Tân Phong – Việt Tân
“Từ bỏ Tự Do của mình là từ bỏ phẩm chất Con Người, là từ bỏ Quyền làm Người và cả Nghĩa vụ làm Người” – J.J Rousseau
Những câu chuyện từ Hong Kong
Câu chuyện về cuộc đời vị tỷ phú truyền thông Hong Kong Jimmy Lai mà tên Hán tự là Lê Trí Anh có thể viết thành một thiên tiểu thuyết hùng tráng biểu trưng cho một thế hệ vàng đã góp phần xây dựng nên Hong Kong tráng lệ, năng động bậc nhất Châu Á ngày hôm qua, cũng như khát vọng Tự Do mãnh liệt của người Hong Kong.
Ông Lê Trí Anh, 70 tuổi, một người sinh ra ở vùng quê Quảng Đông nghèo khổ, theo dòng người phiêu bạt sang Hong Kong từ năm 12 tuổi để kiếm kế sinh nhai trong những xưởng may tồi tàn, cực nhọc. Không được đến trường nhưng ông ta tự học tiếng Anh và vươn lên làm chủ một xưởng may nhỏ khi mới 25 tuổi. Năm 1989, chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đàn áp sinh viên ở Bắc Kinh với cuộc thảm sát kinh hoàng ở Thiên An Môn đã làm thay đổi nhiều nhận thức ở người thanh niên họ Lê dẫn đến những quyết định bước ngoặt thay đổi cuộc đời ông. Từ đó, ông tham gia các phong trào dân chủ, viết bài bình luận chỉ trích chính quyền Trung Quốc bên cạnh hoạt động kinh doanh của mình.
Bất chấp sự đe dọa và gây khó khăn của Bắc Kinh, ông Lê Trí Anh thành lập hãng truyền thông Next Digital cho tạp chí Next vào tháng Ba, 1990 và phát hành Apple Daily vào năm 1995. Ông ủng hộ các phong trào đòi dân chủ của Hong Kong. Kể cả khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh mới áp đặt cho Hong Kong và ông trở thành một trong những mục tiêu trấn áp hàng đầu của đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Lê Trí Anh vẫn kiên quyết giữ vững mục đích đấu tranh của mình vì một lý lẽ rất giản dị “Tôi chẳng có gì khi đến đây, chính sự tự do của nơi này đã mang lại cho tôi mọi thứ. Có lẽ bây giờ là lúc tôi đền đáp, bằng cách đấu tranh đòi lại sự tự do đó.” Ông Lai bị bắt vào sáng sớm 10 tháng Tám, 2020 và đó là kết cục ông biết rõ sẽ sớm muộn xảy ra.
Người đàn ông tỷ phú này từ chối một cuộc sống an nhàn, hưởng thụ phú quí với những yến tiệc xa hoa, siêu xe, người mẫu… ở tuổi mà người ta hầu hết cho phép bản thân hưởng thụ thành quả lao động cả đời, để dấn thân vào cuộc chiến không cân sức với một bộ máy chuyên chính khổng lồ, vô nhân tàn ác.
Ký ức về Thiên An Môn, hiểu biết của ông về đảng CSTQ qua những tội ác khủng khiếp như đàn áp Pháp Luân Công, Tân Cương, diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ…c hắc chắn ông biết rõ mối đe dọa tới tính mạng tới bản thân. Nhưng điều đó không ngăn cản được ông ta. Vì điều gì?
Vì ông Lê Trí Anh yêu Tự Do, vì Tự Do đã mang lại cho ông tất cả và giờ này ông vẫn tiếp tục chiến đấu để bảo vệ nó như một nghĩa vụ thiêng liêng. Cũng như hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên, hàng triệu người dân Hong Kong đã viết lên một thiên anh hùng ca của thời đại bằng những cuộc biểu tình bất tận, mang tầm vóc sử thi trong suốt nhiều tháng chống lại chế độ độc tài chuyên chế Cộng Sản Trung Quốc cùng giới cầm quyền bù nhìn Hong Kong.
Những gì đang diễn ra ở Hong Kong hôm nay cho thế giới rõ ràng một chân lý hiển nhiên mà J.J. Rousseau đã nói “Người ta chỉ có thể giành lại Tự Do chứ không bao giờ vớt vát lại Tự Do đã mất.” Tự Do ở Hong Kong đang bị tước đoạt, bị phỉ báng, chà đạp nhưng cuộc đấu tranh của những người yêu Tự Do, bảo vệ những giá trị của Tự Do vẫn tiếp tục. Máu của hàng ngàn sinh viên, của người Hong Kong đã đổ xuống. Khúc nhạc hùng tráng mà thẫm đẫm bi thương “Vinh Quang cho Hương Cảng” vẫn ngân vang. Liệu chàng David nhỏ bé ngày hôm nay có thể lập lại chiến công hiển hách chiến thắng gã khổng lồ Goliath một lần nữa? Nhưng dù kết cục đó là gì thì người Hong Kong không chịu khuất phục áp bức, không chịu mất Tự Do vì họ hiểu rằng “Từ bỏ Tự Do của mình là từ bỏ phẩm chất Con Người, là từ bỏ Quyền làm Người và cả Nghĩa vụ làm Người.” Bảo vệ Tự Do chính là bảo vệ nhân phẩm làm Người.
Ai cũng chỉ có một sinh mạng, ai cũng trân quí người mình yêu thương gắn bó, ai cũng xót xa tiền bạc của cải bị tước đoạt và đương nhiên ai cũng sợ chết. Nhưng sự dũng cảm, đức hy sinh và đoàn kết vì nghĩa lớn để bảo vệ các giá trị Tự Do mà người Hong Kong đã thể hiện khiến cho cả thế giới phải thực sự kinh ngạc, kính phục. Họ làm cho ta liên tưởng đến đức tin của những người tử vì đạo. Âm hưởng của “Vinh Quang cho Hương Cảng,” cuộc đời của Lê Trí Anh và hàng triệu người dân Hong Kong xuống đường vì Tự Do khiến ta nhớ tới một bài thơ không rõ tên tác giả:
“Anh hùng mạt lộ
Là vì chí lớn còn dang dở
Tông đồ tử vì đạo
Là vì lời kêu gọi thần thánh
Người ôm lấy sinh mệnh hào hùng
Người ôm lấy cái chết bi tráng…”
Có một nhà văn từng nói “Thế kỷ XX là thế kỷ của cách mạng chính trị, thế kỷ XXI là thế kỷ của các phong trào xã hội.” Điều đó đã được minh chứng rõ ràng từ những “Mùa xuân Ả Rập” với một đốm lửa nhỏ được thắp bởi một người đàn ông vô danh bán trái cây trên đường phố Tunisia, Mohamed Bouazizi. Anh ta đã chọn cái chết tự thiêu đầy phẫn uất để phản đối một chính quyền bất nhẫn, vô nhân đã đẩy người dân đến đường cùng, đói nghèo, tuyệt vọng và vô kế sinh nhai.
Không ai có thể hình dung nổi, đốm lửa nhỏ Mohamed Bouazizi thắp nên, đã tạo ra một trận cháy rừng, thiêu rụi những thể chế độc tài hùng mạnh ở Trung Đông. Kết quả cuối cùng là chế độ Lybia sụp đổ, Gaddafi bị giết chết và Tổng Thống Ai Cập Mubarak phải từ chức sau 30 năm cầm quyền cai trị.
Và giờ đây là Hong Kong, hãy nhìn ngọn thủy triều của hàng triệu người Hong Kong đồng lòng như một, mạnh mẽ nhường nào. Hãy nhìn quyền lực thực sự của những kẻ không quyền lực. Đối mặt với súng đạn và bạo lực không hề sợ hãi, từ một đứa trẻ cho đến một người ở tuổi 70, họ thực sự là những anh hùng. Đó là chủng tộc xứng đáng có một vị trí đầy tự hào dưới ánh mặt trời.
Còn Việt Nam hôm nay thì sao?
Nếu ai nói với tôi về phong trào dân chủ ở Việt Nam, tôi sẽ ngậm ngùi nói với họ rằng: “Ở Việt Nam phong trào dân chủ còn quá yếu.” Tuy đã có hàng chục ngàn người tham gia các cuộc biểu tình và đã có hàng trăm người khác đang bị khống chế trong lao tù khắc nghiệt của chế độ độc tài cộng sản, nhưng so với đám đông gần 100 triệu người cúi đầu, quả thật phong trào dân chủ chưa có sức lan tỏa. Việt Nam vẫn ở trong bóng tối của Vô minh.
Được thụ hưởng các thành tựu khoa học của thế giới văn minh nhưng quốc gia này từ chối Tinh thần Khai sáng trong tư tưởng. Sau 8 thập kỷ du nhập chủ thuyết cộng sản và 45 năm cai trị bởi súng AK, người Việt Nam sống quá lâu trong một xã hội pha trộn chủ nghĩa giáo điều phong kiến và cộng sản phát xít.
Bị chi phối bởi cái dạ dày, bị bóp méo từ trong suy nghĩ, bị bịt miệng và phải nhắc lại những thứ xáo rỗng đạo đức giả quá lâu, ý thức về Tự Do của người Việt là được tự do ăn nhậu, chơi bời dục lạc, được tha hồ “chém gió” những điều vô bổ nhưng cấm kỵ chuyện “chính trị” dù đó chỉ là về giá xăng, giá điện, về bầu không khí đậm đặc những hóa chất bào mòn lá phổi của họ hàng ngày.
Sống trong một xã hội mà kẻ ăn cắp đi dạy đạo đức, “lưu manh làm chính khách và ăn cướp làm công an,” mọi giá trị đạo đức truyền thống bị đảo lộn và xóa bỏ. Sống quá lâu trong cảnh đời bần hàn, bị đánh cắp và tước đoạt một cách tinh vi từ những tấm hóa đơn tiền điện, phải đút lót từ khi đến trường đi học, tới lúc đi làm, lúc ốm đau vào bệnh viện và kể cả lúc xuống mồ…Tất cả điều đó đã đào luyện ra một “dân tộc gù.”
Nếu lùi xa hơn một trăm năm trước ở thời kỳ Pháp thuộc, những phong trào Đông Du hay Đông Kinh Nghĩa Thục với sự hưởng ứng của hàng triệu người, qui tụ sức mạnh của những tinh anh xã hội theo đuổi con đường cách tân, chấn hưng dân tộc bằng “Khai dân trí, chấn dân Khí, hậu dân sinh” của Phan Chu Trinh so với thời nay thì thực kẻ hậu bối muôn phần hổ thẹn.
Ở Việt Nam ngay cả tầng lớp gọi là “trí thức” thực sự cũng còn là môt số rất nhỏ. Nhiều người có bằng cấp cao, có tri thức rộng, được đào tạo ở nước ngoài song họ từ chối vai trò của một “trí thức” đúng nghĩa. Cuộc khủng hoảng lớn nhất của giới trí thức Việt Nam hôm nay là không có ý thức, xung động và dũng cảm để truy cầu lý tưởng, truy cầu những giá trị căn bản của con người chứ đừng nói đến “chân, thiện, mỹ.” Những nhóm người trí thức như Nhân Văn Giai Phẩm của thế kỷ trước cho đến lớp trí thức như Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Phạm Toàn, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức…ngày nay quá lạc lõng và nhỏ bé trong một xã hội mà đại đa số người dân từ chối “đứng thẳng.”
Còn ở trên thượng tầng quyền lực, những lớp lãnh đạo trưởng thành từ bần cố nông “răng hô mã tấu” đã được thay thế bởi một lớp kế tục đầu óc chỉ có thủ đoạn soán đoạt, tham lam vô bờ bến, dục lạc vô bờ bến. Tất cả chúng đều chỉ biết suy tụng quyền lực và chủ thuyết satan đã đem lại cho chúng phú quí, danh vọng tột cùng. Chúng từ chối ánh sáng của Tư tưởng, từ chối giá trị Tự Do. Trong khi thèm khát các thành tựu của các nền văn minh và mong muốn có những phát minh sáng tạo (những thứ mà chỉ có thể được thai nghén, sinh sôi và phát triển ở một môi trường xã hội có Tự do), người Cộng sản lại coi Tự Do như kẻ thù “bất đái dung thân.”
Mở mấy trang mạng Việt Nam, lướt qua những dòng tin tức chỉ thấy toàn cảnh đâm chém, chết chóc, tai nạn, mông vú showbiz ngồn ngộn và những câu chuyện rác rưởi ngập tràn. Báo chí nhà sản bị tuýt còi khi đưa những bài tin tức bình luận có giá trị, những thông tin xã hội, chính trị, văn hóa nghiêm túc cũng bị hạn chế. Suốt mấy ngày nay, ngoài tin tức về dịch bệnh, chỉ một tin đáng lưu ý là tin cơ quan cảnh sát điều tra thành Hồ trả lời kết quả điều tra cái chết của nhà giáo, Tiến Sĩ Bùi Quang Tín là do ông “tự trèo qua lan can tầng 14, ngã chết.” Nguyên nhân rất giống như cái chết của ông Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục Lê Hải An.
Ở xứ này, bất kể lúc nào người dân cũng có thể tự va đầu vào dùi cui cảnh sát hay tự trèo qua lan can ngã chết như thế. Trong một xã hội đầy rẫy những sự việc ngoài sức tưởng tượng, thách thức lương tri đã trở thành cũ rích, đến nỗi sự đồng cảm của người ta không ngừng bội chi, tim gan và xúc cảm bắt đầu xơ cứng. Chẳng mấy chốc trở thành kẻ mắt không nhìn, tai không nghe, tim không rung động trước mọi đau khổ của thế nhân, lúc đó người ta đã chết khi ngay cả thân xác còn sống. Một xã hội vô nhân tính được hình thành như vậy.
Trong một buổi chiều u ám, những cảm xúc phẫn nộ, đau đớn, bế tắc, thờ ơ, chai cứng… đặc quánh khói thuốc, ta nhớ đến đoạn mở đầu của vở nhạc kịch “Thế giới bi thảm” của Cameron Mackintosh:
“Ngày đáng thương nhìn thế giới bi thảm, đôi mắt vô vọng của người tù. Thừa nhận sự đầu hàng, cúi đầu chờ chết. Ánh mặt trời nắng gắt, nơi này là luyện ngục nhân gian. Dùng hết mọi phẫn nộ trên mảnh đất này, ngày Phán xét khi nào tới? Khi nào thì những kẻ có bộ lòng của béo tốt này mới phải nhận lấy trừng phạt? Khi nào thành lũy chiến tranh mới được xây lên?”
Liệu có cuộc Phục sinh nào xảy ra ở đất nước này, cứu rỗi một dân tộc “mắc đọa” bởi thứ chủ thuyết ma quỉ cộng sản hay không?
Tân Phong
Leave a Comment