Tân Phong – Việt Tân
Hôm 6 tháng Tám vừa qua, báo chí trong nước đăng tải hai thông tin đáng chú ý về Trung Tâm CDC Đà Nẵng và Viện Pasteur Nha Trang. Theo đó, Viện Pasteur Nha Trang ngày 5 tháng Tám, đã gửi thông báo tới 11 sở y tế các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và trung tâm kiểm soát bệnh tật 11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên về việc tạm hoãn nhận mẫu COVID-19 do hết nguồn sinh phẩm, hóa chất, vật tư để làm các xét nghiệm. Lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang khuyến cáo các trung tâm CDC (Center for Disease Control – trung tâm kiểm soát bệnh tật) tại các tỉnh thành cố gắng chủ động việc xét nghiệm tại chỗ. Trong trường hợp bắt buộc gửi mẫu tới Viện Pasteur Nha Trang thì các trung tâm phải gửi kèm theo sinh phẩm, kit tách chiết, vật tư tương đương với số lượng mẫu gửi về.
Viện Pasteur Nha Trang là một trong những trung tâm xét nghiệm y sinh được đánh giá là có năng lực xét nghiệm tốt nhất, cùng với Viện Pasteur Đà Lạt trong hệ thống kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đây cũng là một viện nghiên cứu y sinh rất quan trọng của Việt Nam, có truyền thống lâu đời, do nhà khoa học người Pháp lừng danh Alexandre Yersin đặt nền móng xây dựng vào năm 1895.
Việt Nam hiện có 22 bệnh viện, viện nghiên cứu và 6 trung tâm CDC được quyền khẳng định kết quả xét nghiệm COVID-19. Việc đợt dịch lần thứ 2 mới bùng phát trở lại mà Viện Pasteur Nha Trang đã không có đủ vật tư xét nghiệm, khiến cho người ta đặt câu hỏi về năng lực, cũng như công tác hậu cần cho hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam.
Trước đó, Việt Nam tuyên bố có khả năng tự sản xuất và xuất khẩu hàng chục vạn kit thử RC-PCR dùng cho xét nghiệm COVID-19. Với tình trạng thiếu hụt kit thử như ở Viện Pasteur Nha Trang, không rõ Bộ Y Tế sẽ lý giải ra sao?
Ngay cả thủ đô Hà Nội cũng cho biết không đủ kít xét nghiệm nhanh COVID-19. Loại kit thử nhanh này là loại nhập khẩu từ Hàn Quốc với độ chính xác khoảng 85% và thời gian cho kết quả khoảng 15 phút. Đây là loại kit thử nhanh tại hiện trường, phòng xét nghiệm lưu động, trung tâm y tế và bệnh viện cơ sở phục vụ cho việc phát hiện sớm rủi ro và khoanh vùng mầm bệnh.
Những kết quả dương tính với kit thử nhanh sẽ tiếp tục được xét nghiệm bằng realtime RT-PCR (reverse transcription–polymerase chain reaction, là một kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử có độ tin cậy cao) tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn và được quyền khẳng định kết quả xét nghiệm COVID-19 như đã nói ở trên.
Như vậy, Việt Nam đang thiếu hụt cả kit thử nhanh cũng như cả kit xét nghiệm RT-PCR ngay khi đợt dịch thứ 2 mới chớm phát. Điều này sẽ khiến cho công tác sàng lọc, khoanh vùng nhanh mầm bệnh trong cộng đồng, cũng như khả năng xét nghiệm chính xác hết sức hạn chế. Cũng giống như một đội quân cầm súng ra trận nhưng chưa đánh đã hết đạn.
Trong bài viết gần đây, người viết đã cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm chéo ở hệ thống bệnh viện của Việt Nam, cũng như lo ngại khả năng đối phó với một lượng lớn người nhiễm bệnh có biến chứng nặng. Theo những hình ảnh mới đây được đăng tải trên báo chí Việt Nam về trung tâm CDC tại Đà Nẵng, người viết phải cảnh báo thêm nguy cơ lây nhiễm ở ngay trong hệ thống các phòng xét nghiệm CDC bởi điều kiện bảo hộ an toàn lao động, cũng như hạ tầng phòng thí nghiệm và thói quen của kiểm nghiệm viên có nhiều điều đáng lo ngại, có thể tạo ra nhiều rủi ro lây nhiễm.
Trước hết, phải nhấn mạnh khả năng lây nhiễm của virus COVID-19 là ở mức siêu lây nhiễm. Phòng thí nghiệm xét nghiệm loại virus này phải là phòng thí nghiệm có độ an toàn cao nhất. Tuy nhiên, nhìn vào hình ảnh cơ sở làm việc của Trung Tâm CDC Đà Nẵng rất đáng ái ngại về hạ tầng cũng như độ an toàn môi trường làm việc tại đây.
Với một diện tích rất chật hẹp và cũ kỹ, các khu vực không có sự ngăn cách cần thiết. Không rõ việc bố trí các khu vực thao tác xét nghiệm có đảm bảo theo qui chuẩn hay không? Mặc dù Bộ Y Tế Việt Nam nói rằng các phòng xét nghiệm đều đạt ISO 15189:2007 hoặc TCVN 7782:2008, nhưng với hình ảnh bên dưới đây thì khó có thể tin rằng đây là phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn xét nghiệm y khoa. Chưa nói đến yêu cầu cần thiết cho xét nghiệm COVID-19 phải có độ an toàn cao hơn.
Hình ảnh ở trên (hình 1) cho thấy các khu vực trong phòng xét nghiệm để thông với nhau, không có sự ngăn cách cần thiết và phòng xét nghiệm quá chật chội, số lượng kỹ thuật viên đông nên phải ngồi san sát nhau để làm việc.
Bảo hộ lao động trong môi trường làm việc này cực kỳ quan trọng và phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Trong một môi trường làm việc rất chật hẹp, đông đúc như phòng thí nghiệm ở trên, có thể nhận thấy các kỹ thuật viên xử lý mẫu bệnh phẩm, chiết mẫu ở tình trạng thiếu an toàn. Như ví dụ việc kỹ thuật viên chỉ sử dụng khẩu trang y tế thường thao tác với mẫu bệnh phẩm như hình ảnh này (hình 2).
Được biết là Trung Tâm CDC Đà Nẵng hiện đang có 60 kỹ thuật viên trong đó có 30 người từ nơi khác tới hỗ trợ. Với khoảng 6.000 mẫu phải xử lý mỗi ngày, các kỹ thuật viên ở đây phải làm việc 24 giờ liên tục nhiều ngày qua. Khối lượng công việc quá tải và với cơ sở vật chất như thế này thì sai sót và rủi ro là rất khó tránh.
Rác thải của phòng thí nghiệm này là rất nguy hại và nguy cơ lây nhiễm cao nhất nên việc xử lý rác thải cần tuyệt đối an toàn. Nhưng có thể thấy nguồn rác thải của quá trình xét nghiệm đã không được chú ý ngay trong phòng thí nghiệm CDC này.
Hình ảnh phía trên (hình 3) cho thấy rất nhiều đầu côn pipet một lần đã hút dịch chiết mẫu xong được kỹ thuật viên bỏ vào một túi nilong hở miệng ngay trước mặt, trên bàn thao tác với nhiều tờ phiếu kiểm nghiệm. Một hình ảnh khác cho thấy rác thải xét nghiệm được các kỹ thuật viên bỏ vào một túi nylong thường treo ngay dưới chỗ làm việc. Tất cả những thói quen này của kỹ thuật viên sẽ tạo ra những rủi ro lây nhiễm.
Ngoài ra, có rất nhiều những vật dụng trung gian có khả năng lây nhiễm nguồn bệnh từ chính phòng xét nghiệm này ví dụ như các tờ phiếu xét nghiệm của kỹ thuật viên như dưới đây (hình 4).
Người viết hy vọng rằng các trung tâm CDC và phòng thí nghiệm khác có điều kiện làm việc tốt hơn Trung Tâm CDC Đà Nẵng. Và xin lưu ý về rủi ro lây nhiễm rất lớn đối với các kỹ thuật viên xét nghiệm COVID-19. Mong rằng các anh chị y bác sĩ và kỹ thuật viên y sinh làm việc trên tuyến đầu hết sức lưu tâm vấn đề an toàn lao động và cố gắng hạn chế tối đa những thói quen có thể gây rủi ro cho bản thân và đồng đội.
Tân Phong
Leave a Comment