Vì sao một nhà nước dân chủ thì ngày một tiến bộ? Và vì sao một nhà nước độc tài nếu không dẫm chân tại chỗ thì nó cũng đi thụt lùi? Đấy là 2 câu hỏi mà chúng ta cần đào sâu bản chất để tìm câu trả lời.
Nước Anh, nước Thụy Điển, nước Thụy Sỹ, nước Hà Lan vv.. ban đầu nó không phải là một nhà nước tạo ra sự công bằng xã hội. Đến độ ông Karl Marx thời ấy đã viết ra cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” để phủ định lại xã hội mà ông gọi là “tư bản bóc lột”. Thế nhưng cho đến hôm nay, XHCN mà Marx viết ra ấy, và sau đó được chấp cánh bởi Lenin thì bản chất nó ra sao? Mọi người đã nhìn thấy.
Như Winston Churchill đã từng nói “Chủ Nghĩa Tư Bản có thể không chia đều sự giàu có, nhưng Chủ Nghĩa Xã Hội thì chia rất đều sự nghèo khổ”. Vâng! Cả cuộc đời Winston Churchill chỉ chứng kiến sự hưng thịnh của Chủ Nghĩa Xã Hội ở Liên Xô và Đông Âu chứ ông chưa hề chứng kiến thời kỳ suy tàn và sụp đổ của nó, vậy mà ông đã đưa ra nhận xét không thể nào chính xác hơn. Là một chính trị gia lỗi lạc, Winston Churchill nhìn thẳng vào bản chất nhà nước rồi ông ta đưa ra lời nhận xét, chắc chắn nó không thể sai được.
Từ khi nhà nước phúc lợi chưa xuất hiện ở Âu Châu, về bản chất thì nhìn thấy bóc lột đấy, nhưng nó là những nhà nước đa đảng. Rất nhiều đảng tồn tại, nhưng cơ bản nó có hai xu hướng chính trị rõ rệt, đó là cánh tả và cánh hữu. Xu hướng chính trị thiên tả nói cho dễ hiểu là nó có xu hướng cào bằng bằng cách cắt lợi ích của giới giàu phân phối lại cho tầng lớp thấp, còn thiên hữu thì bảo vệ giới giàu có nhằm thúc đẩy khả năng sinh lợi cho xã hội. Cực tả nó sinh ra việc cào bằng quá mức dẫn đến việc giết chết nguồn sinh lợi quốc gia, cực hữu nó xảy ra hiện tượng bảo vệ giới giàu có quá mức nên đẩy xã hội đến sự bất công một cách cực đoan, dân nghèo bị bóc lột không thương tiếc và hố ngăn cách giàu nghèo nới rộng.
Để một quốc gia vừa có nguồn sinh lợi mạnh, người nghèo vừa được hưởng phúc lợi thì đòi hỏi môi trường chính trị đó phải có cả thiên tả và thiên hữu cân bằng. Đa đảng mà chỉ cần 2 đảng với đầy đủ thiên tả và thiên hữu cân bằng thì hơn hàng chục đảng phái mà tả hữu bất cân đối. Hoa kỳ là một ví dụ, chỉ hai đảng nhưng tả hữu cân bằng thì đất nước rất phát triển. Đảng dân chủ thiên tả, đảng Cộng hòa thiên hữu. Hai đảng luôn là đối trọng cho nhau trong sự phát triển bền vững của nền chính trị nước này. Khái niệm cánh tả cánh hữu nó xuất hiện từ cuối thế kỷ 18, còn Karl Marx thì sống ở thế kỷ 19, vậy mà Karl Marx không nhìn thấy giá trị của xu hướng chính trị đa nguyên do tả hữu cân bằng mang lại.
Chính vì môi trường chính trị tả hữu cân bằng nên không sớm thì muộn, quốc gia đó cũng giàu mạnh và thực hiện công bằng xã hội bằng hình thức phân phối phúc lợi. Điều trớ trêu là, hiện nay những nước “tư bản bóc lột” lại đạt đến một xã hội công bằng và thịnh vượng, trong khi đó cái gọi là XHCN mà Marx mà Lenin xây dựng hiện nay vừa không có thịnh vượng vừa đầy rẫy bất công xã hội. XHCN mà Lenin xây dựng, nó dựa trên nền tảng độc đảng. Ban đầu, ĐCS thể hiện bản chất cực tả của nó bằng cách tiêu diệt địa chủ cào bằng đói nghèo cho toàn xã hội. Thế rồi khi mô hình cực tả đem đến thất bại thảm hại thì bây giờ CS lại thể hiện bản chất cực hữu của nó. Hiện nay ĐCS đã xây dựng một xã hội đầy bất công với những ưu ái phi lý cho doanh nghiệp nhà nước. Chưa hết, nó còn làm chính sách cho doanh nghiệp thân hữu bóc lột nhân dân vét cạn tài nguyên đất nước. Chính điều đó nó dẫn tới xuất hiện tầng lớp tư bản đỏ giàu có sống sa hoa trên sự cùng cực của đa phần người dân.
Không có đảng đối lập làm vai trò cân bằng quyền lực chính trị, thì một đảng toàn trị không bao giờ cho ra những chính sách dung hòa mang tính thiên tả hoặc thiên hữu một cách nhẹ nhàng, mà nó chỉ có thể ngã rạp về một phía hoặc theo cực tả hoặc theo cực hữu mà thôi. Tất cả là cực tả hay cực hữu đều không tốt. Nó sẽ kéo lùi xã hội vì sự cào bằng ngu ngốc hoặc tạo ra bất công xã hội quá lớn. Trong cả hai trường hợp, thì đất nước luôn bị tụt hậu so với thế giới.
Ở tại những nước “tư bản bóc lột” ấy, những phản ứng của dân bao giờ cũng được hiệu chỉnh được luật pháp. Đây là sự tích lũy những yếu tố tiến bộ vào trong luật pháp. Luật pháp ấy được thượng tôn sẽ tạo nên sự công bằng một cách bền vững. Chính vì thế “tư bản bóc lột” ngày nay nó đã tạo ra một xã hội công bằng, văn minh, thịnh vượng vượt qua xa những gì mà Karl Marx hình dung về nó. Còn với “xã hội chủ nghĩa ưu việt” thì không như vậy, mọi phản ứng của dân đều bị đè bẹp bởi bạo lực của chính quyền, và sau mỗi lần phản ứng như vậy, chính quyền độc tài sẽ siết chặt hơn và tất cả mọi nguyện vọng của dân đều bọ phớt lờ. Nếu người dân có đấu tranh quá mạnh, chính độc tài có thể nhượng bộ để hạ nhiệt sức mạnh tòa dân, sau đó họ tìm cách siết lại bằng cách bắt nguội những người phản đối, và thực hiện chính sách bất công đó một cách lén lút miễn sao đạt mục đích. Sự tiến bộ không được tích lũy vào luật pháp mà ngược lại, sự phản tiến bộ ngày càng được thêm vào đó. Chính vì vậy mà XHCN không thể tiến bộ hơn được.
Nhìn thấu bản chất của hai nền chính trị như thế, nên từ rất sớm Winston Churchill đã nhận ra và đúc kết nên câu nói bất hủ mà hôm nay chúng ta thấy nó không sai một li nào. Ngược lại với Winston Churchill, Karl Marx đã không nhìn vào cái gốc thể chế chính trị mà nhìn vào cái ngọn “bóc lột” của nó vào thời ông ta sống, chính vì lẽ đó mà ông ta đã đưa ra một học thuyết sai lầm làm một nửa nhân lầm đường lạc lối và cuối cùng phải phá bỏ nó để bắt đầu lại theo con đường của những nước “tư bản bóc lột” đã đi.
Với Việt Nam, thì chắc chắn nhân dân cũng phải phá bỏ cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa vớ vẩn này để bắt đầu lại mà thôi. Thế hệ này không làm nổi thì hãy cố gắng tạo những viên gạch lót đường vững chắc để thế hệ tiếp theo thay đổi. Đất nước không thể ôm cái gọi là “Xã Hội Chủ Nghĩa Marx-Lenin” này mãi được. Phải loại bỏ nó thì mới đưa đất nước đến với sự phát triển bền vững được./.
Leave a Comment