Vậy là chỉ sau 15 ngày, Nguyễn Nhân Chinh đã phải rời khỏi chiếc ghế Bí thư thành ủy Bắc Ninh do chính bố mình – Bí thử tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến – sắp xếp.
Mặc dù quyết định này đến sau khi có ý kiến của Trung ương nhưng có phải do ái ngại đảng cương (kỷ luật đảng) mà những kẻ quan quyền này chấp nhận rút lui không? Có vẻ là không, vì nếu e ngại thì họ đã không dám trắng trợn xếp ghế cho con cháu như vậy ngay từ đầu.
Họ rút lui vì nỗi sợ quốc sỉ – trở thành đối tượng cho toàn dân xỉ vả. Trước là trên mạng xã hội, sau là trên báo chí.
Tuy nhiên dù Chinh có tại vị như kế hoạch ban đầu hay phải ra đi như những gì đang xảy ra thì nỗi thất vọng của công chúng đối với công cuộc chống tham nhũng 4 năm qua vẫn y nguyên.
Sát vách thủ đô, khi ‘người đốt lò vĩ đại’ còn ngồi đó, mà quan tỉnh vẫn điềm nhiên sắp ghế cho con, thì thử hỏi mai kia nếu chủ lò về hưu, mọi chuyện sẽ thế nào?
Không khó để có câu trả lời.
Bốn năm qua kể từ Đại hội XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề xướng một chương trình chỉnh đảng gồm ba thành tố: nêu gương, xử lý kỷ luật đảng, tiêu chuẩn hóa công tác cán bộ.
Ít người, nhất là trong nội bộ đảng, phủ nhận tấm gương trong sạch của ông Trọng, song thử hỏi mấy ai làm theo? Ông Trọng hẳn cũng không ngây thơ đến mức nghĩ rằng nhiều cán bộ tham lam vô độ trước đó sau khi thấy hình ảnh giản dị của ông cũng sẽ học theo để trở nên giản dị.
Xử lý kỷ luật đảng có lẽ là phần sáng nhất trong đơn thuốc mà ông Trọng kê ra bởi lẽ chưa có giai đoạn nào mà nhiều cán bộ cấp cao bị trừng phạt như vậy. Nhưng xử nặng cán bộ này có khiến cán bộ kia e sợ không? Hay hành vi tham nhũng của số cán bộ còn lại sẽ trở nên tinh vi hơn? Ngay trong mùa dịch nước sôi lửa bỏng mà ở nhiều địa phương, cán bộ có trách nhiệm vẫn tìm cách nâng khống giá thiết bị thì thử hỏi cán bộ có thực sự sợ kỷ luật đảng?
Phần cuối cùng trong đơn thuốc là tiêu chuẩn hóa công tác cán bộ. Vô số các tiêu chí và quy trình được đặt ra, song ai cũng biết là tiêu chí và quy trình do cán bộ đặt ra thì cán bộ cũng có thể lách được. Bằng chứng là chuyện bí thư bố bổ nhiệm bí thư con ở trên, ngay cả khi vỡ lở ra thì cán bộ có trách nhiệm ở Bắc Ninh vẫn bao biện bằng cách quen thuộc: đủ tiêu chuẩn, đúng quy trình.
Tóm lại, không phải khi nào bắt được bệnh cũng kê được đúng thuốc. Đảng cần cán bộ tài đức để chỉnh đốn những hư hỏng nhưng nêu gương, xử lý kỷ luật và tiêu chuẩn hóa công tác cán bộ không đem đến cho đảng cán bộ tài đức.
Không một tiêu chuẩn hay quy trình nào có thể làm được điều này.
Chỉ khi được thử thách trong những cuộc bầu cử tự do công bằng, trui rèn trong cạnh tranh với ứng viên khác để giành lấy sự tín nhiệm của nhân dân, cán bộ tài đức của một đảng mới xuất hiện.
Bởi vậy đơn thuốc đúng ở đây là cải cách chính trị để giao lại quyền lựa chọn cho người dân thông qua một cuộc bầu cử tự do công bằng. Chính người dân sẽ cho đảng biết ai là cán bộ tài đức bằng lá phiếu của họ./.
Leave a Comment