Nước “bạn” tiềm ẩn nhiều khả năng xấu mà có thể xuất hiện kịch bản hàng chục ngàn người ùa sang Việt Nam một lúc tránh bão lũ, tránh dịch, tránh… đói khi mất mùa toàn diện. Đó là một thách thức có thật.
Lời tòa soạn VNTB: Tác giả Nguyễn Huy Cường là một nhà báo tự do. Ông là cộng tác viên của rất nhiều tòa soạn báo; ông đã đoạt 5 giải báo chí của Việt Nam. Ông Cường là người quê ở Phương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Ông Cường hiện là chủ nhiệm Dự án CNN, có trụ sở đặt tại Sài Gòn. Đây là dự án nghiên cứu, cung cấp những giải pháp hỗ trợ trưởng thành cho những đối tượng thích hợp.
Bài viết mang tính cảnh báo của ông ở đây, đề cập đến thực tế người Trung Quốc tiếp tục ra vào Việt Nam quá dễ dàng ngay trong mùa dịch Covid đang tái bùng phát, lây lan mạnh ở Trung Quốc.
1. Hồi kháng chiến, nhiều tàu thủy loại nhỏ từ miền bắc xâm nhập vào lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) để đem vũ khí vào làm kháng chiến. Những đoàn tàu “Không số” này chở hàng tấn vũ khí vượt qua bom đạn, tàu tuần tiễu của hải quân VNCH rồi vào Vũng Rô thuộc Tuy Hòa, vào tận Cà Mau mới “trả hàng” rồi nhiều chuyến về bắc an toàn.
Nói vậy để thấy những người ngày nay muốn xâm nhập vào Việt Nam quá dễ dàng.
2. Ở Đồng Đăng, Chi Ma, Hà Giang, có những lúc dân cửu vạn vượt biên và nhập biên mỗi ngày hàng chục ngàn lượt. Việc này là bất hợp pháp, nhưng rât đàng hoàng, trở thành nghề sống của nhiều làng xã nơi ấy.
3. Có người muốn sang qua cửa khẩu Lạng Sơn, không có hộ chiếu, nhưng được dịch vụ nhận làm với 300.000 VND, xong! Anh ta có ngay “Giấy thông hành” qua Trung Quốc giá trị một năm. Trong trường hợp đang bị truy nã, vượt biên dễ dàng.
4. Nếu tính cả 4 lực lượng gồm Bộ đội biên phòng, Công an, Hải Quan trên toàn tuyến biên giới phía bắc trải dài 700 km rừng núi hoang dã, khó khăn, nếu mỗi người trong hoàn cảnh khẩn cấp, phải canh chừng 50 mét, mỗi ngày ba ca thì phải mất vài chục ngàn người mới đủ. Ta không có lực lượng ấy.
5. Hiện có những “Nhà dịch vụ” dùng mạng gọi khách đi xe của họ qua lại biên giới Việt – Trung như là gọi khách Hà Nội đi Hải Phòng, giá cả phải chăng, không cần hộ chiếu.
Họ cam kết chở qua điểm kiểm soát, cách ly.
6. Thời kinh tế thị trường, tài xế, nhà xe cứ có tiền là làm. Đã có tài xế thấy 5 ông khách lên từ biên giới, đeo khẩu trang kín, lên xe không nói không rằng chạy một mạch vào miền trung. Vẫn phải chở khi người đặt xe trả tiền sòng phẳng. Vị tài xế kia có một mình, khó mà xoay xở hay phản ứng gì trước một lũ “Khách” kỳ quái này.
7. Tôi quan sát được ở một huyện thượng du Phú Thọ có vụ mía, mỗi làng vài trăm người đi chặt mía thuê bên Trung Quốc, từ lúc đi đến lúc về không biết tấm hộ chiếu là cái gì.
8. Tôi nghe nói, đã có chính sách miễn thị thực visa cho người Trung Quốc ra vào một tỉnh lớn ở Đông Bắc, xe ô tô của họ cũng ra vào tự do luôn.
9. Trên mạng xã hội hổm rày, lác đác vẫn có ý kiến ‘phải nhẹ tay, phải mềm dẻo’ với lũ xâm nhập và những kẻ tiếp tay cho chúng vào gieo rắc mối kinh hoàng cho ta.
10. Việc khoanh vùng chống dịch quyết liệt ở Đà Nẵng của nhà nước và nhân dân ta thật tuyệt vời. Nhưng cách truy xuất vài chục ngàn người ở vùng dịch tứ tán về các địa phương ngay lập tức, hình như “có vấn đề”.
Hãy hình dung, đoàn người vội vàng về các tỉnh kia, nếu mang giống má virus mới gieo cho 10 tỉnh thôi, thì chúng ta trở về km số 0 trên con đường chống dịch nhọc nhằn này.
Sao không khoanh vùng, lưu trú, cách ly tại chỗ ở Đà Nẵng hay khi họ xuống máy bay?. Đây là một vấn đề lớn có nhiều ý nghĩa.Nếu một trong những ý nghĩa đó chính là “Phương án 1” của nhà sản xuất virus thì họ đã thành công mỹ mãn.
Sơ vài nét như vậy để thấy một thực tế khó mà nói khác: Biên giới của ta mong manh lắm. Để chống xe tăng tàu bay thì dễ, nhưng để chống Covid thì vô cùng nan giải và ở những giai đoạn, phân đoạn có thể nói là bất lực.
Nước “bạn” tiềm ẩn nhiều khả năng xấu mà có thể xuất hiện kịch bản hàng chục ngàn người ùa sang Việt Nam một lúc tránh bão lũ, tránh dịch, tránh… đói khi mất mùa toàn diện.
Đó là một thách thức có thật.
Viết bài này, thành thực muốn anh chị em ta, hướng tư duy chống dịch vào hoàn cảnh cụ thể này mà âu lo, mà toan tính để chúng ta được… sống bình thường, chứ chưa nói đến những cái đích cao siêu hay ‘Nhất thế giới” hoặc “Đứng đầu” về cái gì đó lung linh, ngạo nghễ.
Lo lắm.
Thật sự lo.
Gay lắm đấy.
Leave a Comment