Quảng Cáo

Trận đấu Trump – Tập sang hiệp mới

Khi nhìn vào trận đấu tương lai, chúng ta thấy những tranh chấp về mậu dịch, về khiếm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là những vấn đề nhỏ và ngắn hạn.

Quảng Cáo

Tổng thống Donald Trump mới nói rằng ông sẽ không bàn về “Thỏa hiệp Đợt 2” với Trung Quốc nữa, vì mối bất hòa do bệnh dịch “Kung Flu” gây ra! Nhưng ngoài mấy con vi rút Corona, ông Trump còn nhiều lý do khác để tạm ngưng nói chuyện với ông Tập Cận Bình.

Thứ nhất, thỏa hiệp Đợt 1 đang chạy chậm như rùa thì nói chuyện Đợt 2 làm gì?

Trung Cộng hứa sẽ mua thêm $200 tỷ hàng hóa trong 2 năm. Cho đến giữa năm nay, Trung Cộng mới mua $26.9 tỷ đô la hàng của Mỹ, bằng 45% số hàng phải mua như đã thỏa thuận. Về nông phẩm, mối quan tâm lớn nhất của ông Trump, Trung Cộng chỉ đặt hàng 39% con số đã hứa hẹn sẽ mua. Không thấy dấu hiệu nào là con rùa sẽ chạy nước rút, từ giờ cho đến ngày bầu cử.

Hơn nữa, tới sang năm ông Trump cũng không cần bàn về mậu dịch với Trung Cộng nữa nếu ông vẫn làm tổng thống. Vì ông nắm trong tay nhiều thứ vũ khí sẵn sàng đánh các đòn kinh tế khác. Và ông đã thử phát ra một chưởng mới.

Chính phủ Mỹ đang tung đòn nhắm vào năm công ty lớn của Trung Quốc. Ông Trump sẽ ra lệnh các cơ quan nhà nước không được mua hàng hóa và dịch vụ của bất cứ công ty nào nếu họ sử dụng các sản phẩm của Huawei (Hoa Vi), Dahua (Đại Hoa), ZTE Corp (Trung Hưng), Hikvision (Hải Khang Uy Thị), và Hytera Communications (Hải Năng Đạt Thông tín). Toàn là những xe thiết giáp của Trung Cộng trong trận chiến giành thị trường kỹ thuật viễn thông cao cấp.

Mỗi năm chính phủ Mỹ mua khoảng $500 tỷ hàng hóa. Công ty Amazon đang giành nhau với Microsoft một hợp đồng $10 tỷ mỹ kim với bộ Quốc Phòng về Cloud Computing. Amazon sẽ phải xét lại bao nhiêu thứ vẫn mua bên Tàu đem về dùng, như họ đã mua 1,500 cameras của Dahua về đo nhiệt độ cho nhân viên.

Dahua và Hikvision đứng đầu thị trường quốc tế bán camera và các dụng cụ kiểm soát, theo dõi khác, nhờ họ đã cung cấp cho một khách hàng lớn nhất ở Bắc Kinh, trong công tác kiểm soát dân chúng lục địa, nhất là người Hồi Giáo ở Tân Cương! Điện thoại di động của Huawei, Hytera và ZTE tràn ngập thế giới.

Nói đến Huawei thì chắc ai cũng biết tên rồi. Đó là công ty bán nhiều điện thoại tinh khôn (smartphone) đứng hàng thứ nhì thế giới, ít hơn Samsung nhưng nhiều hơn Apple. Chính phủ Mỹ đã nhắm vào Huawei từ lâu, coi đây là một mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia, nếu các thiết bị của họ được sử dụng trong hệ thống viễn thông mới G5.

Hệ thống 5G không chỉ là một mạng lưới điện thoại mà còn dùng để điều khiển rất nhiều thứ, gọi là Internet of things. Người ta sẽ dùng điện thoại tinh khôn coi biết tủ lạnh nhà mình còn rau cải hay không, quần áo mình xấy đã khô chưa, ông chồng mình đi đâu chưa về nhà. Hệ thống viễn thông mới cũng giúp các bà sai chiếc xe hơi điện đi đón mình ở chỗ nào lúc mấy giờ, điều chỉnh đèn xanh đỏ trên dường phố, kiểm soát không lưu ở các phi trường hay mực nước trong đập thủy điện.

Những người dùng iPhone biết rằng công ty Apple lúc nào cũng có thể vô máy của họ để “cập nhật” các app chứa trong đó, trong khi chủ nhân đang ngủ. Huawei cũng có khả năng đó!

Tất cả các tín hiệu phát đi hay truyền tới cái máy điện thoại đều chạy qua một “bộ óc.” Bộ óc có thể dùng cái điện thoại như một công an khu vực đi sát quý vị 24 giờ, nó biết quý vị đã gặp ai, đã coi những phim nào, mua quần áo ở đâu, giá bao nhiêu, vân vân.

Nếu Huawei đứng ra thiết lập Hệ thống G5 mới cho bất cứ nước nào thì họ cũng có thể cài những công an khu vực vào trong túi từng người dân dùng điện thoại ở xứ đó!

Mục tiêu của Cộng sản Trung Quốc là chế ngự thị trường viễn thông 5G trong tương lai; cho nên đã trợ cấp cho các sản phẩm của họ để có thể bán với giá rẻ hơn. Ai cũng biết rằng các công ty lớn ở Trung Quốc, dù bên ngoài là của tư nhân, cũng nằm trong vòng kiềm tỏa của đảng Cộng sản. Các công ty này không tôn trọng những quy luật của thị trường tự do. Huawei hay ZTE là những cánh tay nối dài của hệ thống tình báo, gián điệp. Những sản phẩm rẻ tiền của các công ty này, có thể đang bán ở Wal-Mart, sẽ tạo cơ hội cho Trung Cộng xâm nhập vào từng gia đình ở Mỹ cũng như các nước khác.

Chính phủ Mỹ nghi rằng công ty này quan hệ mật thiết với quân đội Trung Cộng. Đạo Luật Tình Báo Quốc gia của Trung Cộng năm 2017 nói rằng tất cả các tổ chức tư nhân phải hợp tác với mạng tình báo quốc gia!

Giáo sư Chris C. Demchak, ở Học viện Hải quân Mỹ (Naval War College) đã khám phá ra trong năm 2016, những thông tin chuyển từ Canada sang Nam Hàn đã được chuyển qua nước Tàu suốt sáu tháng. Hiện tượng này sẽ còn tiếp tục.

Một điều đáng lo nhất là các gián điệp phá hoại điện tử (hackers) của Trung Cộng có thể dùng hệ thống viễn thông do Huawei lập ra để lén vào quấy phá các nhà máy điện, phi trường, hải cảng, đập thủy điện, và nhiều thứ khác.

Chính phủ Anh quốc, sau khi đã tỏ ra không cần lo lắng gì về vai trò gián điệp của Huawei suốt một năm qua, bây giờ mới quyết định sẽ không mua dụng cụ nào của hãng này dùng trong đầu não của hệ thống G5 đang lập, và chỉ cho dùng trong 35% các bộ phận thuộc vòng ngoài. Năm ngoái, sau khi Tình báo nước Anh cho biết mối lo về gián điệp, công ty viễn thông BT Group, ở Anh, sẽ phá bỏ hết những dụng cụ của Huawei mà họ mua về dùng.

Các nước sẽ thay thế các dụng cụ của Huawei bằng những sản phẩm nào khi thiết lập hệ thống viễn thông mới G5?

Thủ tướng Boris Johnson, chịu áp lực của các dân biểu đảng Bảo Thủ, đã bắt đầu thương lượng với các công ty NEC của Nhật và Samsung của Nam Hàn để mua dụng cụ cho hệ thống G5 của nước Anh. Hai công ty này đã hợp tác từ năm 2018 trong lãnh vực G5 và Trí Khôn Nhân Tạo (AI, Artificial Intelligence).

Người Mỹ chắc chắn ủng hộ các công ty nhà, như Cisco, Juniper Networks, hay Qualcomm. Âu châu sẽ ưu đãi các công ty Ericsson của Thụy Điển hoặc Nokia của Phần Lan.

Tại Nhật Bản, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) sẽ bỏ ra hơn $600 tỷ đô la giúp các công ty như NEC, Fujitsu phát triển các dụng cụ dùng trong hệ thống G5. Công ty NEC đứng hàng đầu về dụng cụ viễn thông, đang hợp tác với NTT (Nippon Telegraph and Telephone), cùng đầu tư nghiên cứu để bán các dụng cụ cho hệ thống G5 khắp thế giới.

Các hệ thống viễn thông đang dùng như G4 nối kết người nọ với người kia, nhưng thế hệ G5 sắp tới sẽ nối liền đủ mọi thứ, từ các bộ phận dò tìm (sensors), các robots, các chiếc xe điện tự điều khiển, vân vân.

Hệ thống Viễn thông mới và Trí Khôn Nhân Tạo (AI) sẽ thay đổi cả chiến trường khi cho phép các máy móc cá nhân có thể liên lạc trực tiếp với nhau cùng với tổng đài.

Thử tưởng tượng một đại đội hành quân trong rừng, mọi người đi cách nhau hàng trăm mét, mỗi người lính đeo một cái đồng hồ nhờ đó biết các bạn mình đang ở vị trí nào, mà không cần dùng GPS. Một người bị bắn, bất tỉnh. Cái đồng hồ sẽ phản ứng ngay, trước hết “ra lệnh” cho cái nịt quanh ống quần của anh lính thắt chặt lại để cầm máu, bộ phận cấp cứu tự động chích adrenaline cho anh ta, và một bộ phận khác báo động cho các đồng đội cũng như cho bệnh viện dã chiến gần đó nhất. Cả đại đội được điều động, bộ phận cơ giới đến tiếp viện, và trực thăng bay thẳng tới cứu người lính bị thương,

Đây không phải là một chuyện khoa học giả tưởng nữa mà là sự thật, sẽ diễn ra nhờ hệ thống viễn thông G5 với Trí Khôn Nhân Tạo, trong thời đại “Internet cho đủ mọi thứ” (Internet of things).

Đứng trước một tương lai như vậy, các quốc gia sẽ phải lo lắng trước tình trạng các công ty của Trung Cộng như Huawei, Hytera và ZTE đang tìm cách chiếm lĩnh thị trường viễn thông, được chính quyền cộng sản đứng đằng sau hỗ trợ.

Khi nhìn vào trận đấu tương lai này thì chúng ta thấy những tranh chấp về mậu dịch, về khiếm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là những vấn đề nhỏ và ngắn hạn!

Cho nên Tổng thống Donald Trump có đủ lý do khách quan để tuyên bố rằng ông không còn bận tâm về một “thỏa hiệp đợt 2” với ông Tập Cận Bình nữa! Những đòn ông sắp đánh trên các công Trung Cộng như Huawei, Dahua, ZTE, Hikvision và Hytera chỉ là bước đầu cho một chiến lược mới nhằm chặn không cho Trung Cộng bành trướng để nắm đầu thế giới!

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
whatsapp
line
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux