Quảng Cáo

“Hiểm nguy đối với tù nhân chính trị”

Quảng Cáo

Quang Nguyên – VNTB

Ngày 7 tháng 8 hội luận trong chiến dịch Vận Động Cho VN do BPSOS tổ chức tại Thủ Đô Hoa Kỳ bước sang ngày thứ 2 với 2 buổi hội đàm, thuyết trình sáng, chiều về tự do báo chí, truyền thông, internet, và Tù Nhân Lương Tâm có tham dự của nhiều giới chức trong chính phủ Mỹ, các nhà ngoại giao, các nghị sĩ và nhà báo.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, trong đó có trường hợp của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam với các hội viên như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Tuấn bị bắt giữ.

Trả lời câu hỏi về Hội NBĐLVN, Ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc VETO, cho biết VN bắt ông Phạm Chí Dũng liên quan đến những bài viết của ông về hiệp định tư do thương mại giữa VN và EU. Ông nghĩ rằng sau ngày1/8 hiệp định này có hiệu lực, Liên Hiệp Âu Châu sẽ có nhiều dữ kiện thêm vào để can thiệp cho ông Dũng, và điều đó có liên quan đến hai ông Thụy, Tuấn.

——————————–

Hiểm nguy đối với tù nhân chính trị

Nhà tù ở Việt Nam là một mối đe dọa thường trực đối với tất cả tù nhân. Riêng đối với

những tù nhân chính trị – những người mà theo định nghĩa quốc tế là người bị chính quyền giam giữ vì động cơ chính trị chứ không phải theo luật pháp – thì hiểm nguy còn gia tăng hơn nữa bởi vì họ bị xem là kẻ thù của chính quyền. Khi bị xem là kẻ thù thì tù nhân chính trị sẽ phải đương đầu với cả một guồng máy đàn áp nhà nước dưới sự chỉ đạo của cơ quan an ninh, bao gồm công an địa phương, công an trại giam, viện kiểm sát và tòa án. Tất cả mọi cách đối phó với người tù chính trị đều phải được cơ quan an ninh cho phép thì mới được làm. Tình trạng độc tôn và thường là vô pháp này của cơ quan an ninh đã xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm và nhân quyền của tù nhân chính trị. Trong khuôn khổ của bài tham luận hôm nay tôi xin đề cập đến 3 vấn đề chính và sau đó nêu ra một số đề nghị thay đổi.

Việc kết án những tù nhân chính trị

Chúng ta có thể dùng việc xử án những người bất đồng chính kiến làm thước đo cho việc tôn trọng nhân quyền ở tại một quốc gia. Việc xét xử công bằng và mức án tương xứng đối với những người bị chính quyền xem là đe dọa đến quyền lực của họ sẽ nói lên rằng chính quyền có tôn trọng luật pháp của mình và các cam kết về nhân quyền đối với quốc tế hay không. Tại Việt Nam, tòa án đã không đáp ứng được sự chờ đợi đối với cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ công lý và khiến cho bất cứ phán quyết nào đối với các tù nhân chính trị cũng bị xem là bất công. Khi xem cáo trạng đối với những người bảo vệ nhân quyền, chúng tôi không biết hành vi thực sự nào của họ bị xem là có tội theo luật Việt Nam và luật quốc tế. Nếu có một hành vi bị xem là phạm pháp từ nhiều năm trước thì tại sao lúc đó họ không bị bắt ngay?

Nếu hành vi gần nhất bị xem là phạm pháp thì tại sao tòa án lại không tạo cho họ cơ hội công bằng để phản bác lời cáo buộc? Việc gom những cái gọi là tội đã gây nghi ngờ rằng việc bắt giam là một sự trả thù. Việc tạm giam quá thời hạn luật pháp qui định, việc ngăn cấm tiếp xúc với thân nhân và luật sư trong giai đoạn tiền xét xử, việc đưa ra ngày xử án ngắn hạn, việc tra tấn, việc ép cung hay mớm cung, việc cản trở luật sư tiếp cận hồ sơ và tù nhân, việc hù dọa và ngăn cản nhân chứng tham gia phiên xử, việc không cho tranh luận thấu đáo về chứng cứ phạm tội tại tòa, v.v… đã chỉ làm gia tăng cảm tưởng rằng an ninh ứng xử tùy tiện, kết quả của phiên xử đã được định sẵn và phiên xử không nhằm chứng minh sự thật mà chỉ có tính cách hình thức. Việc ngăn cản người tham dự phiên xử và các quan sát viên quốc tế cũng như cách chính quyền trả lời sai lệch với cơ quan quốc tế đã tăng thêm hoài nghi về tính chính đáng của phiên xử.

Tôi đơn cử trường hợp của luật gia Nguyễn Bắc Truyển. Ông bị kết án 11 năm tù và 3 năm quản chế vào năm 2018 vì bị cho là tham gia Hội Anh em Dân chủ (HAEDC). Tòa án đã không chứng minh được HAEDC đã có hoạt động nào để “lật đổ chính quyền nhân dân“ như lời cáo buộc ngoại trừ lời của các giám định viên không dám ra tranh luận tại tòa. Việc đưa ông Truyển ra trừng phạt khi ông chỉ tham gia vài cuộc thảo luận trong buổi ban sơ của HAEDC vào năm 2013-2014 và sau đó không có hoạt động cụ thể nào khác đã cho thấy cách xử lý chọn lọc của an ninh Việt Nam. Lý do sâu xa hơn và rõ ràng hơn đã không được đưa ra, đó là việc ông có các hoạt động tích cực giúp cho nhiều tôn giáo bảo vệ quyền tự do tôn giáo trong những tháng năm trước ngày bị bắt. Chính quyền đã không đưa ra lý do tôn giáo vì biết rằng tự do tôn giáo là vấn đề nhạy cảm với quốc tế. Và HAEDC đã chỉ được dùng như là một cái cớ để ngăn chặn công việc giúp đỡ cho tôn giáo của ông Truyển.

Cách đối xử của trại giam đối với tù nhân chính trị

Tất cả những tù nhân chính trị đều bị giam xa nhà mặc dù Bộ công an có những trại giam gần gia đình của họ hơn. Người ở Bắc thì bị chuyển vào Nam, người trong Nam thì bị chuyển raBắc. Mục đích là cắt đứt liên lạc xã hội của tù nhân. Nói chung, dù chính quyền phủ nhận việc có tù nhân chính trị nhưng trên thực tế những người tù chính trị vẫn bị giam giữ riêng và bị gọi là tù chính trị. Ở đây cụm từ “tù chính trị“được chính quyền dùng ở đây có nghĩa khác với “tù nhân chính trị“ được định nghĩa ở trên và được hiểu như là người phạm tội chính trị, nghĩa là tôi chống lại đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền.

Đối với an ninh Việt Nam, việc ngăn chặn thông tin đối với tù nhân được xem là quan tâm hàng đầu, dù là tin ra hay tin vào. Thông tin thu thập được trong cuộc thăm gặp, thư viết hay điện đàm về nhà đều được an ninh sử dụng để chống lại tù nhân hay kích động tù nhân khác chống lại một tù đang bị an ninh xem là nguy hiểm. Thông tin của người tù cho thân nhân về việc họ bị đánh đập hay đối xử vô nhân đạo đều bị kiểm duyệt. Tù nhân không có khả năng để tự bảo vệ vì làm đơn khiếu nại thì không được trả lời hay bị xem là có hạnh kiểm xấu và thân nhân không thể bảo vệ họ khi không có tin tức.

Tôi đơn cử trường hợp của tu sĩ PGHH Bùi Văn Thâm. Ông Thâm bị tù vì đã cản trở các nhân viên công an ngăn cản trái pháp luật những tín đồ PGHH đến tham dự lễ giỗ ở đạo tràng của ông vào năm 2017. Tòa cho rằng ông đánh công an dù người công an đó khai không bị ông Thâm đánh. Do đó ông Thâm không chấp nhận một bản án mà tòa không chứng minh được tội của ông. Năm 2018 ông Thâm bị tra tấn và biệt giam cùm chân 10 ngày vì không chấp nhận cưỡng bức lao động ở Trại giam Thạnh Hòa. Hiện nay ông Thâm bị giam ở Trại giam Xuyên Mộc. Từ tháng 10/2019 đến nay ông từ chối không mặc đồ tù, không nhận cơm trại cung cấp cho „phạm nhân“ vì ông không xem mình là người phạm tội.

Do đó trại giam Xuyên Mộc đã không cho gia đình ông thăm gặp và cung cấp lương thực khi gặp mặt. Trong thời gian đại dịch COVID-19 có tháng ông không được viết thư, gọi điện thoại về nhà hay nhận thực phẩm tiếp tế hay tiền gửi qua đường bưu điện. Thử hỏi một người ăn chay trường như ông còn có sức để chịu được vào lâu nữa. Ròng rã trong hơn một năm rưỡi qua, gia đình ông đã làm đơn tố cáo việc tra tấn ở Trại giam Thạnh Hòa và gửi hết các cơ quan giám sát trại giam, từ Cục quản lý trại giam, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An và Bộ Công An nhưng bị các cơ quan này đùn đẩy tới lui vô trách nhiệm. Vụ này sẽ minh chứng rằng chính quyền đã dung dưỡng việc tra tấn dù Việt Nam đã tham gia Công ước Chống Tra tấn và sắp phê chuẩn Công ước số 105 về Cấm lao động Cưỡng bức của ILO.

Cách đối xử đối với gia đình tù nhân chính trị

Trong việc bảo vệ cho các tù nhân chính trị thì người thân của họ là khâu yếu thế nhất. Thường họ là đàn bà, là vợ, mẹ, chị hay em và thường không có kinh nghiệm trong việc đối phó với những đàn áp trong khi an ninh thì lại muốn dùng họ để lung lạc tinh thần của người tù. Trong thời gian ở tù thì số phận người tù đã an bài nhưng người thân của họ sẽ bước chân vào một cuộc phiêu lưu đầy gian khổ. Họ phải đứng mũi chịu sào khi không được chuẩn bị để nhận vai trò này. Họ muốn làm tối đa để bảo vệ người tù trong khi năng lực thì có hạn.

Làm sao để có tiền thăm nuôi hàng tháng, để chống lại những sách nhiễu và hăm dọa, để bảo vệ cho gia đình và để vận động cho người thân sớm được tự do là những mối lo có thể trở thành tâm bệnh. Không chỉ có thế, họ chịu những áp lực rất lớn của những người mang tiếng ủng hộ cho người tù, nhiều khi ít thông cảm và muốn biến người tù thành biểu tượng tranh đấu.

Ở đây tôi tránh không đơn cử bất cứ trường hợp nào vì tôi thấy tất cả những người thân của tù nhân chính trị đều là tấm gương của nghị lực, sự khiêm nhường và chịu đựng phi thường.

Tôi chỉ mong những người có lòng cần vô ngã để thông cảm nhiều hơn với phản ứng „khó hiểu“ của thân nhân và giúp họ vô điều kiện.

Vài đề nghị

Mục sư Martin Luther King đã nói: “Sự bất công xảy ra ở một nơi sẽ là sự đe dọa cho công lý ở mọi nơi“. Đây chính là lý do tại sao mà mọi người phải có bổn phận bảo vệ công lý, nhân quyền cho người Người Bảo vệ Nhân quyền (NBVNQ) vì họ là người giúp chúng ta giúp cho nhiều người khác, ngay cả trong thời gian bị tù. Tôi xin có một số đề nghị để nghe ý kiến và thảo luận:

  1. Vận động loại bỏ và cải thiện những điều luật và cơ chế vi phạm nhân quyền đối với NBVNQ
  2. Bảo trợ cho NBVNQ bị cầm tù và thân nhân một cách vô điều kiện
  3. Thông báo với quốc tế những thông tin cập nhật về trường hợp nhận bảo trợ.

(Vũ Quốc Dụng, veto! Human Rights Defenders‘ Network)

Panel on Prisoners of Conscience

BPSOS – Vietnam Advocacy Day, August 7, 2020

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux