỉ là chủ thể đơn nhất tham gia thụ động dưới sự hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan nhà nước. Và sau khi đã được cấp đất theo thủ tục hợp pháp thì việc báo Đại Đoàn Kết quyết định bán cho Công ty 79 là quyền của toà báo, ông Nhất không được quyết định và cũng không có sự ảnh hưởng nào tới toàn bộ trình tự.

Số tiền mua bán được thanh toán cho cơ quan nhà nước và sau đó thủ tục chuyển nhượng được công chứng và do chính các cơ quan nhà nước thực hiện, họ biết rõ chủ thể và giao dịch về nhà đất này. Vậy thì, rõ ràng và chắc chắn, ông Nhất không hề có lỗi trong việc chuyển dịch tài sản này. Như vậy, mặt chủ quan đã không đáp ứng trong việc cấu thành tội theo điều luật bị truy tố.

Và do đó ông Nhất không phạm tội và căn chiếu Điều 359 BLTTHS cần tuyên bị cáo không phạm tội và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên toà.

Đó là hai vấn đề trọng yếu tôi bảo vệ cho ông Trương Duy Nhất tại phiên toà phúc thẩm ngày 14/8/2020.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
whatsapp
line
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux