Trung Điền – Việt Tân
Vào năm 1995, dưới thời Tổng Thống Bill Clinton, Hoa Kỳ lần đầu tiên công bố về Biển Đông là: “Không có quan điểm về các nội dung pháp lý của các yêu sách chủ quyền trên các đảo, đá, san hô và bãi khác nhau trong Biển Đông, kêu gọi các bên giải quyết theo nguyên tắc hòa bình trong các tranh chấp.” Năm 2010, khi Tổng Thống Obama đưa ra chính sách “xoay trục về Á Châu,” quan điểm của Hoa Kỳ về Biển Đông được nâng cấp thành: “kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao tập thể, và khẳng định rằng Mỹ cùng các nước hưởng lợi từ tự do hàng hải trên Biển Đông.”
Năm 2012 khi xảy ra vụ Trung Cộng chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, tuy Hoa Kỳ vào lúc đó vẫn giữ thái độ trung lập, nhưng bắt đầu lên tiếng mạnh hơn trong việc yêu cầu các bên làm rõ những yêu sách trên Biển Đông theo luật quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Năm 2016, Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Obama đã lên án mạnh mẽ việc Trung Cộng cải tạo và quân sự hóa các bãi đá ngầm thành những đảo nhân tạo chiếm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa, đồng thời lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Liên Hiệp Quốc về Biển Đông qua vụ kiện của chính phủ Philippines đối với yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc là phi pháp.
Năm 2019, dưới thời Tổng Thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã một mặt tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và tuyên bố Biển Đông không là “ao nhà” của Trung Quốc, mặt khác cho rằng các yêu sách của Trung Quốc là không phù hợp với UNCLOS 1982, và các nước có quyền làm những gì được luật quốc tế cho phép.
Năm 2020, với tuyên bố của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo công bố vào ngày 13 tháng Bảy vừa qua cho thấy là trên nguyên tắc Hoa Kỳ không thay đổi lập trường về Biển Đông; nhưng từ vị trí trung lập cách nay 20 năm, Hoa Kỳ đã chuyển sang thế đối đầu khi xác định: “các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp… Hoa Kỳ đứng bên cạnh các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á để bảo vệ chủ quyền của họ đối với các tài nguyên ngoài khơi theo các quyền và nghĩa vụ của họ căn cứ theo luật quốc tế.”
Nói cách khác, Hoa Kỳ không muốn dính đến các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ các đảo, bãi đá ngầm vì đó là chuyện giữa các nước đang tranh chấp phải thương thảo hay nhờ bên tòa án quốc tế giải quyết. Nhưng nếu vượt qua 12 hải lý từ các đảo mà đưa ra yêu sách đòi chủ quyền trên biển, thì Hoa Kỳ không chấp nhận, và cho đó là vi phạm luật pháp quốc tế. Vì vậy, Hoa Kỳ đã đưa ra hai quyết sách quan trọng:
1/ Bác bỏ hoàn toàn yêu sách biển của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough (Philippines), Bãi Tư Chính (Việt Nam), tại bãi cạn Luconia (Malaysia), đảo Natuna (Indonesia), bãi James (nằm cực Nam Biển Đông).
2/ Khẳng định bất kỳ hành động nào của Trung Quốc quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các nước ở những vùng biển này – hoặc đơn phương thực hiện các hoạt động khai thác tài nguyên đó, đều là phi pháp.
Có ba lý do, Hoa Kỳ đã chọn thế đối đầu với Trung Quốc qua tuyên bố của Ngoại Trưởng Pompeo vào ngày 13 tháng Bảy, 2020.
Thứ nhất, Hoa Kỳ muốn chứng tỏ sự đồng hành với khối ASEAN, nhất là với Philippines bằng một số hành động cụ thể, để buộc Trung Quốc phải tôn trọng và thi hành phán quyết của Tòa Trọng Tài Liên Hiệp Quốc về UNCLOS vào ngày 12 tháng Bảy, 2016. Mục tiêu sâu xa của Hoa Kỳ là để tranh thủ Tổng Thống Dueterte của Philippines không ngả theo những dụ dỗ của Trung Quốc.
Hoa Kỳ nhìn thấy rõ là để bảo vệ sự tự do hàng hải trên Biển Đông trước sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh trên vùng biển này, thì chỉ có Philippines là quốc gia sẵn sàng đứng cùng với Hoa Kỳ chiến đấu, trong khi các quốc gia như Malaysia, Indonesia, CSVN vẫn còn giữ khoảng cách vì sự e ngại trả đũa từ Trung Quốc.
Thứ hai, Hoa Kỳ thấy rõ hướng đi của Bắc Kinh trong thời gian tới là áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, đã được Trung Quốc xây dựng từ năm 2010, cùng thời điểm Bắc Kinh tuyên bố đơn phương lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Nếu để cho Bắc Kinh thiết lập ADIZ thì rõ ràng là Trung Quốc sẽ không chỉ khống chế biển, lòng biển và cả bầu trời Biển Đông, khiến mọi máy bay khi bay qua khu vực Biển Đông đều phải xin phép. Do đó, Hoa Kỳ phải hành động trước bằng cách tuyên bố các yêu sách biển của Trung Quốc là phi pháp để ít ra làm trì hoãn kế hoạch thiết lập ADIZ của Bắc Kinh hiện nay.
Thứ ba, Hoa Kỳ đã đưa ba hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, USS Ronald Reagan và USS Nimitz tuần tra cùng lúc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương từ giữa tháng Sáu, trong đó hai hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan đã có những cuộc tập trận tại vùng biển quanh khu vực Trường Sa. Điều này cho thấy là Hoa Kỳ không thể tiếp tục làm ngơ, mà phải sẵn sàng giúp các nước khác chống lại hành vi bắt nạt của Trung Quốc khi đưa tàu của ngư dân mình ra đánh cá hay thực hiện các cuộc thăm dò dầu khí. Sự kiện hai công ty Repsol của Tây Ban Nha và công ty Rosneft của Nga phải ngưng các dự án thăm dò dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam vì áp lực của Trung Quốc trong thời gian gần đây, khiến cho Hoa Kỳ không thể im lặng.
Những quan điểm của Hoa Kỳ về Biển Đông nói trên, đã được lưỡng đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ra tuyên bố ủng hộ vì thế mà nó sẽ trở thành chính sách của Mỹ, qua đó Quốc Hội Hoa Kỳ có thể coi các hoạt động gây hấn quân sự, hoặc bắt nạt các nước ASEAN của Trung Quốc đều là phi pháp, để từ đó thiết lập những dự luật trừng phạt nhắm vào các công ty, quan chức Trung Quốc đã có những hành động phi pháp trên Biển Đông.
Một cách cụ thể, theo ông David Stilwell, Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ thì Quốc Hội sẽ có những biện pháp trừng phạt những công ty quốc doanh của Trung Quốc như Tập đoàn Xây Dựng và Thông Tin của Trung Quốc (CCCC) đã dẫn đầu trong việc phá san hô, cải tạo đá, xây dựng các căn cứ quân sự trên những đảo, bãi đá chìm; hay Tập đoàn Dầu Khí Ngoài Khơi Trung Quốc (CNOOC) đã đưa những giàn khoan thăm dò dầu khí một cách bất hợp pháp trong thềm lục địa của một số nước ASEAN.
Tuyên bố của Hoa Kỳ, tuy giữ trung lập về vấn đề chủ quyền, nhưng không chấp nhận hành động bắt nạt, cướp đoạt tài nguyên ngoài khơi Biển Đông một cách thô bạo, coi thường luật pháp quốc tế bằng hành vi “cường quyền là công lý” của Trung Quốc. Tuyên bố này đã tạo một cơ sở cho các quốc gia trong ASEAN, mà cụ thể là Việt Nam, Philippines, Mã Lai tiếp tục đấu tranh bác bỏ toàn bộ các quy định phi lý của Trung Quốc trong việc cấm đánh bắt cá và chiến dịch Blue Code của Bắc Kinh trong việc cấm tất cả các hoạt động thăm dò đáy Biển Đông.
Tuyên bố này, đặc biệt còn mở ra một cơ hội rất tốt để nhà cầm quyền CSVN nộp đơn lên Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển 1982.
Nói tóm lại, tuyên bố của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ hôm 13 tháng Bảy đã đẩy cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một trở nên gay gắt, nhưng ngược lại đây là cơ hội mà Việt Nam thể hiện tính độc lập, toàn vẹn chủ quyền để nộp hồ sơ pháp lý lên Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển, nhằm dùng chính luật pháp quốc tế bảo vệ sinh mệnh của bà con ngư dân và bảo vệ tài nguyên hải sản, dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam đã được quốc tế công nhận.
Trung Điền
Leave a Comment