Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
Cử nhân Luật, cựu Thiếu tá an ninh, Bộ Công an
Thông tư 65/2020/TT-BCA ngày 19/06/2020, của Bộ Công an “Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông” (*), có hiệu lực từ ngày 05/08/2020, trong Điều 8, Khoản 3 có đoạn:
“Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.”
Quy định trên cho thấy một số điểm không rõ ràng; trao cho Cảnh sát giao thông (CSGT) quyền hạn quá lớn mà thiếu sự kiểm soát, chế tài đề phòng sự tùy tiện, lợi dụng với mục đích không tốt; đồng thời lại coi nhẹ quyền sở hữu tài sản cá nhân (cả của nhà nước) và sự an toàn của người dân trong những trường hợp bị “huy động phương tiện”.
Thông tư này thay cho Thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 (*), trong đó tại Điều 5, Khoảng 6 cũng có nội dung tương tự nêu trên; tuy nhiên có sự giới hạn hơn với quyền của CSGT, là việc “trưng dụng phương tiện” phải “theo quy định của pháp luật”, đồng thời không mở rộng ra quá nhiều mục đích của việc “huy động”, tới độ … “để bảo vệ an ninh quốc gia …” và được “yêu cầu trực tiếp”.
Xin nêu chi tiết một số điểm cần được xem lại, sửa đổi:
Việc “huy động phương tiện” là thế nào
Trường hợp “phương tiện” được CSGT nhắm tới để “huy động” có thể đang được sử dụng trong tình huống cấp bách của cá nhân, tổ chức, cơ quan, như xe cứu thương đang chở bệnh nhân cấp cứu, xe chở lãnh đạo cao cấp trên đường công tác khẩn, … thì sẽ xảy ra xung đột lợi ích mà khó có văn bản pháp luật nào định rõ trường hợp nào thì quan trọng hơn, phải được ưu tiên hơn.
“Phương tiện khác” ngoài xe cộ, điện thoại, thì có giới hạn nào cho chữ “khác”, hay là bất cứ thứ gì, kể cả nhà ở, công xưởng, trụ sở kinh doanh, thậm chí vũ khí của quân nhân, …
Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, bất chợt có anh CSGT vào nhà, khách sạn, yêu cầu miệng cần trưng dụng toàn bộ nhà trong vài ngày để … rình nhóm đua xe, các đêm tới có thể qua đây; hay rình một chiếc xe nghi chở ma túy sẽ đi qua. Không lẽ người chủ phải chấp hành vô điều kiện? Còn trường hợp CSGT đòi “mượn” một cây AK47 của một quân nhân đang đứng gác, thì chắc chắn sẽ không được chấp nhận rồi.
Việc “mượn” là vô thời hạn, không có sự giám sát của chủ phương tiện hay sao? Không quy định rõ, dễ nảy sinh tùy tiện, gây xáo trộn cuộc sống của người dân, ảnh hưởng công việc của cơ quan, tổ chức bị “huy động phương tiện”.
Có sự xác thực tối thiểu cho việc “huy động” hay không? Nếu không, dễ nảy sinh tranh chấp sau đó nếu xảy ra sự cố. Ví như CSGT phải trình đầy đủ giấy tờ cá nhân để người dân được rõ, yên tâm, và được ghi lại (vào giấy, chụp/ghi âm, hình) việc “huy động” đó.
“Phương tiện khác” thì phải thế nào?
Ở đây đã mở rộng quyền hạn cho CSGT tới vô hạn, nằm ngoài chức năng nhiệm vụ của lực lượng này.
Vì vậy, Thông tư cần nêu rõ, trong những trường hợp việc “huy động” những “phương tiện” không phải là xe cộ, vụ việc không liên quan hoạt động giao thông đường bộ, thì phải có sự phối hợp của các lực lượng bảo vệ pháp luật tương ứng (như cảnh sát hình sự, quản lý thị trường, hải quan). Nếu không, sẽ dễ dẫn tới lạm quyền quá mức.
Thiếu chế tài cho các hành vi lạm quyền
Nội dung Thông tư đặt nặng quyền hạn cho CSGT, mà không coi trọng quyền của người, tổ chức, cơ quan có phương tiện bị “huy động”, nên hoàn toàn không thể hiện biện pháp ngăn chặn những trường hợp lạm quyền.
Thay vào đó, để tránh tình trạng CSGT trưng dụng phương tiện của dân không đúng mục đích, quá mức cần thiết, tận dụng cho việc riêng v.v.. thì cần có chế tài pháp luật cụ thể, không chỉ xử lý nội bộ (nhắc nhở, kiểm điểm). Như vậy mới công bằng với người dân một khi nếu không chấp hành đòi hỏi “huy động” đó, lại rất dễ bị quy tội “chống người thi hành công vụ”, hay tương tự.
Coi nhẹ sự an toàn cho người dân khi bị “huy động phương tiện”
Thông tư đã không đề phòng tình huống có kẻ gian (ngoài xã hội, trong chính ngành công an) lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của dân, tổ chức, cơ quan, hoặc lợi dung phương tiện để hoạt động tội phạm.
Muốn tránh xảy ra khả năng này, đồng thời vẫn có thể đảm bảo cho tình huống cấp thiết khi CSGT thi hành công vụ, ngoài yêu cầu xuất trình giấy tờ, có văn bản xác nhận việc “huy động” như nêu trên, cần có thêm quy định CSGT phải đang tuần tra trên phương tiện mô tô, ô tô đặc chủng, phải để người bị “huy động phương tiện” gọi điện trực tiếp cho cấp chỉ huy của CSGT đó, v.v..
Ngoài ra, cũng cần có điều khoản quy định trong trường hợp phương tiện được huy động bị hỏng, mất, thì cơ quan công an phải có trách nhiệm bồi thường ra sao.
Thiếu hình thức phổ biến nội dung quy định cho người dân
Do đây là điểm quan trọng liên quan tới đời sống người dân (không chỉ người tham gia giao thông), đến cả nhiều tổ chức, cơ quan nên không thể đơn giản chỉ đưa toàn bộ Thông tư lên trang web Bộ Công an, rồi vài tờ báo thông tin sơ sài.
Nhiều năm qua, có thể vì thiếu biện pháp phổ biến rộng rãi nên cũng đã phần nào “trói tay” CSGT trong những tình huống thực sự cấp bách. Nhiều trường hợp chiến sĩ CSGT đã phải liều mình bám vào nắp ca-pô xe vi phạm, dẫn đến bị tai nạn đáng tiếc, thay vì trưng dụng xe của người dân để truy đuổi.
Muốn có sự hợp tác tích cực từ người dân, đồng thời tôn trọng quyền lợi của dân, tổ chức, cơ quan khác, cần có các biện pháp phổ biến thông tin một cách bài bản. Ví dụ: ngoài việc sửa sớm Thông tư, cần có văn bản của Cục Cảnh sát giao thông giải thích chi tiết Điều 8, Khoản 3 nói trên. Văn bản này được từng đơn vị, cá nhân CSGT lưu giữ, cung cấp bằng nhiều hình thức cho người dân, người tham gia giao thông.
Cuối cùng, là đề phòng xung đột với các văn bản pháp quy khác
Trước hết là Bộ luật Dân sự, cơ quan soạn thảo Thông tư cần rà soát kỹ, để không xảy ra những kiện tụng không cần thiết, gây phiền phức cho dân, tốn kém cho nhà nước, ức chế cho CSGT khi cần “huy động phương tiện” phục vụ công tác cấp thiết.
Hà Nội, ngày 02/08/2020
* Ghi chú:
Leave a Comment