Tội của Lê Khả Phiêu

Ông Lê Khả Phiêu, cựu Tổng Bí Thư đảng CSVN từ tháng 12/1997 - 4/2001. Ảnh: chụp từ báo Tuổi Trẻ
- Quảng Cáo -

Trung Điền – Việt Tân

Báo chí đồng loạt loan tin ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam (1997-2001) vừa qua đời vào lúc 2 giờ 52 phút sáng ngày 7 tháng Tám, 2020 sau nhiều năm bị bệnh nặng.

Lãnh đạo tốt của một quốc gia để lại di sản cho đất nước, nhưng lãnh đạo xấu thì để lại di hại muôn đời. Vậy ngoài tội làm lãnh đạo của một thể chế độc tài đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, ông Phiêu còn có những “thành tích” bán nước nào đáng lưu ý? Hãy cùng xét lại cuộc đời chính trị của ông.

Ông Lê Khả Phiêu sinh năm 1931 tại Thanh Hóa, xuất thân là một quân nhân với cấp bậc sau cùng là thượng tướng, chủ nhiệm tổng cục chính trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Tại đại hội đảng CSVN lần thứ VII vào tháng Sáu, 1991 ông Lê Khả Phiêu được bầu vào ban chấp hành trung ương, tức là đến 60 tuổi mới vào được trung ương, cho thấy là sự nghiệp chính trị của ông Phiêu tiến khá chậm. Tại đại hội này, ông Đỗ Mười được bầu làm tổng bí thư, Lê Đức Anh làm chủ tịch nước, Võ Văn Kiệt làm thủ tướng, Nông Đức Mạnh làm chủ tịch quốc hội. Đến tháng Mười Hai, 1993 trong hội nghị trung ương 6, ông Lê Khả Phiêu (chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội) được bầu bổ xung vào Bộ Chính Trị.

Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự xung đột gay gắt trong thượng tầng lãnh đạo đảng CSVN sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ tháng Bảy, 1995. Nói cách khác, việc đi theo quỹ đạo Trung Cộng từ sau Hội Nghị Thành Đô năm 1990 cùng nhu cầu mở cửa kinh tế với Hoa Kỳ đã khiến cho Bộ Chính Trị xung đột gay gắt về hướng đi và những vấn đề lý luận liên quan đến quái thai “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Lúc này, thượng tầng lãnh đạo CSVN chia làm hai khuynh hướng: Khuynh hướng bảo thủ, tức là tiếp tục xiết chặt chính trị theo đường lối của Đặng Tiểu Bình, đứng đầu là Đỗ Mười và Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu. Khuynh hướng cải tổ chính trị, đứng đầu là Võ Văn Kiệt với hậu thuẫn của ông Nguyễn Cơ Thạch, chủ trương tách rời bộ máy đảng ra khỏi bộ máy nhà nước và nhất là nâng cao vai trò tư doanh, thu hẹp các hoạt động của quốc doanh.

Cung cách ứng xử của hai khuynh hướng này là tranh cãi quanh vấn đề “chệch hướng xã hội chủ nghĩa,” nhưng lại không có ai đưa ra một định nghĩa rõ ràng thế nào là chệch hướng. Tháng Tám, 1995, ông Võ Văn Kiệt đã soạn một tài liệu gọi là “tối mật” gửi cho Bộ Chính Trị trình bày một số nhu cầu cải tổ mà cụ thể là xây dựng nhà nước pháp quyền, chấm dứt thời kỳ chi phối của đảng trong bộ máy hành chánh và kinh tế.

Đối lại, Đỗ Mười cho phổ biến bản dự thảo báo cáo chính trị vào tháng Mười Một, 1995 để chuẩn bị cho đại hội VIII dự trù diễn ra vào cuối tháng Sáu, 1996, với khẳng định rằng kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo nền kinh tế và giữ vững nguyên tắc dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Đồng thời, Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã “khuyến dụ” Võ Văn Kiệt cùng rút lui để nhường quyền lại cho bộ ba “Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải.”

Trước sự xung đột gay gắt về đường lối, đại hội VIII 1996 đã diễn ra trong một bối cảnh rất căng thẳng, bất phân thắng bại, nên cuối cùng đại hội vẫn tiếp tục lưu nhiệm bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt. Ông Lê Khả Phiêu được tiếp tục bầu vào ban chấp hành trung ương và Bộ Chính Trị. Tại đại hội này, ban bí thư bị bãi bỏ thay bằng thường trực bộ chính trị, áp dụng theo mô hình lãnh đạo của Trung Cộng.

Năm người được bầu vào thường vụ bộ chính trị gồm: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng (trưởng ban kinh tế trung ương). Ông Phiêu được bầu làm thường trực bộ chính trị, thay mặt tổng bí thư đảng khi cần. Có thể nói là từ đại hội VIII, ông Phiêu có một vị trí đặc biệt để xây dựng quyền lực ở trong đảng và quân đội.

Qua sự vận động ngầm bên trong của phe cánh bảo thủ thân Trung Cộng, tại hội nghị trung ương 4 vào tháng Mười Hai, 1997, Đỗ Mười tuyên bố bàn giao chức vụ tổng bí thư cho Lê Khả Phiêu và bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt rút ra khỏi Bộ chính trị nhưng giữ vai trò thái thượng hoàng, tức cố vấn tối cao của trung ương đảng và Bộ Chính Trị. Trong vai trò cố vấn, bộ ba thái thượng hoàng có thể tham gia mọi cuộc họp của đảng. Ông Lê Khả Phiêu lên làm tổng bí thư không do đại hội bầu ra, mà do Đỗ Mười chuyển quyền, nên tư thế lãnh đạo của ông Phiêu không mạnh và luôn luôn bị bộ ba Mười – Anh – Kiệt khuynh loát.

Trong bối cảnh đó, Lê Khả Phiêu đã một mặt vận động trung ương đảng bãi bỏ cơ chế cố vấn tối cao để loại bỏ sự chi phối quá đáng của bộ ba thái thượng hoàng trong ban chấp hành trung ương. Mặt khác, Lê Khả Phiêu đã tìm chỗ dựa Bắc Kinh như cái phao an toàn, chống lại bộ ba Mười – Anh – Kiệt.

Ngày 25 tháng Hai, 1999, Lê Khả Phiêu chính thức viếng thăm Trung Quốc theo lời mời của Giang Trạch Dân và đây là thời điểm ra đời cái gọi là quan hệ hữu nghị “16 Vàng và 4 Tốt” mà Giang Trạch Dân, tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc đề xướng. Trong chuyến đi này, Lê Khả Phiêu đã cam kết với Bắc Kinh là chỉ thị Bộ Ngoại Giao xúc tiến việc ký kết hai văn kiện: 1) Hiệp Định về Biên Giới Trên Bộ (ký ngày 30/12/1999) và 2) Hiệp Ước Phân Định Vịnh Bắc Bộ (ký ngày 25/12/2000) vốn bị đông lạnh từ năm 1995.

Qua Hiệp Định về Biên Giới, Việt Nam vĩnh viễn mất Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan và một số diện tích đất ở biên giới từ lúc này; cũng như qua Hiệp Định Phân Định Vịnh Bắc Bộ, theo nhà nghiên cứu Dương Danh Huy phân tích, thì Việt Nam đã sai lầm trong việc sử dụng các bản đồ theo công ước Pháp – Thanh năm 1887 đầy sai trái nên đã nhượng cho Trung Quốc quá nhiều đảo, và mặt biển khiến nước ta bị thiệt hại rất nhiều.

Việc Lê Khả Phiêu cho ký hai văn kiện này đã trở thành bi kịch lớn cho cá nhân ông, khi bộ ba Mười – Anh – Kiệt đã dùng nó để triệt hạ chức tổng bí thư của Lê Khả Phiêu trong đại hội đảng lần thứ IX, vào tháng Tư, 2001 nhằm trả thù việc ông Phiêu đòi giải tán ban cố vấn của bộ ba này đối với ban chấp hành trung ương đảng.

Để cứu ông Phiêu khỏi cuộc tranh chấp nội bộ CSVN vào lúc này, Trung Cộng đã cử ông Hồ Cẩm Đào (đang là phó chủ tịch nước và là người chuẩn bị thay thế Giang Trạch Dân vào mùa Thu năm 2002) sang viếng thăm và dự đại hội đảng CSVN lần thứ IX  hầu vận động cho Lê Khả Phiêu, nhưng vẫn thất bại. Ông Nông Đức Mạnh, lúc đó đang là chủ tịch quốc hội, đã được đưa lên làm tổng bí thư thay thế Lê Khả Phiêu như là trái độn để cho bộ ba thái thượng hoàng tiếp tục khuynh loát nội bộ đảng.

Những diễn biến chính trị nói trên cho thấy cuộc đời hoạn lộ của ông Lê Khả Phiêu khá vất vả. Tiến thân vào hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng khá trễ – ở tuổi 60, và nhất là giữ ghế tổng bí thư đảng không thông qua đại hội đảng chính thức, mà là do sự nhường quyền từ đàn anh là Đỗ Mười. Chính vì thế mà trong ba năm ông Phiêu làm tổng bí thư, trong thực tế chỉ là con chốt cho bộ ba thái thượng hoàng Mười – Anh – Kiệt dùng khả năng của đàn em trong bộ tứ (Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Phạm Thế Duyệt) để đưa Việt Nam đi theo quỹ đạo Trung Cộng.

Tội của Lê Khả Phiêu là đã cùng với hai đàn anh cáo già Đỗ Mười, Lê Đức Anh cho phép Bộ ngoại giao ký với Trung Cộng nhượng Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan và một số lãnh hải ở Vịnh Bắc Bộ để đối lấy cái gọi là tình hữu nghị “16 vàng – 4 tốt.” Nhưng sự nghiệp tay sai của Phiêu cũng không thể kéo dài lâu, chỉ non 3 năm sau đã nhượng xong đất biên giới và biển cho Bắc Kinh, bộ ba Mười – Anh – Kiệt không muốn dùng nữa nên mới bị kéo xuống để đưa Nông Đức Mạnh lên thay.

Tóm lại, trong giai đoạn từ 1998 đến năm 2006, thời kỳ Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh làm tổng bí thư, quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh được đánh giá là “nồng ấm” theo đúng nghĩa môi hở răng lạnh. Hai phía đã ký Tuyên Bố Chung Việt-Trung vào năm 2000 làm nền tảng cho các mối quan hệ, và phát triển quan hệ chính trị chủ yếu giữa các cấp bộ ngành, các địa phương của hai đảng, hai nước với nhau. Đặc biệt là phía Trung Cộng đã mời rất nhiều phái đoàn cấp địa phương của CSVN viếng thăm các tỉnh của Trung Quốc và được chiêu đãi tận tình. Mục tiêu của Bắc Kinh là dùng việc chiêu đãi này để tạo ảnh hưởng tâm lý lên cán bộ hạ tầng của CSVN và chính những người này sẽ là các nhân tố tuyên truyền tốt cho quan hệ Việt-Trung kéo dài đến hôm nay.

Sau khi mất ghế tổng bí thư vào năm 2001, ông Lê Khả Phiêu lui về ở ẩn và ít xuất hiện công khai. Ông Phiêu cũng không in sách để đời như các tổng bí thư khác. Chắc hẳn ông Phiêu đã nhìn thấy con đường chính trị làm tay sai cho quan thầy và cho đàn anh, rốt cuộc đã trực tiếp hứng chịu tội bán nước qua việc cho ký hai văn kiện hiệp định biên giới (1999) và hiệp định phân ranh Vịnh Bắc Bộ (2000).

Di sản bán nước của Lê Khả Phiêu nói riêng, và tập đoàn lãnh đạo CSVN nói chung, đã tạo ra những di hại kéo dài và có thể miên viễn cho đất nước. Dù ông Phiêu đã chết nhưng tội này không thể xóa!

Trung Điền

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here