Nguyễn Hùng -VOA
Các chính trị gia Việt Nam đang chuẩn bị cho đại hội cộng sản lần thứ 13 và ngoại trừ có điều gì bất thường, hàng ngàn đảng viên sẽ lại nghĩ một đằng và bỏ phiếu một nẻo. Họ cũng sẽ bỏ phiếu một nẻo và bỏ phiếu bằng chân một nẻo khác. Kết quả là hiện trạng lại vẫn như xưa. Hiển nhiên chẳng ai tin hiện trạng sẽ nhanh chóng mang lại những điều họ đang mong muốn. Đó là một nền giáo dục đủ tốt để khỏi phải lo cho con cái ra nước ngoài học tốn cả tỷ đồng mỗi năm. Đó là hệ thống y tế có lương tâm. Đó là một đất nước giàu có và một xã hội cưu mang những người nghèo khó và kém may mắn.
Vậy lý do tại sao họ lại làm vậy? Đây là câu hỏi tôi có trong đầu khi nghe bài diễn thuyết trên mạng hối cuối tháng Bảy của một tác giả có sách bán chạy hàng đầu theo bình chọn của báo New York Times, bà Luvvie Ajayi Jones. Bà Luvvie sinh ra ở Nigeria, lớn lên tại Chicago, thành phố nơi cựu Tổng thống Barack Obama bắt đầu sự nghiệp chính trị. Bà nói trong nhiều năm bà sống theo ước mơ của người khác. Ba má bà muốn con gái trở thành bác sỹ và bà theo đuổi giấc mơ của người lớn cho tới năm đầu đại học hồi đầu thập niên 2000. Sau khi đạt điểm rất thấp cho môn hoá học trong năm đầu ở đại học, bà quyết định không tự dối mình nữa vì bản thân bà không thích cả môi trường bệnh viện lẫn công việc trong môi trường đó. Việc nói thật với bản thân đã đưa bà tới với thế giới viết nơi bà nói thật về những gì ở nơi bà sống, nước bà sống và cả thế giới mà bà quan tâm tới. Bà bông đùa tự giới thiệu mình là “kẻ gây chuyện chuyên nghiệp”.
Những gì bà Luvvie nói giúp chúng ta hiểu tại sao bà có thể nói ra sự thật mà rất nhiều người không thể. Tác giả có tiếng cho rằng nói thật cũng như một múi cơ trong cơ thể, phải có luyện tập cơ mới cứng cáp và có sức bền. Nói thật, theo bà Luvvie, là điều chính bà nhiều khi cũng sợ, nhưng khác với nhiều người khác, bà vượt qua nỗi sợ đó và học cách “làm cho bản thân thoải mái với điều khó thoải mái”. Bà muốn mọi thứ tốt đẹp hơn cho mình và mọi người nhờ vào nói ra sự thật.
Công dân Hoa Kỳ gốc Nigeria cũng đặt ra ba câu hỏi cần trả lời mỗi khi quyết định có nên nói ra điều gì đó không? Câu hỏi thứ nhất là ‘Tôi có thực sự nghĩ thế không’ hay chỉ vì thích chọc người khác. Câu hỏi thứ hai là ‘Tôi có thể bảo vệ điều mình nói không’ và cuối cùng là ‘Tôi có nói điều đó một cách có suy nghĩ không’. Ngoài ra bà cũng luôn nghĩ tới điều tệ nhất có thể xảy ra và điều tốt nhất có thể đến khi bà nói ra sự thật. Có những lần bà nghĩ nói thật sẽ khiến bà mất cơ hội được mời tới các sự kiện khi bà chỉ trích chính những nhà tổ chức sự kiện. Nhưng rồi nhiều nơi khác lại thích tính chính trực của bà, báo chí đưa tin về cuộc đấu tranh với bất công và bà lại có nhiều cơ hội hơn. Kết luận của bà là thực ra nhiều người có nhiều quyền lực hơn họ nghĩ và nhiều khi những điều xấu nhất họ lo ngại sẽ không xảy ra.
Điều đó hoàn toàn đúng với hàng trăm uỷ viên trung ương hay hàng chục vị trong bộ chính trị và ban bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam. Tôi tin rằng nhiều vị ngồi trong các cuộc họp ngán ngẩm tới mức chỉ muốn đập bàn nói “sao các anh cổ hủ và lạc hậu thế”. Nhưng họ không nghĩ rằng họ có đủ quyền lực để nói vậy. Họ không nghĩ rằng nếu có một người dám lên tiếng, có lẽ những người khác cũng đứng lên. Nếu những người khác đó không đủ can đảm đứng lên ngay, họ cũng sẽ suy nghĩ và có lựa chọn trong lần sắp tới. Bà Luvvie nói làm cho người khác khó chịu vì lý do đúng đắn là trách nhiệm của chúng ta. Một diễn giả khác cũng từng nói khi chúng ta nói rõ cho người khác biết quan điểm và mong muốn của chúng ta, đó là khi chúng ta thể hiện sự quan tâm tới người khác và tới môi trường sống nói chung. Khi chúng ta nói ra sự thật và tạo ra sự thay đổi, nhiều người không có điều kiện để nói ra những điều đó cũng được hưởng lợi từ một môi trường sống tốt hơn. Chúng ta nói thật không phải vì ích kỷ mà vì cái chung.
Nói thật không phải khi nào cũng dễ dàng vì chính người Việt cũng nói “sự thật mất lòng”. Để được lòng người khác, các quan cộng sản cũng như nhiều người trong chúng ta chọn nói dối. Các nhà khoa học ước tính mỗi ngày chúng ta phải nghe những lời nói dối từ 10-200 lần trong khi chúng ta tự dối mình từ 1-2 lần. Tác giả cuốn ‘Đoán ai nói dối’, bà Pamela Meyer cũng nói: “Dối trá là hành động [đòi] sự hợp tác… Lời nói dối chẳng có quyền lực gì chỉ dựa vào chuyện nó được nói ra. Quyền lực của nó xuất hiện khi có người đồng ý tin vào điều dối trá.”
Nếu sau năm 1975 nhiều người đừng vờ tin vào những điều dối trá, Việt Nam giờ có lẽ đã ở trong nhóm đầu về sự phát triển của các nước Asean chứ không phải ở cuối. Ngay cả bây giờ nếu nhiều đảng viên vượt qua được nỗi sợ và nói ra những gì họ thực sự suy nghĩ về thực trạng xã hội, những thay đổi ở Việt Nam trong những năm tới sẽ nhanh hơn. Điều khó khăn hơn ở các thể chế cộng sản là các quan chức ở đó có nhiều nỗi sợ hơn ở các nước minh bạch. Không những chỉ sợ làm mất lòng người khác, sợ mất việc, mất thu nhập, nhiều quan chức còn sợ bị lộ vì đã làm quá nhiều điều sai trái trong một thể chế không coi trọng sự minh bạch. Vì lý do này sự minh bạch sẽ lại tới rất chậm trừ khi có sự thức tỉnh đồng loạt.
Sự im lặng trước những điều sai trái và bất công xảy ra hàng ngày ở năm xã hội cộng sản còn lại trên thế giới và ở nhiều nơi khác cho thấy vẫn có quá nhiều người chọn tin vào những lời dối trá dù họ có thực sự tin như thế không. Nhà hoạt động Martin Luther King từng nói hồi năm 1968, năm ở Việt Nam xảy ra biến cố Mậu Thân mà người ta còn nói dối tới tận hôm nay, rằng: “Rốt cuộc lại chúng ta sẽ nhớ không phải những lời của kẻ thù mà là sự im lặng của bạn bè chúng ta.” Nhà thơ và nhà giáo Hoa Kỳ Clint Smith dẫn câu trích dẫn này trong một bài nói chuyện và nói ông có bốn nguyên tắc cho học sinh của mình: Đọc có phân tích, Viết có ý thức, Cất tiếng rõ ràng và Nói thật. Nếu các quan chức cộng sản chỉ cần bắt đầu với nguyên tắc cuối cùng và khuyến khích xã hội cùng làm vậy, Việt Nam sẽ không còn nằm trong cuối bảng xếp hạng về các quyền tự do căn bản và tấm hộ chiếu Việt Nam sẽ không còn bị nhiều nước coi rẻ như hiện nay.
Leave a Comment