Quảng Cáo

Đang chống tham nhũng hay đang tham nhũng quyền lực?

Quảng Cáo

Đỗ Ngà|

Khi nói đến tham nhũng, người ta thường nghĩ ngay đến việc quan chức dùng quyền lực để vơ vét vật chất. Thế thì câu hỏi đặt ra là, cũng là vơ vét, nhưng người ta không vơ vét vật chất nhưng vơ vét quyền lực thì đó có gọi là tham nhũng không? Có. Người ta gọi đó là tham nhũng quyền lực. Tuy trong luật pháp không có tội danh cho “tham nhũng quyền lực” nhưng thực chất, thứ tham nhũng này nguy hiểm hơn tham nhũng vật chất rất nhiều. Tham nhũng quyền lực nó sẽ biến tham nhũng vật chất trở nên quy mô hơn, trở nên có tổ chức chặt chẽ hơn.

Như ta biết, có tham nhũng quyền lực là hiện tượng vơ vét quyền lực về cho bản thân và cho những người thân hữu. Khi vơ vét quyền lực về ban phát cho những người trong dòng họ thì nó hình thành kiểu gia đình trị địa phương. Khi vơ vét quyền lực về ban phát cho những người cùng phe cánh mà không cùng dòng họ, thì nó hình thành nên nhóm lợi ích. Dù cho đó là gia đình trị hay lợi ích nhóm, thì nó cũng là một hệ thống tham nhũng khép kín có quy mô, có tổ chức, và có chiến lược đối phó. Mà trong một hệ thống tham nhũng khép kín thì bao giờ kẻ tham nhũng cũng tham nhũng rất đậm, vì sao? Vì đã có tầng tầng lớp lớp đồng đội sẵn sàng bao che cho nhau tới cùng nên “dại ghì không ăn đậm?”.

Có thể nói, việc chống tham nhũng cá nhân thì dễ, nhưng chống tham nhũng trong nhóm lợi ích thì khó vô cùng, vì đơn giản, bẻ từng chiếc đũa thì bao giờ cũng dễ nhưng bẻ cả bó đũa thì bao giờ cũng khó. Lẽ ra muốn chống tham nhũng thì trước hết, người ta phải chống được tham nhũng quyền lực trước. Thế nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta thấy rất rõ ràng là, tệ nạn gia đình trị địa phương và hiện tượng lợi ích nhóm xuất hiện ngày một nhiều đến nỗi, báo chí nhà nước không còn ngần ngại nhắc đến từ “lợi ích nhóm” hay từ “gia đình trị” nữa. Như vậy qua đây chúng ta mới thấy, thình trạng tham nhũng quyền lực trong ĐCS ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vậy thì chống tham nhũng kiểu gì được?!

Việc để lợi ích nhóm và nạn gia đình trị xuất hiện ngày một phổ biến, thì việc chống tham nhũng bao giờ cũng chỉ là việc của “dã tràng xe cát” mà thôi. Hiện nay, chính người hô hào “chống tham nhũng” mạnh nhất cũng là kẻ tham nhũng quyền lực bạo nhất trong ĐCS. Với một mình ngồi vào ghế Tổng Bí thư chưa thỏa, ông ta còn thuốc luôn cả đồng chí chiếm luôn ghế chủ tịch nước.

Khi một kẻ nào đó dám ném bạc tỷ qua cửa sổ nhưng mồm thì hô hào tiết kiệm một vài đồng bạc lẻ thì bạn nghĩ sao về lời hô hào “tiết kiệm” đó? Rõ ràng câu hô hào đó chỉ là chiêu bài, hắn ta không thực lòng “tiết kiệm”. Tương tự vậy, ông Trọng mồm cứ hô hào chống tham nhũng, nhưng ông ta lại là tấm gương lớn về tham nhũng quyền lực cho nhóm lợi ích noi theo thì việc hô hào chống tham nhũng kia chắc chắn chỉ là chiêu bài. Ẩn chứa trong chiêu bài đó là thủ đoạn thanh trừng để vơ vét quyền lực về cho nhóm. Tất nhiên, những kẻ bị tố tham nhũng là mang tội thật vì đã là quan chức CS ai không tham nhũng?!

Tham nhũng quyền lực bằng thủ đoạn trong bóng tối như thuốc chết đồng chí thì bao giờ cũng làm người ta dễ dàng nhận ra đó là tham nhũng quyền lực. Thế nhưng nếu thủ đoạn được luật hóa thì không dễ dàng gì người ta nhận ra thủ đoạn thâm sâu của kẻ đứng đầu đảng, tuy rằng nó đang ở ngoài ánh sáng. Nghe tưởng chừng như phi lý, nhưng sự thật nó là vậy.

Luân chuyển cán bộ là một chính sách của ĐCS, họ đã luật hóa nó hẳn hoi. Bề ngoài thì nó mang mác rất kêu. Họ nói, đó là “phương pháp để bồi dưỡng, đào tạo và thử thách những cán bộ” được cơ cấu. Thế nhưng đằng sau nó không phải vậy. Đằng sau, nó là công cụ để các nhóm lợi ích mạnh triệt hạ nhóm lợi ích yếu để thâu tóm quyền lực. Khi nhìn thấy một chiếc ghế ngon, thì nhóm mạnh sẽ “luân chuyển” đối thủ đi nơi khác và “luân chuyển” người của mình vào ghế béo bở đó. Thế là tóm gọn quyền lực vào nhóm mình.

Tất Thành Cang bị truất phế, đó là đòn tham nhũng quyền lực của kẻ trên cao chứ không phải chống tham nhũng. Bởi đơn giản, người ta chỉ cần ghế phó bí thư thành ủy của Cang chứ không thực lòng chống tham nhũng. Vì nếu thực lòng chống tham nhũng thì CS đã truy tố Tất Thành Cang từ năm ngoái chứ không phải kéo dài đến bây giờ để lợi dụng quy định “hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng” tạo đường thoát cho Cang đâu. Khi Tất Thành Cang rời ghế, người ta “luân chuyển” Trần Lưu Quang về chiếm giữ ghế của Cang thì lúc đó cuộc chơi xem như hạ màn. Cũng tương tự như vậy là trường hợp của Hoàng Trung Hải, người ta muốn cái ghế của Hải chứ không thực tâm chống tham nhũng. Vì nếu chống tham nhũng thật thì Hải hoàn toàn đủ dấu hiệu để bị khởi tố.

Hôm 11.8.2020 báo chí đồng loạt đưa tin chính quyền CS đã đình chỉ công tác Nguyễn Đức Chung. Gần đến đại hội 13, ghế Nguyễn Đức Chung là bước đệm rất tốt để vài tháng nữa nhảy vào Bộ Chính trị. Và bên trên đã phải kéo Chung ra khỏi ghế cho bằng được để giao cho kẻ khác. Thực tế, kéo chung ra khỏi ghế thì cuộc chơi sẽ hạ màn, thực tế truy tố Chung không phải là mục đích chính. Việc truy tố Chung hả? Khả năng rất thấp./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://vnexpress.net/ong-nguyen-duc-chung-bi-dinh-chi-cong-tac-4144578.html

https://dantri.com.vn/xa-hoi/sai-pham-vu-thu-thiem-het-thoi-hieu-ong-tat-thanh-cang-chi-bi-phe-binh-20200807181318916.html

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux