Tỷ phú Jimmy Lai (Lê Trí Anh) năm nay 72 tuổi, là người gốc Quảng Đông (Trung Quốc), di tản đến Hong Kong năm 12 tuổi.
Ông bị truyền thông quốc doanh của Trung cộng coi là phần tử phản quốc, “bàn tay đen” giật dây các cuộc biểu tình ở Hong Kong, kẻ âm mưu cấu kết với các thế lực thù địch nước ngoài để phá hoại Trung Quốc.
Hồi tháng 6 vừa qua, phóng viên Jerome Taylor của AFP đã có bài phỏng vấn Jimmy Lai. Khi phóng viên hỏi tại sao ông không chọn cách sống im lặng và thụ hướng sự giàu sang như những tỷ phú khác ở Hong Kong, Jimmy Lai đáp:
“Tôi bị đạp vào đây (cuộc chiến đấu này), nhưng tôi cảm thấy chiến đấu là đúng… Có lẽ tôi là kẻ nổi loạn bẩm sinh, là người muốn cuộc sống của mình phải có thật nhiều ý nghĩa ngoài việc kiếm tiền”.
Jimmy Lai cũng nói trước rằng ông biết mình sớm muộn cũng sẽ bị bắt theo Luật An ninh quốc gia mới của Bắc Kinh.
Phóng viên bèn hỏi tại sao ông sẵn sàng hy sinh cả tài sản và tự do của mình để đứng lên phản đối Bắc Kinh và ủng hộ dân chủ cho Hong Kong như vậy.
Jimmy Lai đáp rằng: “Tôi đến đây với hai bàn tay trắng. Tự do của Hong Kong đã đem lại cho tôi tất cả. (Nên) Có lẽ bây giờ là lúc tôi trả ơn nền tự do ấy bằng cách chiến đấu vì nó”.
Nhà tỷ phú 72 tuổi tuyên bố ông không định rời Hong Kong mà cũng chẳng có ý định hạ “tông” các quan điểm của mình.
“Điều duy nhất chúng ta có thể làm là kiên gan bền chí, không phải là mất tinh thần, mất hy vọng. Và phải nghĩ rằng cuối cùng thì điều gì đúng sẽ tồn tại”.
* * *
Hãy nhìn ông, và nghĩ đến một số đông các nhà “tư sản dân tộc” của chúng ta:
Những người luôn sống nhờ vào mối quan hệ ấm nồng của họ với chính quyền, nhờ những cơ hội do mối quan hệ ấy đem lại (và đều trên tinh thần “cách làm giàu nhanh nhất là làm nghèo đất nước”).
Những người luôn nhìn các nhà hoạt động dân chủ như những “võ sĩ giác đấu” đánh thuê trên sân khấu chính trị, để phán xét xem đứa nào “khá”, đứa nào “chẳng ra gì”.
Những người luôn nhếch mép, xoa đầu người trẻ nào dám lên tiếng: “Dại lắm con ơi. Đấu tranh kiểu mày thì chỉ có chết” (nhưng không bao giờ họ chỉ ra được đấu tranh kiểu nào thì không “chết”).
Những người có thể vỗ vai, vỗ lưng bọn trẻ đấu tranh: “Khá lắm, cố gắng lên con” đấy, rồi lát sau lại khoe con cái họ đang du học nước ngoài, mai sau này về lãnh đạo đất nước, “phải thế mới được”.
Những người khi có khó khăn thì nhanh chân chạy ra nước ngoài, visa đầu tư, thẻ xanh, nhà cửa xe cộ yên ấm ở một xứ phương Tây nào đó rồi. Từ bên ngoài, họ lại nhìn về đất nước và thở dài, buồn cho cái phong trào đấu tranh ở Việt Nam./.
Leave a Comment