Vừa qua tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, các bác sĩ đã thực hiện ca tách cặp song sinh dính liền Trúc Nhi và Diệu Nhi thành công.
Đây là một thành công tuyệt vời, nhưng chỉ là thành công bước đầu. Vì chặng đường phía trước để duy trì sự sống cho 2 bé mới 14 tháng tuổi này còn nhiều gian nan.
Nền y học Việt Nam nói chung, và tại TP.HCM nói riêng đã có những bước phát triển tốt trong những năm qua. Vì thế mà cựu Bí thư Đinh La Thăng đã mơ ước nền y học TP.HCM sẽ giành được giải Nobel y học. Chiều 24/2/2017, Thường trực Thành ủy TP.HCM gặp gỡ thầy thuốc tiêu biểu nhân dịp 62 năm ngày Thầy thuốc VN (27.2.1955-27.2.2017).
Tại buổi gặp mặt này, Bí thư Đinh La Thăng cho hay TP.HCM có tiềm lực, có đội ngũ y bác sĩ giỏi và khẳng định sẽ lập tổ chuyên gia đưa giải Nobel y học về cho TP.
Chỉ tiếc là sau đó, vị Bí thư có những mơ ước táo bạo này bị “tuột xích”, phải vào “đếm kiến”trong tù, nên ước mơ đó đến nay vẫn chỉ là mơ ước.
Thành công nào cũng đáng ca ngợi. Nhất là thành công cứu người lại càng đáng ca ngợi hơn. Nhưng trên đời này không hẳn là như thế. Khi việc cứu người đã bị chính trị hóa thì cái công lại trở thành cái tội.
Bác sĩ Trần Đông A là một ví dụ điển hình.
Ông là Thiếu tá, Bác sĩ Quân y trong Quân lực VNCH, nguyên là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn Nhảy dù.
Nổi danh là một bác sĩ phẫu thuật giỏi, dũng cảm, ông thường xuyên phải thực hiện các ca mổ ngay tại chiến trường trong các phòng mổ dã chiến và là vị bác sĩ có số ca mổ dã chiến nhiều nhất trong Sư đoàn Dù.
Ông được khen thưởng nhiều huy chương, kể cả huân chương của Sư đoàn Không kỵ Hoa Kỳ. Ông từng được gửi đi tu nghiệp phẫu thuật tại Texas để nâng cao tay nghề.
Sau năm 1975 ông bị gọi đi học tập cải tạo tại trại cải tạo Suối Máu. Nhưng nhờ sự tin tưởng của một vị lãnh đạo TP.HCM, ông được trở về và trưng dụng, tiếp tục hành nghề. Nhờ đó mà có những ca mổ song sinh dính nhau thành công như ngày hôm nay, trong đó nổi bật nhất là mổ cặp song sinh dính nhau Việt Đức năm 1988. Trong ca mổ tách rời 2 bé Diệu Nhi và Trúc Nhi, ông đứng vai trò cố vấn cho kíp mổ.
Sau những thành tích thường đi theo phần thưởng. Nhưng những phần thưởng đó có giúp ích gì cho người được thưởng hay không lại là một vấn đề khác.
Báo Thanh niên ngày 6/11/2018 đưa tin: “Nam sinh nghèo được Chủ tịch nước tặng ảnh bác Hồ vì trả tiền nhặt được”.
Theo đó: “Với hành động đẹp nhặt được của rơi tìm người trả lại, em Võ Hồng Hiếu, học sinh lớp 6H, Trường THCS Bình An Thịnh (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) vừa được Tổng Bí thư – Chủ tịch nước gặp mặt và tặng ảnh bác Hồ”.
Đó là “50 hộ dân nghèo ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, được tặng mỗi hộ một ảnh bác Hồ, và họ luôn cảm thấy tự hào, chăm chỉ, cần cù hơn với một mong ước giản đơn sẽ sống xứng đáng với những điều Bác Hồ đã dạy.”
Cùng với phong trào tẳng ảnh CT.HCM là phong trào xây tượng đài. Có người đã gọi đất nước này là đất nước của những tượng đài. Đến nỗi một tỉnh nghèo như Sơn La, hàng năm hệ thống lãnh đạo chỉ sống nhờ vào tiền trợ cấp của Trung ương. Vậy mà vẫn đòi xây cho được tượng đài 1.400 tỉ.
Vì vậy báo Thanh Niên ra ngày 7/82015, khi nghe tin này đã phải đặt câu hỏi:”Xây tượng đài nghìn tỷ để làm gì”?
Bài báo viết: “Nghe con số 1.400 tỉ đồng để xây tượng đài Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc ai cũng giật mình. ‘Hội những người yêu cầu người khác làm từ thiện’ lên tiếng với slogan kinh điển: ‘sao không đem chia cho người nghèo’. Nhưng cái đáng quan tâm ở đây là xây để làm gì, xây trong thời điểm này có thích hợp, có hiệu quả hay không”?
Hay như tỉnh nghèo Quảng Bình xài sang, chi 80 tỷ dựng tượng đài cho dân ngắm đỡ đói.
Mặc dù được xếp vào diện tỉnh nghèo, dân thiếu đói triền miên, thế nhưng chính quyền Quảng Bình vẫn quyết vung tay chi gần 80 tỷ đồng tiền thuế của dân để dựng ‘tượng Hồ Chí Minh’.
Báo Tuổi Trẻ ngày 13/6/ 2020 có bài: “Quảng Bình khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Theo đó: “Tối 13-6, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” nhân dịp kỷ niệm 63 năm Bác Hồ về thăm tỉnh này”.
Trở lại vụ phẫu thuật tách 2 bé Trúc Nhi và Diệu Nhi.
Báo điện tử VTV.vn ngày 20/7/2020 có bài: “Bé Diệu Nhi nhoẻn miệng cười khi Phó Chủ tịch nước đến thăm”.
Bài báo viết: “Trong buổi làm việc, Phó chủ tịch nước cũng đã tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá quý và 50 triệu đồng cho kíp mổ”.
Câu hỏi đặt ra là: Cũng như em học sinh nghèo ở Hà Tĩnh được tặng ảnh bác khi trả lại tiền rơi nhặt được, 50 hộ nghèo ở An Giang được tặng ảnh CT.HCM…thì nay cái mà các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cần là gì?
Vâng, cái họ cần là trang thiết bị y tế, là các máy móc cần thiết cho việc cứu người, hay cần tấm hình CT.HCM được làm bằng đá quý?
Thao Ngoc 21/7
Leave a Comment