Quảng Cáo

Gói 100 tỷ hỗ trợ khó khăn vì dịch Covid: mong rằng không chỉ được nhận trên tivi

Quảng Cáo

Diệp Chi (VNTB)|

Gói an sinh 100 tỷ hỗ trợ của riêng chính quyền TP.HCM: biết đó nhưng không mong chờ!

Nghe qua thì có vẻ sao sao… Trong thời gian dịch Covid19 xảy ra với lệnh cách ly xã hội, nhiều ngành nghề, trong đó có thợ hồ, cắt tóc, giữ trẻ… phải tạm nghỉ. Đời sống khó khăn, nên nếu đúng theo thực tế, thì khi nghe tin chính quyền của thành phố đưa ra một gói hỗ trợ nữa, sao lại nước đôi kiểu “vui thì cũng vui đó nhưng… nhiều người lại không mong chờ”. Vì sao vậy?

“Có gì khó hiểu đâu, như gói 62 ngàn tỷ đó. Nghe nói được hỗ trợ, tổ trưởng kêu làm giấy tờ. Rồi cũng nghe theo, đi làm, photo đủ thứ, tốn thêm tiền chụp hình nữa chứ, rồi cũng nộp lên. Cuối cùng im ru, im tới bây giờ luôn. Cũng nghe nói đến cái gói 100 tỷ mới đây, mình làm nghề hớt tóc, nghe đâu cũng nằm trong diện được hỗ trợ nhưng không biết sao. Mong chờ như gói kia mệt mỏi quá, thôi mình làm nhiêu ăn nhiêu, ngày cắt được bao nhiêu cái đầu thì hay bấy nhiêu. Không mong chờ gì hết”, ông Lê, một thợ hớt tóc ở vỉa hè trên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3 chia sẻ.

“Nếu chính quyền cho vậy thì theo tôi là tốt đó chứ. Chính quyền quan tâm chăm sóc đến người lao động. Chỉ sợ là nói mà không có thôi”, một thương binh mưu sinh bằng nghề sửa xe lề đường, hoài nghi.

“Thú thiệt là từ hồi dịch tới giờ, buôn bán ế ẩm lắm. Nhưng được cái nói theo kiểu của ông bà ‘tay làm hàm nhai’, ngày nào mình cũng quảy gánh ra đường kiếm ăn, cũng có đồng vô đồng ra, dù khách nước ngoài chưa qua Việt Nam nhưng cũng được cái là có khách là người Việt, nên dù cực cũng trang trải được chi phí ăn uống, nhà trọ.

Lúc cái gói trước 62 ngàn tỷ ấy, cũng nghe tổ trưởng, tính bỏ vài buổi bán để về quê xin cái giấy xác nhận hộ khẩu. Mà tính đi tính lại, thấy không ổn, chi phí về quê coi bộ còn cao hơn tiền được lãnh, mình ở xa mà, nên thôi. Nay đọc trên báo thấy cái gói hỗ trợ mới này của riêng thành phố dành cho những người lao động mà không có hợp đồng, nằm ngoài gói 62 ngàn tỷ, thấy cũng ham. Mà thôi không dám ham nữa, khi nào được thì cảm ơn vô cùng”, bà Tuyết, mưu sinh bằng nghề bán chuối nướng cho khách du lịch, nói tỉnh rụi.

“Hồi giờ tự mình làm rồi tự mình sống, không có ai giúp đỡ hết. Nếu mà thủ tục đơn giản, không phải chờ lâu, mình mà được nhận thì mình cảm ơn. Cảm ơn rất nhiều ấy chứ”, ông Phát, một thợ vá xe ở vỉa hè gần chợ Bà Chiểu, cho biết.

“Cũng mong muốn cứu trợ cho bà con dễ dàng, những người nghèo khó, khuyết tật, tha phương cầu thực, những người xa quê đi kiếm sống”, ông Ba, một phụ hồ tâm sự. Còn với riêng ông Lê thì ngao ngán lắm rồi: “Thôi, không có mong chờ gì. Chẳng ở không đâu mà chờ, mắc công nữa, như đợt trước đó, khai tới, khai lui mất công rồi cũng nhận lại được sự im lặng à. Mình làm nhiêu ăn nhiêu thôi”.

Mặc dù dịch bệnh Covid phần nào đã được kiểm soát ở Việt Nam, song trong công cuộc mưu sinh, những người lao động bình dân như ông Phát, ông Lê, ông Ba… còn nhiều lắm những cơ cực. Chính vì thế, khi nghe tin sẽ được chính phủ dành khoản hỗ trợ, chia sẻ một phần nào đó khó khăn ở mùa dịch Covid, họ đã rất vui mừng. Rồi họ cũng nghe theo lời tổ trưởng, tạm gác công ăn việc làm qua một bên, đi làm giấy tờ. Nộp và chờ đợi…

Và giờ thì đến gói hỗ trợ 100 tỷ mà chính quyền thành phố muốn dành riêng cho những người lao động như cắt tóc, vá xe, giữ trẻ, thợ hồ…, đồng ý là tốt, là người dân rất vui mừng, thế nhưng, hy vọng rằng, sẽ không có quá nhiều thủ tục rườm rà, tốn công tốn của cho việc đi lại. Được như vậy, nói như lời ông Ba – “cảm ơn chính quyền vô cùng!”.

***

Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, đã đề xuất lên UBND TP.HCM bổ sung gói hỗ trợ cho khoảng 98.000 người, thuộc 280 công việc khác nhau với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng.

Đây là số lao động tự do, không có hợp đồng lao động bị mất việc bởi dịch Covid-19 nhưng nằm ngoài 6 nhóm ngành nghề được hỗ trợ theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tức gói 62 ngàn tỷ.

Những công việc nằm trong gói đề xuất của chính quyền TP.HCM hỗ trợ gồm: giúp việc gia đình, bảo vệ, giữ xe, rửa xe thuê, bán hàng tại chợ; thợ nề, thợ mộc, thợ sơn, tài xế, phụ xe, nhân viên kinh doanh vận tải, người làm biển (kéo lưới, đan lưới, bắt cá, cào nghêu); người làm tại các cơ sở chế biến thực phẩm, may, thủ công mỹ nghệ, làm đẹp…

Dự kiến, mỗi người sẽ nhận 1 triệu đồng mỗi tháng, tối đa không quá 3 tháng từ ngân sách thành phố. Để được hỗ trợ, người lao động ngoài bị mất việc, còn có thu nhập thấp hơn chuẩn nghèo TP.HCM (3 triệu đồng/người/tháng) trong thời gian từ 1-4 đến 30-6-2020.

Theo ông Lê Minh Tấn, việc bổ sung gói hỗ trợ nói trên thật sự cần thiết, nhằm giảm gánh nặng, khó khăn cho lao động tự do, nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux