Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Ngày 30 tháng Bảy, phát biểu trong buổi gặp mặt trí thức, văn nghệ sĩ nhân 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng: “Công tác tuyên giáo là một trong ba trụ cột quan trọng trong công tác xây dựng đảng, bao gồm chính trị, tư tưởng bảo đảm cho sự trường tồn và sự lãnh đạo toàn diện của đảng.”
Sau đó một ngày trong cùng một mục đích, Ban Tuyên Giáo Trung Ương tổ chức một hội nghị gặp mặt giới trí thức có sự tham dự của Uỷ viên Bộ Chính Trị Trần Quốc Vượng. Tại đây ông Vượng phát biểu: “Đại hội đảng lần thứ 13 là đại hội thể hiện ý chí toàn dân tộc với khát vọng cháy bỏng: đến giữa thế kỷ 21 này, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Ngành tuyên giáo năm nay đã đón tiếp hai nhân vật đang tranh nhau ghế tổng bí thư nhiệm kỳ 13, thay vì là đón “thái thượng hoàng” ngành tuyên giáo là ông Nguyễn Phú Trọng, tiến sĩ xây dựng đảng.
Từ trước đến nay, việc lãnh đạo CSVN gặp mặt trí thức, văn nghệ sĩ của đảng trong các dịp long trọng để tán dương hay cổ võ không phải là điều gì đáng nói. Đó là kiểu xoa đầu trí thức, ban phát “tình cảm quý mến” của đảng cho những người đem kiến thức ra đặt vào cái tròng của cổ xe tuyên giáo. Nhưng cái đáng nói ở đây là năm nay, Ban Tuyên Giáo Trung Ương lại lồng ghép hai cuộc gặp gỡ này trong cái gọi là kỷ niệm 90 ngày truyền thống của ngành tuyên giáo.
Điều này vô tình cho người ta thấy những trí thức hay văn nghệ sĩ này là cái loa của đảng như bao nhiêu cái loa khác. Dĩ nhiên họ phải hơn đám dư luận viên 3 xu vì quần chúng thường khen ngợi và liệt họ vào hàng ngũ dư luận viên cao cấp. Hay nói khác đi họ chính là cán bộ tuyên truyền mang cái vỏ trí thức hay văn nghệ sĩ. Bởi vì đối với đảng ngay từ ban đầu, bên cạnh đấu tranh quân sự bao giờ cũng là đấu tranh chính trị trong mục đích tối hậu là “bảo đảm cho sự trường tồn và sự lãnh đạo toàn diện của đảng,” nền tảng thiết yếu của chế độ độc tài.
Khi đã là như vậy thì nơi phục vụ đầu tiên của họ phải là đảng chứ không vì cái gì khác như dân tộc, hay đất nước. Bổn phận trước hết của họ là phải tuyên truyền ca tụng chủ nghĩa Mác-Lênin, sau đó mới tới nghề nghiệp và khả năng để đảng căn cứ vào đó mà ban phát bổng lộc, chức tước. Con đường thăng tiến của họ rốt cuộc lại cũng như bao nhiêu đảng viên lớn nhỏ khác trong guồng máy chính trị độc tài, tuy mang danh trí thức nhưng là loại trí thức có cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhưng trí thức trong định nghĩa thông thường, không những chỉ là người có kiến thức sâu rộng hơn người mà còn là một con người có tư duy độc lập và sáng tạo. Người có tri thức đúng nghĩa đứng trên đôi chân của mình đem tài năng ra phục vụ xã hội gần như vô điều kiện. Nhưng khi trí thức hay văn nghệ sĩ được đảng uốn nắn, bóp chết tư duy độc lập để phục vụ cho mục tiêu tuyên giáo thì họ đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ của những kẻ phục vụ cho nhu cầu của đảng. Ngoài miệng họ vẫn nói phục vụ xã hội, phục vụ dân tộc nhưng đối với họ đó chỉ là những lời nhằm lừa dối chính mình.
Những năm tháng đầu tiên khi đảng mới nắm quyền trên miền Bắc, chính sách nhào nặn tư tưởng con người đã bị một số trí thức văn nghệ sĩ chân chính chống đối mãnh liệt ngay trên mặt trận báo chí đang do đảng kiểm soát. Đó là phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đã tạo ra một ngọn lửa đòi tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tạo được niềm hứng khởi cho tầng lớp trí thức chân chính. Mặc dù phong trào sau đó bị chính quyền đàn áp thẳng tay, nhưng nó không lụi tàn mà được tiếp nối bởi các thế hệ về sau dưới hình thức khác.
Trong lúc đó, chính vì phục vụ những nhu cầu của đảng độc tài ngày càng thoái hoá, những trí thức văn nghệ sĩ của đảng cuối cùng chỉ là những xác chết… chưa chôn mà thôi. Họ đã không có tư duy độc lập để sáng tạo để phục vụ đúng nghĩa mà chỉ theo đuôi đảng rêu rao sự ưu việt của một chủ thuyết chính trị hoang tưởng đã bị đẩy lùi ra bên lề lịch sử. Chính vì thiếu sức sáng tạo và từ chối sự thay đổi cần thiết mà hơn 30 năm qua, dù Việt Nam đã mở cửa ra thế giới bên ngoài mà đất nước vẫn tụt hậu so với các quốc gia trong vùng.
Đáng lý ra lãnh đạo đảng CSVN phải thấy rõ trách nhiệm lớn nhất của họ là đã đưa đất nước Việt Nam đi vào ngõ cụt trong mấy thập niên qua, dưới sự lừa dối, phỉnh gạt của Ban Tuyên Giáo. Thế mà, đánh dấu cái gọi là 90 năm Tuyên Giáo, ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu Phó Ban Tuyên Giáo đã huênh hoang và ngạo mạn viết rằng: “công tác tuyên giáo là nhằm tham gia khai hoá văn minh cho cộng đồng dân tộc và thực hiện nhiệm vụ chính trị.” Qua phát biểu của Vũ Ngọc Hoàng, rõ ràng đảng CSVN đã tập trung một hạng trí thức chỉ biết mặc áo thụng vái nhau và tự mê với nhiệm vụ tự phong là “khai hóa văn minh cho cộng đồng dân tộc” theo một chủ nghĩa mà nhân loại đã vứt vào sọt rác lịch sử cách nay hơn 3 thập niên.
Nói cho cùng, chính đám trí thức, văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa hiện nay là những kẻ có trách nhiệm nặng nề vì đã để cho thiểu số lãnh đạo đảng xỏ mũi thực hiện những mục tiêu tuyên truyền láo khoét mà cứ tự hào là “khai hoá văn minh cho dân tộc.”
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment