Trong một chiếc xe, đã có động cơ thì phải có phanh. Cỗ xe ngựa cũng vậy, đã có roi thì phải có dây cương. Tương tự như vậy, bộ máy nhà nước cũng cần phải có 2 bộ phận như vậy. Có đảng cầm quyền đưa đất nước di chuyển thì phải có đảng đối lập để có thể hãm lại những chính sách sai lầm của đảng cầm quyền chứ? Đó là điều kiện cần thiết để đất nước tránh đi những sai lầm lớn.
Mô hình độc đảng của CS nó đã biến cỗ máy nhà nước Việt Nam như một cỗ xe không phanh. Khi một chính sách sai lầm được đưa ra, thì từ tổng bí thư này đến tổng bí thư khác nối tiếp trượt dài trên cùng một sai lầm đó mà không có một hệ thống đối trọng nào có thể dừng nó lại được. Chỉ khi nào va vào chướng ngại vật làm xe lật nhào hoặc hết sạch năng lượng thì may ra xe mới có thể dừng lại mà thôi. Và lúc đó, thiệt hại cho đất nước sẽ rất lớn.
Như ta thấy, kinh tế tập trung đã được ĐCS áp dụng ở miền Bắc từ thời đất nước chưa thống nhất, sau năm 1975 họ lại vẫn mô hình kinh tế bần cùng hóa xã hội này cho cả nước. Và kết quả thì sao? Miền nam từ chỗ phồn vinh trước năm 1975 sau đó đều trở nên nghèo đói như miền Bắc. Cho đến khi ngân khố trống rỗng, dân có nguy cơ chết đói thì cỗ máy ấy mới dừng lại vì lý do… hết xăng. Thực tế chúng ta thấy, cỗ máy ấy đã đưa đất nước đến tột cùng của sự đói nghèo, rồi họ mới “đổi mới”. Vậy qua đây chúng ta thấy, cỗ máy chính quyền CS đã lao đi trong một thời gian dài trên cung đường sai lầm mà không ai có thể phanh nó lại sớm hơn để hạn chế thiệt hại. Đó là cái nguy hiểm khôn lường của mô hình nhà nước độc đảng mà ĐCS đang cố bảo vệ nó.
Việc tranh chấp lãnh hải, tranh chấp đất liền với Trung Cộng đã xảy ra lừ những năm 60 của thế kỷ trước chứ không phải mới bây giờ. Và đến nay đã 75 năm cai trị, thời gian đủ dài để chúng ta đúc kết lại một kết luận, đó là ĐCS Việt không bao giờ kiện người “anh em” cùng ý thức hệ của nó lên tòa án quốc tế. Về chủ quyền biển đảo, giữa Việt Nam và Trung Hoa lâu nay đã được phân định theo Công Ước Pháp -Thanh. Giấy tờ hợp pháp thế, nhưng khi bị lấn chiếm thì CS Việt Nam không bao giờ kiện mà họ luôn giữ nguyên tắc nhường để mua sự yên ổn. Đây là chủ trương nguy hiểm nhưng nay đã 75 năm không ai ngăn cản nó được và cứ thế này, Việt Nam sẽ mất nhiều hơn nữa về tay Trung Cộng chứ không dừng lại ở những mất mát như hiện nay.
Bạn và ông hàng xóm to xác đều sở hữu mảnh đất có chủ quyền từ cha ông để lại. Ranh giới mỗi mảnh đất được ghi chép đầy đủ trên sổ đỏ của mỗi người. Thế nhưng vì lòng tham, ông hàng xóm to xác ấy lại phá bỏ hàng rào cũ và dời nó sang phần đất của bạn với mục đích lấn chiếm. Đứng trước hành động như vậy là bạn kiện hay chấp nhận xé bỏ sổ đỏ cũ làm lại sổ đổ mới thừa nhận ranh giới mà ông hàng xóm đã xâm lấn?
Để trả lời câu hỏi này, một đứa trẻ cũng trả lời được là bạn phải hành động như thế nào mới đúng. Thế nhưng thực tế thì ĐCS Việt Nam không hành động đúng đắn mà là trượt dài sai lầm đó từ đời tổng bí thư này đến đời tổng bí thư khác. Rõ ràng chúng ta thấy, Công Ước Pháp – Thanh chính là cuốn sổ đỏ mà cha ông ta đã để lại. Và ĐCS Việt Nam đã không cầm cuốn sổ đỏ đi kiện mà chấp nhận xé cuốn sổ đỏ cũ và làm lại cuốn sổ đỏ mới cớ tên “Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền” để thừa nhận phần đất bị chiếm là của Tàu Cộng. Đây là một chủ trương vô cùng nguy hiểm. Và chắc chắn, với lối làm việc này, thì sau này, Tàu Cộng sẽ lại đòi Việt Cộng xé bỏ cuốn sổ đỏ “Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền” đã ký năm 1999 và làm lại cuốn sổ đỏ mới tiếp.
Sau Hội Nghị Thành Đô năm 1990, thì năm 1991, Đỗ Mười lên làm tổng bí thư, ông ta cho bắt đầu tiến trình xé bỏ sổ đỏ cũ “Công ước Pháp -Thanh” bằng vòng đàm phán song phương diễn ra vào tháng 10 năm 1992. Và như ta biết đến năm 1999, thời ông Lê Khả Phiêu thì hai bên đồng ý xé bỏ hoàn toàn cuốn sổ đỏ cũ và lập nên cuốn sổ đỏ mới ““Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền”. Tiếp tục sau đó là năm 2000, cũng Lê Khả Phiêu cho ký “Hiệp Định Vịnh Bắc Bộ”, và như thế là Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu đã đồng lòng xé bỏ hoàn toàn sổ đỏ cũ thành công.
Như vậy qua đây chúng ta thấy rất rõ là những quyết định manh tính thiệt thòi cho chủ quyền quốc gia nhưng nó thực hiện xuyên suốt qua nhiều đời tổng bí thư. Mà bộ máy nhà nước thì độc đảng, ai có thể làm hệ thống phanh để phanh lại những sai lầm mà ĐCS đang trượt? Không có. Thực tế, đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đang bị tống lên một cỗ xe mà chỉ có động cơ không hề có hệ thống phanh. Rất nguy hiểm. Vậy nên, nếu không xóa bỏ độc tài đảng trị thì đất nước này không sớm thì muộn cũng đâm đầu xuống hố hoặc ủi đầu vào núi mà thôi. Chắc chắn, không sớm thì muộn./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
Chương XX: Lê Khả Phiêu và ba ông cố vấn
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i_ngh%E1%BB%8B_Th%C3%A0nh_%C4%90%C3%B4
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2011/01/110122_bacbo_agreement_10years_on
Leave a Comment