Hôm nay trên báo Thanh Niên có bài viết “Nhiều cán bộ công an tại TP.HCM liên quan vụ ‘dàn cảnh bắt cóc, cướp 35 tỉ đồng’”. Từ bài báo này, chúng ta lại thấy xã hội Việt Nam đang hình thành một thứ liên minh mới, liên minh “công an-côn đồ” làm ăn riêng. Một sự gắn bó máu thịt từ lúc bọn họ cùng đứng chung dưới sự bảo kê của chính quyền cho đến khi tách ra làm ăn những dự án ngoài vòng pháp luật. Được biết, để thực hiện trót lọt vụ dàn cảnh ăn cướp này, 2 cựu cán bộ công an đã tham gia vào vụ cướp với tư cách là những kẻ vạch kế hoạch tác chiến. Ngoài 2 công an ra khỏi ngành này, thì còn thêm 3 công an đang công tác trong ngành làm công tác hỗ trợ. Và thực tế vụ cướp đã diễn ra hoàn hảo như trong phim hành động, điều đó chứng tỏ khả năng nghiệp vụ của 2 cựu công an này đỉnh như thế nào?!
Như vậy là vụ cướp này đã cho chúng ta thấy có đủ trong ứng ngoại hợp rất hoàn hảo. 3 công an đang công tác trong ngành là công tác nội ứng, toán cướp bên ngoài thực hiện công việc phối hợp. Đây là hình thức liên minh “công an-côn đồ” rất nguy hiểm cho xã hội. Liệu ở Việt Nam có bao nhiêu vụ án cướp liên minh như thế này, chúng ta khó mà biết được. Vì những gì được đưa lên mặt báo bao giờ cũng chỉ là phần nổi của tảng băng. Biết bao nhiêu vụ cướp như thế này đã được ém chìm xuồng mà chúng ta không hề hay biết.
Thực tế chúng ta không lạ gì về mối liên minh “công an-côn đồ” này. Chính ĐCS đã đưa ra thứ chủ trương bất thành văn này chứ không ai khác. Và từ đó nó phát triển thành loại cướp có tổ chức như thế này. Mỗi khi đối phó với dân, công an luôn trưng dụng côn đồ để thay mình làm những điều phi pháp, phi đạo đức. Côn đồ sẽ ra tay tàn ác với dân, nhưng thực chất đó không phải là chủ trương của họ. Họ chỉ là kẻ chỉ đâu đánh đó, chính công an mới là kẻ vạch ra kế hoạch. Cứ nơi nào có tranh chấp đất đai với chính quyền thì côn đồ xuất hiện hành hung, nơi nào có biểu tình thì côn đồ xuất hiện hành hung, ai dám “nói xấu” chính quyền thì côn đồ xuất hiện hành hung vv.. Đây là mối quan hệ khăn khít. Côn đồ giúp cho công an tránh được hình ảnh vi phạm nhân quyền trước thế giới, ngược lại khi đó côn đồ sẽ được công an bảo kê làm ăn. Đây là mối quan hệ cộng sinh đôi bên cùng có lợi, và quan trọng nhất là bọn họ không thể thiếu nhau.
Chuyện những đồng nghiệp từng làm chung cơ quan, sau một thời gian hiểu ý họ rời khỏi cơ quan cũ và bắt tay hợp tác làm dự án riêng là chuyện không hiếm. Anh và tôi cùng làm trong công ty lâu năm, rất hiểu ý nhau và đã mang lại được nhiều lợi ích cho công ty. Anh giỏi điều hành nhân sự, tôi giỏi ngoại giao tìm khách hàng. Thế là tôi và anh rủ nhau rời công ty và góp cổ phần làm ăn chung. Vâng! Làm chung, hợp ý, tách ra riêng và hợp tác là sự phát triển rất tự nhiên. Trên thế giới, chúng ta chứng kiến không ít trường hợp cùng học chung, hiểu ý nhau rồi rủ nhau lập startup làm ăn riêng và thành công. Tương tự như vậy, khi chính quyền CS chủ trương mối liên minh lâu dài giữa “công an – côn đồ” thì chắc chắn, nó cũng sẽ phát triển thành những liên minh “công an-côn đồ” tách ra làm dự án riêng như vậy. Khi những nhóm liên minh kiểu này tách ra thì chắc chắn, chúng sẽ nhắm vào dân lành mà cướp. Cướp có kế hoạch, cướp có nghiệp vụ, và cướp phối hợp với nhau hoàn hảo đến khó tin.
Qua tổ chức cướp 35 tỷ trên cao tốc Long Thành – Dầu Dây chúng ta thấy rõ tổ chức cướp này phân công phân nhiệm chẳng khác nào một tổ chức lớn. Chúng chia thành có 3 nhóm phối hợp rất bài bản: Nhóm thứ nhất là 2 công an giải ngũ làm công tác hoạch định kiêm luôn tác chiến; Nhóm thứ nhì là những tên côn đồ, chúng tác chiến theo kế hoạch đã vạch ra; nhóm thứ ba là 3 tên công an còn công tác trong ngành. Bọn này chịu trách nhiệm che chắn cho nhóm ngoài tác chiến. Ví dụ như dùng mối quan hệ để ém chìm xuồng vụ án, hay cung cấp thông tin nội bộ đám kia phối hợp hành động vv… Qua đây chúng ta thấy, đây là một loại tội phạm mới được sinh ra do chủ trương của chính quyền CS, nó nguy hiểm hơn tội phạm của riêng bọn côn đồ rất nhiều. Tất cả, mối nguy này đều đổ lên đầu dân chứ không ai khác./.
-Đỗ Ngà-
https://thanhnien.vn/…/nhieu-can-bo-cong-an-tai-tphcm-lien-…
Leave a Comment