Nói đến kiện cáo ở Việt Nam là một chuyện cực chẳng đã, vì “vô phúc mới đáo tụng đình”.
Trong thời XHCN được cho là ưu việt nhất nhưng các vụ kiện cũng trần ai gian khổ, nhất là những vụ dân kiện nhà nước và những kẻ có quyền có chức. Được tòa án thụ lý đơn kiện là chuyện vô cùng khó, được thụ lý thì đường thắng lợi càng khó hơn nữa, và nếu may mắn giành được thắng lợi vô cùng hiếm ấy, thì đợi cơ quan nhà nước thua kiện chấp hành án càng… Không biết đến chừng nào. Bởi chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực, các cơ quan nhà nước tập trung hết quyền lực thì cơ chế nào xử lý nếu cơ quan nhà nước bị thua kiện không chấp hành án triệt để và đúng hạn ?
Đó là lý do không ít người cho rằng kiện TC (Trung Cộng) về biển đảo là mất công, tốn thời gian và tiền bạc một cách vô ích. Bởi tòa nào thụ lý vụ kiện TC (Trung Cộng) khi TC là ủy viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc? Nếu may mắn được một tòa quốc tế nào đó thụ lý thì làm sao thắng được nước mạnh có quà nhiều ảnh hưởng trên thế giới như TC? Và nếu cực kỳ may mắn thắng kiện, cơ chế có quyền cưỡng hành duy nhất của LHQ là Hội đồng bảo an bị TC phủ quyết, thì chỉ còn nước lên đỉnh mù u mà đòi biển đảo?
Bởi trong rừng cọp là pháp luật, dưới sông hà bá (cá sấu) là lẽ phải, trong thế giới loài người nước mạnh là chân lý. Philippines thắng kiện tòa trọng tài liên hiệp quốc về luật biển UNCLOS, nhưng gãi ngứa TC chứ làm được gì ?
Phe ủng hộ Việt Nam khởi kiện TC cho rằng, vẫn biết đòi lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa bằng kiện cáo là không đủ, vì chẳng có cơ quan nào của LIên Hiệp Quốc lấy lại Hoàng Trường Sa cho Việt Nam, song là việc sơ đẳng nhất bắt buộc Việt Nam phải làm nếu còn muốn đòi lại biển đảo. Vì chí ít khởi kiện là để khẳng định Hoàng Trường Sa là của Việt Nam bị TC đánh chiếm trái phép, không kiện để lâu cứt trâu hóa bùn, biến TC thành có lý và Việt Nam thành phi lý thì đòi thế nào?
Nói cách khác, nếu tòa án nào đó của quốc tế ra phán quyết xác định hành động TC cưỡng chiếm Hoàng Trường Sa của Việt Nam là trái luật quốc tế thì việc Việt Nam đòi lại chủ quyền Hoàng Trường Sa là hợp tình hợp lý và hợp pháp, cộng đồng quốc tế mới có căn cứ ủng hộ Việt Nam, mới tạo được lực ép để TC không dám nghênh ngang vào bãi Tư Chính và rốn dầu Nam Côn Sơn trong vùng EEZ của Việt Nam sục sạo như chỗ không người, TC không còn lý lẽ để buộc Việt Nam rút người và hạ tầng cơ sở ra khỏi quần đảo Trường Sa như tháng trước, và Hồ Tích Tiến không thể giở trò lên mặt đạo lý dạy dỗ và đe dọa Việt Nam trong quan hệ với Mỹ.
Nếu một tòa án quốc tế nào đó, như PCA chẳng hạn, ra phán quyết TC không có chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, giống như PCA đã từng phán quyết trong vụ kiện của của Philippines vào ngày 13/7/2016, bát bỏ yêu sách chủ quyền 9 đoạn của TC trong vùng biển Trường Sa, thì công bố sáng nay của Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ trọn vẹn hơn, sẽ bác bỏ hết mọi yêu sách phi pháp của TC trong Biển Đông liên quan đến chủ quyền đường lưỡi bò 9 đoạn tự phịa của TC. Tiếc là sáng nay Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ bác bỏ gần hết yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò sai trái của TC trên Biển Đông chứ không bác bỏ hết. Vì sao?
Mỹ là nước được cộng đồng quốc tế mặc định làm cảnh sát quốc tế, giữ gìn an ninh trật tự thế giới trên cơ sở luật pháp quốc tế. Cho nên Mỹ chỉ căn cứ vào luật pháp quốc tế để nêu quan điểm và bảo vệ quan điểm ấy. Trong Biển Đông, nhiều nước đều tuyên bố yêu sách chủ quyền của mình nên biết ai đúng ai sai nếu không có phán quyết của một tòa án quốc tế khách quan diễn giải?
Và hiện nay chỉ có một phán quyết duy nhất của PCA năm 2016 liên quan đến vụ kiện của Philippines, xác định trong Biển Đông không có thực thể nào được xác định là đảo theo UNCLOS nên không có thực thể nào có chủ quyền lãnh hải 12 hải lý. Có lẽ Mỹ đã căn cứ phán quyết này để sáng sớm hôm nay, 14/7/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của TC về chủ quyền đường lưỡi bò phi pháp. Vấn đề là tại sao Mỹ không bác bỏ hết mà còn chừa lại một ít? Số ít này phải chăng TC có lý? Đương nhiên nước kẻ cướp như TC làm gì có cái đúng nào khi dùng vũ lực cướp biển đảo của nước khác. Có thể do Việt Nam chưa khởi kiện liên quan đến Hoàng Sa, chưa có phán quyết của một tòa quốc tế nào đó, nên Bộ Ngoại giao Mỹ còn chừa lại chăng ?
Tóm lại, các nước nhỏ chẳng làm được gì TC, song khi Mỹ chồm tay vào Biển Đông thì mọi chuyện lại khác. Bởi như đã nói trên, Mỹ là nước “sen đầm”, được cộng đồng quốc tế mặc định có tư cách và tư thế làm cảnh sát giữ gìn luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, như Ông Trump đã nói trong diễn văn nhậm chức, rằng Mỹ không có bổn phận giúp đỡ ai, không ăn cơm nhà vát tù và hàng tổng. Điều này có thể hiểu Mỹ không làm điều gì mà không có lợi ích. Nhưng nếu Mỹ có lợi ích thì lại khác, nghĩa là khi quyền lợi Mỹ trùng với quyền lợi các nước trong Biển Đông, Mỹ sẽ nhân danh bảo vệ luật pháp quốc tế để can thiệp, khi ấy các nước nhỏ trong khu vực, trong đó có Việt Nam, được cậy nhờ. Nhưng vì là nước “sen đầm” nên Mỹ không thể làm ngang ngược như TC, chỉ hành động trên cơ sở luật pháp quốc tế hay ít ra được sự đồng thuận của các nước trong khu vực.
Thế mới biết, không phải TC ỷ mạnh có thể làm gì cũng được, vì “cao nhân tất hữu cao nhân trị”. Song cũng không phải dịp may lúc nào cũng có, và nếu ta không chuẩn bị pháp lý đầy đủ cho việc đòi lại chủ quyền biển đảo của mình, thì khi dịp may đến ta sẽ không thể tận dụng hết cơ hội ngon ăn đó. Hi vọng lãnh đạo Việt Nam sáng suốt tận dụng cơ hội tốt để giữ gìn tròn vẹn biển đảo trước tham vọng điên cuồng và ngạo mạn của TC./.
Leave a Comment